Trong những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng tiến trình đô thị hóa ở nước ta thì bài toán quản lý đô thị được đặt ra với nhiều lời giải, nhiều biến số cần phải được làm rõ. Nhiều nhà quản lý đô thị cứ loay hoay đi tìm câu trả lời bằng việc làm thế nào để quản lý tốt việc xây dựng và phát triển đô thị. Tức là coi công tác quản lý về qui hoạch đô thị và kiến thiết đô thị là nội hàm của quản lý đô thị.
Có lúc người ta lại coi công tác qui hoạch, kiến thiết (xây dựng) và quản lý là 3 cạnh của một tam giác về bài toán quản lý. Thực ra, quản lý đô thị là một khái niệm cần phải hiểu theo 1 tầng nghĩa.
Theo nghĩa rộng, quản lý đô thị là toàn bộ tiến trình (chứ không phải quá trình) quản lý về thị chính, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị... Trên nghĩa hẹp thì chỉ là quá trình quản lý thị chính, tức là quản lý quá trình quy hoạch, kiến thiết và vận hành trong tiến trình xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thành phố.
Do điều kiện chủ quan và khách quan, công tác quản lý đô thị của chúng ta còn nhiều bất cập trong nhận thức cũng như thực thi. Trên nhận thức mà nói, nhiều lúc nhiều nơi chúng ta còn có những hiểu biết chưa đúng, chưa sâu, chưa thật sự khoa học về bài toán quản lý đô thị. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc mà cụ thể là không phát huy được các thành tố bên trong của đô thị. Đô thị phát triển lộn xộn không theo chiều tích định sẵn... Dưới đây xin được nêu ra một số nhận thức chưa đúng đó.
Quản lý đô thị: Vừa chạy vừa xếp hàng?
Do sự giới hạn mang tính giai đoạn về sự phát triển đô thị nói chung, tiến trình qui hoạch, kiến thiết đô thị nói riêng, nhiều lúc chúng ta đã đơn giản hóa công tác quản lý đô thị. Có lúc chỉ coi quản lý đô thị là quản lý quá trình qui hoạch và kiến thiết đô thị, nhiều khi lại cho rằng đối tượng của quản lý đô thị là quá trình vận hành đô thị.
Đành rằng công tác quy hoạch và xây dựng đô thị không tách rời khỏi nhiệm vụ quản lý đô thị nhưng sẽ là khiếm khuyết nếu không đưa vận hành đô thị vào công tác quản lý. Tiến trình đô thị hóa đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ quá trình vận hành đô thị, nhưng cần phải hiểu rằng nếu chỉ quản lý về quá trình vận hành đô thị không thì chưa đủ mà còn cần phải có sự kết hợp hài hòa, câu thông, hỗ động giữa 3 yếu tố: Qui hoạch, kiến thiết và vận hành.
Một đô thị sẽ không phát triển (hoặc phát triển vượt ra ngoài tầm kiểm soát) khi mà ta chỉ chú trọng đến công tác vận hành đô thị mà không (hoặc ít) coi trọng đến công tác qui hoạch và kiến thiết.
Thực tế nước ta, ở các đô thị lớn cho thấy, sự vận hành đô thị đi theo những quán tính không định sẵn mà nhà quản lý đô thị nhiều khi chỉ quản lý theo kiểu vừa chạy vừa xếp hàng. Để 1 đô thị phát triển đúng với ý đồ của nhà quản lý thì bài toán quản lý cần phải có mặt từ khâu qui hoạch, xây dựng đến vận hành.
Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Chudu24.com
Quản lí đô thị- mạnh ai nấy làm?
Rất nhiều nhà quản lý đô thị nhận thức rằng, quản lý đô thị tức là quản lí từng mảng nhỏ, từng lát cắt như giao thông, vệ sinh môi trường, cấp thoát nước, cây xanh, quản lý việc xây dựng nhà cửa, v.v...
Thế nhưng trên thực tế mà nói, kết cấu đô thị (về không gian kiến trúc cũng như không gian xã hội) xét theo lát cắt thời gian, nó luôn đi từ đơn giản đến phức tạp, từ đơn biến đến đa biến... Do vậy, bài toán quản lý đô thị cũng cần có sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động.
Quản lý phải đi từ kinh nghiệm sang khoa học, từ phân tán sang tổng hợp, từ độc tấu sang hòa tấu, từ áp đặt sang hài hòa, dân chủ. Cần phải nhận thức rằng, đô thị trong xã hội hiện đại là một hệ thống phức tạp mà bên trong nó là nhiều tiểu hệ thống. Các tiểu hệ thống này cần phải có ngành dọc đứng ra điều hành, quản lý, định hướng phát triển theo hướng chuyên môn hóa.
Thế nhưng, chúng ta cần thấy hệ thống đô thị ngày càng ẩn chứa bên trong nó những thành tố mang tính phức tạp thì việc cắt xẻ ra thành nhiều mảnh nhỏ theo kiểu chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa để quản lý là không ổn.
Nói cách khác, nhấn mạnh đến phương thức quản lý chuyên môn hóa theo từng lĩnh vực, từng bộ phận đã dần trở nên không còn thích ứng với tốc độ, tính chất và trình độ phát triển của mạng lưới đô thị ở nước ta hiện nay, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Bởi lẽ, tính đan xen, phức hợp, cộng hưởng, giao thoa của các tiểu hệ thống trong hệ thống đô thị hiện đại khó lòng phân định rạch ròi từng "mảng nhỏ" để quản lý.
Điều đó dẫn đến hiện tượng trống đánh xuôi kèn thổi ngược hay mạnh ai nấy làm như hiện nay. Thực tế cho thấy, quản lý theo kiểu chuyên môn hóa như hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập mà rõ nhất là "ban ngành chủ nghĩa", "dĩ ngành vi bản": Chỉ hoàn thành nhiệm vụ quản lý theo lĩnh vực của mình. Bất luận phương hại đến các bộ phận khác, lĩnh vực khác không thuộc mình quản lý. Cảnh "mạnh ai nấy đào đường" của giao thông, công chánh, điện lực, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông trong thời gian qua là một ví dụ minh chứng.
Khi đã hình thành chính quyền đô thị thì việc quản lý thành phố phải quản lý cả 3 khâu đó là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bởi lẽ một thành phố có vận hành được hay không đòi hỏi quá trình: 1) Lập pháp (ban hành những qui định, văn bản liêm quan đến công tác qui hoạch, xây dựng và vận hành thành phố); 2) Hành pháp (giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân và cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức, giữa các tổ chức với nhau trong mối quan hệ tương quan đến quá trình qui hoạch, xây dựng và vận hành đô thị) 3) Tư pháp (đảm bảo pháp luật, pháp lệnh được thực thi). |
Như vậy đơn giản hóa, chuyên môn hóa hệ thống hết sức phức tạp của đô thị ngày càng trở nên bất cập, không hợp thời, không khoa học nữa. Bởi như thế, vô hình chung làm cho những xung đột về lợi ích của các bộ phận, các tiểu hệ thống ngày càng ngay gắt hơn. Thậm chí làm xung đột lợi ích giữa cái cục bộ và cái chỉnh thể.
Từ đó dẫn đến sự buông lỏng về quản lí, tư tưởng bản vị, mất dần sự hỗ trợ, kết hợp hài hòa giữa các bộ phận. Như thế, tư tưởng đơn giản hóa việc quản lý đô thị, chia cắt quản lý thành những lát cắt độc lập để tiến hành nghiên cứu. Cũng như quản lý theo kiểu chuyên môn hóa, sau đó mới tiến hành tổng hợp một cách giản đơn để làm luận cứ. Quan điểm đánh giá cho tiến trình đô thị hóa, quản lý đô thị kiểu đó đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế.
Đô thị hiện đại là một hệ thống lớn và phức tạp, là bài toán đa biến, đa nghiệm. Sự phát triển của nó không chỉ là sự phát triển nổi trội của một vài tiểu hệ thống mà điều quan trọng và then chốt là cần có sự kết hợp nhịp nhàng của các tiểu hệ thống với nhau.
Cần có sự thống nhất về mục tiêu phát triển của các tiểu hệ thống và mục tiêu phát triển tổng thể của chính đô thị đó. Như thế, làm thế nào để phát huy được ưu thế chỉnh thể của quản lý đô thị. Phát huy được tính hiệu ứng hội tụ để vận hành một cách hài hòa, có hiệu quả của toàn bộ hệ thống đô thị là vấn đề mà các nhà quản lý đô thị hiện đại đặt ra. Đối với các đô thị Việt Nam, chúng ta cần những nhạc trưởng đủ trình độ, có chuyên môn, có tâm huyết để điều kiển các "nhạc công" hiện hữu theo những nhạc lý trong kịch bản.
Quản lý đô thị rất cần "chính quyền đô thị"
Quản lý về chấp pháp đô thị (quản lý về việc thực thi và chấp hành pháp lệnh có liên quan đến công tác qui hoạch, xây dựng và vận hành đô thị) là việc làm hết sức cần thiết cho bất cứ đô thị nào, để đảm bảo sự phát triển đô thị theo đúng quỹ đạo đã được những nhà hoạch định, nhà quản lý quyết nghị.
Thế nhưng thực tế của nhiều nước trong công tác quản lý đô thị cho thấy, khi quản lý đô thị mà chỉ chú ý đến việc quản lý chấp pháp là chưa đủ. Chúng ta chưa có cái gọi là "chính quyền đô thị" với những chức danh như thị trưởng, hội đồng thị trưởng, hội đồng cố vấn, hội đồng điều phối thành phố thì quản lý đô thị chỉ dừng lại ở khâu quản lý công tác chấp pháp là có thể chấp nhận được.
Thế nhưng khi đã hình thành chính quyền đô thị thì việc quản lý thành phố phải quản lý cả 3 khâu đó là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bởi lẽ một thành phố có vận hành được hay không đòi hỏi quá trình: 1. Lập pháp (ban hành những qui định, văn bản liêm quan đến công tác qui hoạch, xây dựng và vận hành thành phố); 2. Hành pháp (giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân và cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức, giữa các tổ chức với nhau trong mối quan hệ tương quan đến quá trình qui hoạch, xây dựng và vận hành đô thị); 3. Tư pháp (đảm bảo pháp luật, pháp lệnh được thực thi).
Trong công tác quản lý đô thị hiện đại cần phải phân định rõ ràng, minh bạch và rạch ròi giữa vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của từng vị trí, chức vị, lĩnh vực mà các chủ thể quản lý đã phân công. Cuối cùng trả lời cho những câu hỏi: Ai quản? Quản ai? Quản như thế nào? Quản cái gì? Hiệu quả ra sao?