07/11/2019 8:35 AM
CafeLand - Một khách sạn tư nhân làm ăn thua lỗ có thể xin chuyển thành công trình căn hộ thương mại cho thuê được không? Một nhà ở bình thường có thể cải tạo thành các phòng để cho thuê kinh doanh được không? Những câu hỏi này không dễ trả lời. Và đây đang là vấn đề bất cập trong lĩnh vực cấp phép giấy xây dựng tại Đà Nẵng.

Ông Thái Ngọc Trung, Phó giám đốc sở Xây dựng Đà Nẵng tại phiên họp báo quý 3/2019 vừa qua đã đưa ra thực trạng khó khăn trong cấp phép xây dựng lâu nay, là nhiều hộ dân khi nộp hồ sơ, xin làm nhà ở, nhưng khi hoạt động lại thành nhà nghỉ khách sạn. Ông nói rằng việc này sai phạm rõ ràng về giấy phép, hồ sơ xây dựng, cần phải rà soát và xử lý nghiêm.

Song ông Trung lại lúng túng, khi báo chí đặt ngược câu hỏi, rằng trong trường hợp cơ sở kinh doanh nhà nghỉ khách sạn, công trình xây đúng thủ tục, nhưng mất cơ hội, muốn đổi thành căn hộ chung cư thương mại để cho thuê ở dài hạn, thì giấy phép xây dựng có điều chỉnh được không?

Nếu đổi được, tại sao một nhà ở của người dân có các phòng ngủ khép kín lại không thể chuyển đổi công năng thành phòng trọ cho thuê, home stays? Nếu không đổi được, thì làm sao trách người dân xin giấy phép xây nhà nhưng lại cải tạo thành nhà nghỉ để tìm cơ hội tăng thu nhập?

“Chính vì cơ quan quản lý cấp phép xây dựng nhà ở tách bạch với nhà nghỉ, khách sạn, chỉ dựa trên hồ sơ để thẩm định, sau đó khó điều chỉnh đúng nhu cầu của người dân đã khiến người ta xin giấy phép thế này, dùng thế khác. Xin làm nhà, có thể còn cho thuê phòng, chứ xin làm nhà nghỉ, khi không có khách thì xử lý thế nào? Nếu cơ quan chức năng linh hoạt, đáp ứng tốt nhu cầu thay đổi công năng của các phần công trình, thì người ta đâu cần lách luật”, một chuyên gia bất động sản nói.

Vị chuyên gia này dẫn vụ việc điển hình mới đây ở quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Đó là bà Nguyễn Thanh Huyền, người đã xây năm căn nhà cho thuê trên năm lô đất liền kề. Năm căn nhà đó có thiết kế kỹ thuật, diện tích… đều trong phạm vi giấy phép, nhưng mỗi phòng ngủ lại cải tạo thành không gian sinh hoạt riêng, có thể cho thuê hộ gia đình.

Khu nhà ở độc lập nhưng được vận dụng thành nhà cho thuê của bà Nguyễn Thanh Huyền (Cẩm Lệ) không thể xử lý khi tự thay đổi công năng mà giữ nguyên kỹ thuật kết cấu.

Năm căn nhà đó vì thế đã tạo thành một tổ hợp nhà cho thuê, không vi phạm chỉ giới xây dựng hay cấu trúc toàn công trình. Cơ quan chức năng vì thế không thể buộc tháo dỡ, cũng không thể vi phạm quyền được kinh doanh công năng các phòng ngủ trong nhà của người dân.

Rốt cuộc, vi phạm về giấy phép xây dựng nhà ở riêng biệt thành nhà ở cho thuê, nhưng công trình của bà Huyền lại hợp lý để tồn tại, chỉ cần điều chỉnh lại giấy phép về công năng sử dụng và các thủ tục kinh doanh là xong.

Hơn nữa, cơ quan chức năng cũng không thể kết luận trường hợp này là có vi phạm, vì chiếu các quy định hiện hành, như theo Thông tư 05 của Bộ Xây dựng (30/10/2015), người dân được tự thiết kế xây dựng nhà ở có tổng diện tích sản dưới 250 m2 hoặc dưới ba tầng, chiều cao dưới 12 mét. Các chỉ số này, gia đình bà Hiền đều tuân thủ.

Theo ông Thái Ngọc Trung, điển hình này không phải cá biệt. Trên địa bàn Đà Nẵng hiện đang có hàng trăm công trình xây dựng nhà ở trong dân có dấu hiệu “lách luật” như thế. Thậm chí, nếu chỉ căn cứ giấy phép xây dựng để xử lý, thì khu vực bán đảo Sơn Trà có hàng trăm khách sạn mini, nhà nghỉ đã mọc lên tràn ngập các tuyến đường. Những căn nhà này biến động liên tục, có lúc cho du khách thuê đúng chức năng, có lúc cho người dân thuê để ở căn hộ nên không thể kiểm soát hết được.

Cũng chỉ là một căn nhà ba tầng, nhưng lúc này là nhà ở riêng lẻ, sáu tháng sau có thể thành tổ hợp home stays cho khách lưu trú trong tuần, sáu tháng sau nữa đã đăng ký thành khách sạn mini… Việc theo dõi kiểm soát những công trình như vậy, hầu như không thể.

“Ma trận” nhà ở, nhà nghỉ… được người dân tự ý chuyển đổi công năng sử dụng, biến hóa đa dạng tùy hoàn cảnh và cơ hội cuộc sống của họ, vì thế thật sự rất nan giải để kiểm soát, giám sát hết.

“Phải chăng đã đến lúc các cơ quan quản lý chức năng nên xem xét lại tư duy quản lý, linh hoạt và chủ động hơn cho người dân khi đăng ký xây dựng các công trình, cho phép họ được thay đổi công năng sử dụng theo thời gian, miễn là không xâm phạm đến các chỉ số kỹ thuật, an toàn xây dựng, PCCC là được?” đại diện luật sư của gia đình bà Thanh Huyền đặt vấn đề như vậy.

Nhạc Duy Hạ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.