Khu vực đất công ở Đầm Hồng. Ảnh: Phương Nguyên
Nguy cơ phát sinh vi phạm
Theo thống kê của quận Thanh Xuân, năm 2017, trên địa bàn quận có 53 khu đất công, đất nông nghiệp tại 7 phường với tổng diện tích khoảng 61,9ha.
Trong đó, phường Khương Đình có 19 khu đất với diện tích 46,85ha, phường Phương Liệt có 7 khu đất với diện tích hơn 6,6ha…
Tính đến tháng 6/2019, trong tổng số 53 khu đất có 2 khu đã bàn giao cho các đơn vị để xây dựng công trình công cộng, 4 khu đất là mặt nước đã kè, còn lại 47 khu đất. Các khu đất này được quận giao Trung tâm Phát triển quỹ đất quận và các phường quản lý, chống lấn chiếm.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái, công tác thống kê, đo đạc, lập bản đồ hiện trạng và hồ sơ quản lý các khu đất đã xác định được diện tích, chủ sử dụng, nguồn gốc thửa đất, hiện trạng công trình trên đất… làm cơ sở quản lý chặt chẽ, chống lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tuy nhiên, một số khu đất công còn tồn tại các công trình xây dựng từ lâu, khó xử lý, giải tỏa, như khu đất ở Đầm Hồng, khu đất giáp số 314 Bùi Xương Trạch (phường Khương Đình)...
Cùng với đó, phần lớn diện tích các khu đất nông nghiệp đã được các hợp tác xã nông nghiệp trước đây giao cho các xã viên quản lý, sử dụng, sau đó tự chuyển đổi xây dựng nhà ở từ nhiều năm trước, hiện nay đã hình thành khu dân cư.
Nhiều nhà đã xuống cấp nên có nhu cầu cải tạo, sửa chữa, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các vi phạm về trật tự xây dựng, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Khó khăn trong quản lý, chống lấn chiếm
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân Nguyễn Thị Kim Vân cho hay, các khu đất được giao cho Trung tâm và các phường quản lý đều có hiện trạng chung trước đây luôn bị đổ trộm phế thải, tồn tại nhiều tệ nạn xã hội và dễ phát sinh lấn chiếm, xây dựng trái phép.
Trung tâm đã xây dựng phương án, báo cáo lãnh đạo quận tổ chức thực hiện quản lý các khu đất công, đất nông nghiệp đảm bảo hiệu quả, không để tái lấn chiếm, đảm bảo vệ sinh môi trường...
Theo quyết định số 3440/QĐ-UBND ngày 5/6/2017 của UBND TP Hà Nội về việc thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND quận, huyện, Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ xây dựng phương án quản lý các khu đất chưa có quyết định giao đất, chưa có quyết định thu hồi đất. Đồng thời, có trách nhiệm tham mưu xây dựng phương án quản lý và liên kết, thực hiện khai thác các khu đất đảm bảo vệ sinh môi trường, chống tái lấn chiếm.
Trong các khu đất được quận giao cho Trung tâm, có khu đất ở Đầm Hồng với diện tích hơn 24.000m2, từng là bãi rác thải lớn nhất trên địa bàn quận Thanh Xuân.
“Chi phí rào tôn, thuê bảo vệ trông coi rất tốn kém. Do đó, Trung tâm đã đề xuất phương án xã hội hóa để thu hút các DN cùng vào thực hiện liên kết, chống tái lấn chiếm, đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng một số sân bóng đá mini, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân trong khu vực” - bà Vân chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà Vân, hiện nay là đất công, đất nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai không được liên doanh, liên kết, khai thác sử dụng.
Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, chống lấn chiếm đất đai cần được các cấp, các ngành tháo gỡ để tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện.
Công tác quản lý đất công, đất nông nghiệp giúp chính quyền thống kê được diện tích quản lý, xử lý được các vi phạm phát sinh, rõ trách nhiệm của các đơn vị, là cơ sở giải quyết tranh chấp. Một số khu đất được xây dựng phương án quản lý, liên kết khai thác chỉ là giải pháp tạm thời nhưng tiết kiệm chi phí đầu tư, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách quận và phường; đảm bảo vệ sinh môi trường, chống đổ trộm phế thải, chống lấn chiếm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng... Khi Nhà nước triển khai dự án sẽ không phải GPMB, tiết kiệm chi phí, thời gian đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư thực hiện ngay dự án. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái |