18/12/2012 8:49 AM
CafeLand - Thị trường bất động sản đóng băng, một nguyên nhân rất quan trọng là do sản phẩm chưa đáp ứng đúng nhu cầu thực. Một trong những giải pháp được Bộ Xây dựng ưu tiên triển khai trong thời gian tới là tập trung xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH).

Ảnh minh họa: CafeLand

Đây là loại nhà được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt của nhà nước nhằm hạ giá thành, phù hợp với khả năng thanh toán của người dân. Tuy nhiên, khi giá nhà thương mại đã tiến gần, thậm chí đã có dự án bán giá thấp hơn giá bán dự kiến của NƠXH và ấn tượng khó phai từ trước của người dân về chất lượng tồi tàn của loại nhà này thì liệu những dự án NƠXH sắp triển khai có mang lại hiệu quả như mong đợi?

Về cơ bản, giá nhà thương mại khó cạnh tranh trên diện rộng với NƠXH vì những chính sách ưu đãi đặc biệt dành riêng cho loại nhà này. Vấn đề còn lại là chất lượng có thực sự đúng nghĩa ưu đãi hay lại là “của ôi” như những khu nhà tái định cư trước đây. Công tác quản lý chất lượng NƠXH lâu nay là vấn đề cần được nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá, sửa đổi để tránh lặp lại vết xe đổ.

Tham nhũng trong xây dựng là nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm về chất lượng công trình so với tiêu chuẩn xây dựng. Trong công tác nghiệm thu theo tiêu chuẩn xây dựng, không có chất lượng kém hay chất lượng tốt mà chỉ có đạt và không đạt hay sai phạm về quy định chất lượng. Lý giải về sai phạm chất lượng của nhà tái định cư, có nhiều ý kiến cho là tại cơ chế, do cán bộ thiếu trách nhiệm…Tuy nhiên, không có cơ chế nào cho phép ký nghiệm thu công trình khi nó sai phạm về tiêu chuẩn chất lượng. Đổ lỗi tại cơ chế chỉ là cách để từ chối trách nhiệm cá nhân.

Mỗi hạng mục công trình, để được nghiệm thu phải có đầy đủ xác nhận chữ ký của 3 bên độc lập: nhà thầu, tư vấn giám sát và chủ đầu tư. Nhưng thực tế không phải lúc nào các bên cũng thực sự độc lập. Chuyện 3 bên bắt tay nhau là rất phổ biến, đặc biệt là các dự án “cha chung không ai khóc” từ vốn đầu tư nhà nước. Cán bộ lớn ăn phầm trăm theo giá dự toán, công nhân thì ăn cắp vật liệu, làm ẩu, sai quy trình thi công, “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” là điều khó tránh. Khi đó, hồ sơ nghiệm thu công trình sẽ được “làm đẹp”, không còn phản ánh đúng thực tế. Việc đánh giá chất lượng công trình khi đã hoàn thành sẽ chỉ dừng lại ở những phần quan sát được và phần trên mặt đất, còn phần móng thì vô cùng phức tạp.

Trong khi dư luận phản ánh rất nhiều, dân bức xúc với chất lượng nhà tái định cư thì việc làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan đến sai phạm ở mỗi dự án của cơ quan quản lý nhà nước vẫn rất hạn chế. Để xảy ra nhiều sai phạm kéo dài như vậy mà thiếu sự thanh tra, quy trách nhiệm cá nhân, xử lý nghiêm minh trước pháp luật thì làm sao dân tin vào chính sách của nhà nước?

Trách nhiệm của cán bộ nhà nước nghiệm thu về chất lượng và nhận bàn giao dự án ở đâu? Nếu cán bộ làm đúng chức trách thì nhà thầu nào, chủ đầu tư nào dám sai phạm? Đổ lỗi tại cơ chế rất dễ, quy trách nhiệm cá nhân thì rất khó nếu người đứng đầu thiếu cái tâm trong sạch và yếu năng lực quản lý.

Cơ chế là do con người đặt ra, và sửa đổi cho phù hợp thực tế. Khi lợi ích nhóm tạo ra cơ chế thì mầm tham nhũng đã có sẵn trong đó và sự sửa đổi chỉ trong vòng luẩn quẩn nếu thiếu sự phản biện từ bên ngoài.

Thực tế cho thấy, việc chống tham nhũng nhờ bộ 3 độc lập nhà thầu, tư vấn giám sát và chủ đầu tư vẫn thiếu hiệu quả. Việc bàn giao dự án từ chủ đầu tư cho cơ quan quản lý nhà nước nghiêng về hình thức mà không phát hiện được sai phạm đến khi căn hộ tới tay người dân. Khi người dân khiếu kiện thì đã xảy ra tình trạng các bên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Để giải quyết tình trạng này, cần phải có chế tài đủ mạnh với các bên liên quan để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Khi người dân phát hiện sai phạm, chủ đầu tư phải bị phạt nặng để đền bù cho việc sửa chữa căn cứ theo dự toán mỗi hạng mục công trình. Bên cạnh đó, việc xử lý những cá nhân liên quan gây ra sai phạm cũng cần quy định rõ.

Đối với những hạng mục khó kiểm tra chất lượng hơn khi đã hoàn thành như phần móng, phần ngầm, phần kết cấu chịu lực thì phải có cơ chế khuyến khích người tố giác sai phạm ngay từ lúc công trình đang thi công. Những người công nhân, cán bộ kỹ thuật trên công trường đều là những người thấy rõ sai phạm. Chính họ sẽ là người tố giác sai phạm nếu có quy định chi tiết để thưởng một cách xứng đáng, bảo vệ an toàn và bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập cho người chống tham nhũng. Để tránh tình trạng bao che khi tố giác sai phạm, cơ quan chức năng có thể công bố nơi tiếp nhận thông tin và thanh tra sai phạm, đơn vị này có trách nhiệm công khai tất cả hồ sơ tố giác và tình trạng xử lý cho người dân giám sát.

Chỉ khi huy động được người dân, những người trực tiếp xây dựng dự án cùng nhau tố giác sai phạm, tham nhũng với cơ chế thích hợp thì chất lượng NƠXH mới thực sự được cải thiện. Điều đó sẽ giúp người dân tin tưởng vào chất lượng và mục tiêu phá băng bất động sản mới đạt hiệu quả.

  • Thiết kế đô thị: Vội làm sẽ kém chất lượng

    Thiết kế đô thị: Vội làm sẽ kém chất lượng

    TP.HCM nên tiếp tục kiến nghị trung ương cho áp dụng các quy định về cấp phép xây dựng của TP từ trước đến nay.

  • Dồn dập sức ép giải cứu BĐS

    Dồn dập sức ép giải cứu BĐS

    Chưa bao giờ tần suất các cuộc họp, đề xuất chính thức về giải cứu thị trường bất động sản dồn dập như hiện nay. Việc cứu BĐS đã cấp bạch hơn bao giờ hết và có lẽ sắp đến thời điểm quyết định.?

  • Hàng tồn BĐS: Nói vậy, không hẳn vậy!

    Hàng tồn BĐS: Nói vậy, không hẳn vậy!

    Hơn lúc nào hết, một sự minh bạch và thẳng thắn thừa nhận thực trạng của thị trường sẽ là nền tảng để đưa ra các giải pháp hợp lý hơn đủ sức nâng đỡ bất động sản hồi phục...

Quốc Tuấn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.