Năm 2008 - 2009, thị trường BĐS ở Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chỉ trong 2 năm đã có trên 3 triệu rưỡi căn nhà bị ngân hàng tịch biên, giá nhà đất tại Hoa Kỳ sụt giảm thê thảm. Cho đến nay, thị trường BĐS tại Mỹ vẫn chưa có nhiều khởi sắc.
Theo một nghiên cứu mới của công ty môi giới bất động sản ZipRealty, giá chào bán nhà tại 26 thị trường nước Mỹ và đặc biệt là ở Floria đã giảm giá gần một nửa. Một số khu vực mức giá bán ra chỉ bằng 52% so với thời điểm đỉnh cao của thị trường năm 2007. Nắm bắt cơ hội này, nhiều người ở châu Á đã đổ xô sang Mỹ để mua nhà.

“Săn” nhà giá rẻ

Ông Andrew Lưu, một chuyên viên địa ốc tại San Jose, bắc California cho biết, những người Trung Quốc lắm tiền nhiều bạc thời gian gần đây có xu hướng sang Hoa Kỳ lùng mua những căn nhà có giá giảm kịch sàn để đầu tư hoặc cho con cái du học sang Mỹ sử dụng. Đích ngắm của họ là những căn nhà có giá từ 300.000 – 800.000 USD/căn ở các thành phố lớn như San Francisco, Los Angeles, New York, Boston và las Vegas. Đây là những nơi có cộng đồng người gốc Hoa sinh sống hoặc có nhiều trường đại học.

Kể từ khi có trào lưu sang Mỹ mua nhà, các tour du lịch kết hợp mua nhà ở Trung Quốc bắt đầu nở rộ. Ông Zhao Xinyu, người quản lý website về địa ốc có tên Soufun.com là người đầu tiên tổ chức tour cho người Trung Quốc sang Mỹ mua nhà cho biết, từ khi có xu hướng này công việc làm ăn của ông trở nên phát đạt. Với giá chỉ 3.600 USD/người/chuyến, khách hàng tham gia tour này vừa được tham quan du lịch vừa được tìm hiểu và được tư vấn về thị trường BĐS ở tận bên kia bán cầu. Ông Ying Guohua hành nghề Luật sư tại Bắc Kinh cho biết, trên 90% người giàu ở Trung Quốc muốn có căn nhà thứ 2 tại Mỹ để có cơ hội đi Mỹ thường xuyên hơn, đồng thời theo họ, đó cũng là cách đầu tư an toàn nhất. Và giá nhà đất tại Mỹ giảm sâu là cơ hội tốt cho dòng người từ Trung Quốc sang Mỹ để mua nhà. Tuy nhiên, giáo sư Wang Hongxin, giám đốc học viện nghiên cứu địa ốc Normal ở Bắc Kinh lại cảnh báo, người Trung Quốc chỉ nên mua nhà ở Mỹ để cho con ăn học hoặc để sang sinh sống và làm việc thôi, còn nếu mua để đầu tư thì phải cân nhắc thận trọng bởi đầu tư địa ốc tại Trung Quốc hiện vẫn sẽ sinh lời cao hơn so với các thị trường khác.

Nhiều người Trung Quốc nghĩ rằng, nếu được sở hữu nhà tại Mỹ thì sẽ được nhập cảnh dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ông Dan Harris, một luật sư tại Seattle, bang Washingtonlại cảnh báo, không phải cứ có nhà là được nhập cảnh vào Mỹ. Hơn nữa, nếu chẳng may mua phải những căn nhà mà người chủ cũ phá phách thì chủ mới còn phải tốn thêm một khoản tiền lớn để tu sửa.

Không chỉ người Trung Quốc, thời gian gần đây một số người Việt Nam cũng đi tour sang Mỹ mua nhà. Tuy nhiên, việc người Việt mua nhà ở Mỹ không hơn giản bởi quy định của luật pháp Việt Nam. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, người đi du lịch chỉ được mang không quá 7.000.000 USD tiền mặt nên một cá nhân không thể mang theo vài trăm ngàn USD sang Mỹ để mua nhà được. Mặt khác, tuy luật pháp cho phép cá nhân được đầu tư ra nước ngoài nhưng việc mua một căn nhà không được xem là một dự án nên không thể áp theo quy định đầu tư ra nước ngoài để có thể chuyển tiền mua nhà được. Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 đến nay vẫn có nhiều người Việt Nam mua được nhà bên Mỹ.

Ông Nguyễn Thế Khải, giám đốc công ty du lịch Hoàn Mỹ, một trong những công ty thường tổ chức tour sang Mỹ săn nhà giá rẻ cho biết, công ty ông đã đặt quan hệ với các nhà môi giới nhà đất ở Mỹ từ năm cuối 2008. Khi khách đi tour, sau khi kết thúc chương trình tham quan, nếu có nhu cầu tìm mua nhà sẽ tiếp tục ở lại để tìm hiểu, đồng thời được tư vấn về các thủ tục pháp lý. công ty chỉ tổ chức xe đi lại, chỗ ăn ở và liên lạc với các nhà môi giới, còn thủ tục pháp lý và chuyển tiền mua nhà là do khách tự quyết định. Số lượng khách đi tour của công ty ông đã mua được nhà bên Mỹ đến nay đã lên đến hàng 3 con số.

Người Việt Nam cũng thường chọn mua những căn nhà có giá vài trăm ngàn USD để cho con ở du học. Một vị khách dấu tên ở Tp.HCM cho biết, năm 2009 ông mua được 1 căn nhà có 3 phòng ngủ ở bang California với giá 300.000 USD, ông để 1 phòng cho con trai đang du học tại đây ở, 2 phòng còn lại cho thuê đủ tiền đóng học phí và sinh hoạt cho con. Vị khách này khoe: “Như vậy, suốt thời gian con tôi học bên Mỹ gia đình chẳng mất đồng nào. Nếu nền kinh tế phục hồi, căn nhà của tôi bán được khoảng 500.000 USD, lời đơn lời kép. Khi hỏi quy định chặt thế làm sao ông vẫn chuyển tiền sang Mỹ để mua nhà được. Vị này “bật mí”: “Tiền nhà bên Mỹ do người thân của tôi ở bên ấy trả, còn tôi sẽ trả lại cho người thân của tôi bằng tiền Việt trên đất Việt. Hoán đổi cho nhau thôi”.

Thực hư những ngôi nhà giá 1 USD

Năm 2008, rất nhiều ngôi nhà ở Mỹ có giá chỉ 1 USD. Một ngôi nhà diện tích 80 m2, có 2 phòng ngủ thuộc Bearing đã được đem bán với giá chỉ … 1 USD. Sở dĩ những căn nhà này có giá rẻ như cho như vậy là do khi đem ra đấu giá phải có một con số nào đó để hệ thống máy tính hiểu và vận hành được. Mặc dù giá căn nhà chỉ đáng 1 USD nhưng người mua phải thanh toán luôn tất cả các khoản nợ của chủ nhà cũ. Thông thường những căn nhà có giá 1 USD chủ nhà nợ rất nhiều, tuy nhiên khoản nợ hầu hết đều không vượt quá giá trị thực của căn nhà vì khi thế chấp, các ngân hàng chỉ cho vay một khoản giá trị nhất định của căn nhà và chủ nhà đã phải trả trước một ít. Do đó, mặc dù đem ra đấu chỉ với giá 1 USD nhưng thực chất người mua cũng phải trả một khoản tiền không nhỏ thì mới được sở hữu. Đây cũng là vấn đề người mua cần phải tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định mua những căn nhà loại này.

Ở Detroit, chỉ trong năm 2009 đã có hơn 40.000 căn nhà bị ngân hàng thu hồi và mang ra đấu giá với mức cực thấp, trung bình khoảng 7.000 USD/căn. Ngay cả những căn hộ đắt tiền ở trung tâm New York cũng được mang ra đấu giá chỉ bằng 50% so với giá cũ. Điển hình như căn nhà có 7 phòng ngủ, 5 nhà tắm tại New Jersey vài năm trước giá khoảng 565.000 USD nhưng khi bị đưa ra đấu giá, giá khởi điểm chỉ để ở mức 129.000 USD và đã được bán với giá 245.000 USD, thấp hơn 50% so với giá cũ.

Cafeland.vn - Theo Báo XD
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland