Tính đến hết ngày 22/10/2020, cả nước mới chỉ có 43/63 tỉnh, thành phố hoàn thành công tác kiểm kê đất đai và nộp kết quả, còn 20 địa phương chưa hoàn thành, báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

qua han bao cao kiem ke dat dai nhieu tinh van dam chan tai cho

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù đã quá thời gian gửi hồ sơ báo cáo kết quả kiểm kê đất đai của tỉnh, thành phố về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Chính phủ, song theo thống kê của Tổng cục Quản lý đất đai, tính đến hết ngày 22/10/2020, cả nước mới chỉ có 43/63 tỉnh, thành phố hoàn thành công tác kiểm kê đất đai và nộp kết quả.

Đáng chú ý, trong số 20 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành báo cáo, có 7/12 tỉnh thành đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường mời đến Bộ làm việc, đôn đốc hoàn thành và báo cáo kết quả chậm nhất vào 20/10, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Chưa quyết liệt, còn trông chờ kinh phí

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus sáng 23/10, ông Bùi Văn Hải, Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) cho biết kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 là nhiệm vụ quan trọng, nhằm đánh giá tình hình sử dụng đất đai của từng đơn vị hành chính các cấp địa phương để làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất trên cả nước trong 5 năm qua.

Từ đó đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp giai đoạn 2021 - 2030 và là cơ sở quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, sau nhiều văn bản đề nghị, đốc thúc các địa phương triển khai thực hiện, nhiều địa phương vẫn "dẫm chân tại chỗ," chưa hoàn thành kiểm kê đất đai và báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Theo ông Hải, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới việc các tỉnh, thành phố chậm báo cáo kết quả kiểm kê đất đai năm 2019. Thứ nhất là bởi một số tỉnh vẫn còn trông chờ vào kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ cho các địa phương khó khăn. Thứ hai là công tác chỉ đạo của lãnh đạo các địa phương "họ không quan tâm," hoặc "mức độ quan tâm vừa phải, không quyết liệt" so với những năm trước.

Ngoài ra, một số địa phương có thay đổi địa giới hành chính cấp xã, huyện theo Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính xã, huyện của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do bị ảnh hưởng của COVID-19 nên việc thực hiện kiểm kê đất đai ở các địa phương cũng bị chậm.

Vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo Chính phủ về xin lùi tiến độ kiểm kê đất đai và được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đồng ý cho phép kéo dài thời gian hoàn thành và báo cáo kết quả vào quý IV/2020.

Trên cơ sở đó, ngày 27/8/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn số 4618 gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đôn đốc thực hiện công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; khẩn trương kiểm tra, rà soát hoàn thiện sản phẩm các cấp và gửi hồ sơ báo cáo kết quả kiểm kê đất đai của tỉnh, thành phố về Bộ trước ngày 15/9/2020 để tổng hợp.

Đối với các địa phương chưa hoàn thành kiểm kê đất đai cấp xã, cấp huyện đề nghị tập trung lực lượng khẩn trương thực hiện, đôn đốc, kiểm tra giám sát đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Các địa phương chậm nhất là trước ngày 30/9/2020 phải hoàn thành và gửi hồ sơ báo cáo kết quả kiểm kê đất đai của tỉnh, thành phố về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

qua han bao cao kiem ke dat dai nhieu tinh van dam chan tai cho

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Thế nhưng, quá thời gian gia hạn (ngày 30/9/2020), nhiều địa phương vẫn không báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo kế hoạch, trong đó có cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Cần thêm sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt

Trước thực tế nêu trên, ngày 9/10 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường một lần nữa đã mời đại diện lãnh đạo các địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường 12 tỉnh, thành phố chậm tiến độ kiểm kê đất đai (Yên Bái, Điện Biên, Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Nam, Thanh Hóa, Cần Thơ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) đến trụ sở của Bộ để làm việc.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã khẳng định công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng tới hoạch định phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương cần hoàn thành và gửi báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20/10/2020.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Hải, Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai, tính đến ngày 20/10, trong số 12 tỉnh, thành phố nói trên mới chỉ có 3 tỉnh gửi kết quả về Bộ (là Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa). "Đến chiều tối 22/10, đã có thêm địa phương gửi báo cáo, song vẫn còn 7/12 tỉnh, thành phố chưa báo cáo," ông Hải nói.

Như vậy, tính đến hết ngày 22/10, cả nước mới chỉ có 43 tỉnh, thành hoàn thành và gửi báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn 20 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành. Trong đó có 7 tỉnh dù đã được mời đến Bộ làm việc vẫn chưa hoàn thành.

Theo ông Bùi Văn Hải, ngoại trừ 4 tỉnh miền Trung đang gặp khó khăn do bão lũ, các tỉnh, thành phố khác vẫn chưa thực sự quan tâm, chủ động trong việc kiểm kê, báo cáo. "Nếu các địa phương chủ động hơn trong công tác kiểm kê đất đai, tôi nghĩ, trong tuần tới số địa phương hoàn thành, gửi báo cáo sẽ tăng lên," ông Hải chia sẻ.

Dẫn ví dụ thực tế, Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai cho biết Yên Bái và Điện Biên là 2 tỉnh được đánh giá là khó khăn, chậm thực hiện nhưng đến nay đã nộp báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo các địa phương chia sẻ, ngay sau khi Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân 2 tỉnh làm việc với Bộ, lãnh đạo tỉnh đã mời các đơn vị tư vấn, Ủy ban Nhân dân cấp huyện trên địa bàn đến làm việc trực tiếp, sau đó hoàn thành kiểm kê từng huyện và hoàn thiện các hồ sơ, báo cáo kết quả về Bộ.

“Kết quả đó cho thấy việc hoàn thành công tác kiểm kê đất đai quan trọng nhất là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thì địa phương mới có thể hoàn thành đúng tiến độ,” ông Hải nhấn mạnh.

Đối với các địa phương còn chậm tiến độ tiến độ, chưa báo cáo, đại diện Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai cho biết sẽ kiến nghị Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố còn chậm tiến độ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 tới.

Hùng Võ (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.