Bãi trông giữ xe không phép "mọc" trên khu đất dự án ngang nhiên tồn tại và hoạt động rầm rộ nhiều năm nay.

Mới đây, tòa soạn nhận được phản ánh của người dân sinh sống tại phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) về việc xuất hiện nhiều bãi trông giữ xe trái phép gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Điển hình người dân phản ánh về bãi trông giữ xe trên 11.000 m2 đất dự án tại địa chỉ số 9A Trần Thánh Tông, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội biến thành bãi xe không phép “siêu khủng".

Có mặt tại địa điểm được phản ánh, chúng tôi ghi nhận một khu đất rộng hàng trăm m2 được quây tôn kín mít sử dụng làm điểm trông giữ xe và rửa xe ô tô ngày đêm. Tại mỗi khu nhà bỏ hoang được chia thành từng ô để đỗ xe ô tô. Theo quan sát công tác PCCC của bãi xe không được quan tâm, chú trọng. Vòng qua các khu để xe, không thấy bất cứ bình cứu hỏa hay vật dụng gì liên quan tới công tác PCCC.

Bãi trông giữ xe tại số 9A Trần Thánh Tông, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Được biết, giá gửi xe tùy thuộc vào việc nơi gửi xe để ở ngoài trời hay có mái che. Cụ thể, xe để ngoài trời có giá 1.600.000đ/tháng. Xe có mái che có giá 1.800.000đ/tháng. Xe để trong nhà có giá 2.000.000đ/tháng. Xe gửi thông thường trong ngày 50.000đ/lượt. Số lượng xe lưu trong bãi luôn ổn định ở mức trên dưới 200 xe ô tô. Ngoài ra tại đây cũng nhận thêm trong giữ xe máy với mức vé 5000đ/ lượt.

Với hàng trăm chiếc xe được gửi ở đây mỗi tháng sẽ đem lại lợi nhuận lớn cho chủ bãi xe, liệu cơ quan chức năng nơi đây có nắm được và sẽ quản lý ra sao?

Theo tìm hiểu khu đất dự án đô thị tại số 9A Trần Thánh Tông có tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2, rộng hơn 11.000 m2 nằm cạnh vườn hoa Yersin.

Với hàng trăm chiếc xe được gửi ở đây mỗi tháng sẽ đem lại lợi nhuận lớn cho chủ bãi xe.

Sau khi Công ty Dược phẩm Trung ương 2 di dời ra ngoại thành, UBND Hà Nội giao Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Bình An lập và triển khai dự án tổ hợp văn phòng làm việc, trung tâm thương mại. Việc này đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng dự án vào tháng 5/2013.

Tuy nhiên, công ty Bình An đã ký hợp đồng cho Công ty Tiến Bộ sử dụng có thời hạn mặt bằng khu đất từ 1/8/2013 đến 28/2/2014. Công ty Tiến Bộ lại tiếp tục ký hợp đồng với Công ty TNHH Tư vấn Bất động sản Thành Đạt để quản lý và khai thác khu đất.

Ngày 15/1/2014, sau vụ cháy bar Fuse ngày 19/11/2013 tại khu "hợp tác xã" Zone 9 Trần Thánh Tông, sát Nhà tang lễ Quốc gia khiến 6 người chết UBND TP Hà Nội đã có quyết định về việc chấm dứt hoạt động kinh doanh, dịch vụ, cải tạo nhà tại khu đất. Từ đó đến nay, địa chỉ số 9A Trần Thánh Tông chỉ còn lại toà nhà với những ô đất trống.

Thế nhưng trên thực tế, bên trong địa chỉ số 9A Trần Thánh Tông lại là một bãi xe với hàng trăm xe ô tô đang được trông giữ ngày đêm và nhiều dịch cụ chăm sóc xe đi kèm.

Trước tình trạng trên, dư luận đặt ra câu hỏi với mức lợi nhuận lớn thu lại từ việc kinh doanh trái phép trên đất dự án sẽ về tay ai? Trách nhiệm của cơ quan chức năng khi để tình trạng sai phạm diễn ra trên địa bàn ra sao? Liệu UBND phường Bạch Đằng có đang thiếu trách nhiệm trong việc quản lý địa bàn?

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đô thị, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, đặc biệt trong việc đảm bảo kỷ cương và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc trông giữ phương tiện, thu phí, giá trông giữ phương tiện giao thông phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân năm 2018, đề nghị UBND phường Bạch Đằng, chính quyền quận Hai Bà Trưng, UBND thành phố Hà Nội, sớm vào cuộc giải quyết nhanh chóng vấn đề theo đúng duy định của pháp luật, tránh gây bức xúc trong dư luận.

An Bình (GĐ&PL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.