Theo báo cáo của Ban quản lý Đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, các dự án hạ tầng giao thông trên đảo được phê duyệt với tổng chiều dài 152,1 km, nhưng mới thực hiện được khoảng 30%. Dự án giao thông quan trọng nhất trên đảo Phú Quốc là đường vòng quanh đảo và trục chính Nam - Bắc đảo mới thực hiện đạt giá trị 1.188 tỷ đồng, bằng 32,61% kế hoạch. Riêng dự án đường vòng quanh đảo với tổng chiều dài 47,5 km (khoảng 40% toàn tuyến), tổng vốn đầu tư 1.785 tỷ đồng, vẫn còn dang dở.
Tại buổi làm việc tại tỉnh Kiên Giang của Tổ công tác Nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc của Chính phủ hôm 25/10, ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Phú Quốc đang như một đại công trường với nhiều công trình hạ tầng giao thông đang thi công. Hiện Phú Quốc đã ứng vốn của năm 2013, nên tình trạng các công trình dang dở sẽ còn kéo dài, chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.
“Nhu cầu vốn cho hạ tầng của Phú Quốc đến năm 2015 hơn 8.000 tỷ đồng, nhưng chúng ta mới cân đối cho cả tỉnh Kiên Giang hơn 2.000 tỷ đồng. Như thế chẳng thấm vào đâu! Tôi đề nghị tỉnh Kiên Giang rà soát lại các công trình ở Phú Quốc và làm tờ trình gửi các bộ, ngành. Chúng tôi sẽ cân nhắc và có phương án hỗ trợ”, ông Chí đề nghị.
Theo Phó trưởng ban Quản lý Đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, ông Nguyễn Thanh Tùng, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ là một trong những trở ngại của Phú Quốc trong việc thu hút vốn đầu tư. “Nhà nước trông chờ nhà đầu tư rót vốn, tranh thủ nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư hạ tầng, trong khi nhà đầu tư chờ Nhà nước đầu tư hạ tầng thì mới rót vốn vào kinh doanh...”, ông Tùng nói và cho biết, đây cũng là lý do của tình trạng trong số 72 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, với diện tích hơn 4.000 ha, vốn đầu tư hơn 73.482 tỷ đồng, mới có 9 dự án, với tổng diện tích hơn 18 ha, vốn đầu tư 713 tỷ đồng, chính thức đi vào hoạt động.
Đi tìm cơ chế đặc thù
Trong tháng 6 vừa qua, khi làm việc tại tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tình hình cân đối vốn trái phiếu chính phủ rất khó khăn. Khả năng bố trí vốn của Chính phủ hàng năm cho tỉnh Kiên Giang về đầu tư cơ sở hạ tầng khó có thể tăng thêm. Do đó, Chính phủ yêu cầu tỉnh Kiên Giang phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ sớm đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc, nhằm thu hút đầu tư vào xây dựng hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, nhiều năm qua, một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kêu khó khăn và cần Chính phủ cho cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư phát triển, nhưng đến nay, vẫn chưa thấy những địa phương này đề xuất cơ chế cụ thể với Chính phủ.
Để tháo gỡ “nút thắt” về nguồn vốn và đầu tư phát triển Phú Quốc, Tổ công tác Nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc của Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã thống nhất đề xuất Trung ương có cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc. Theo đó, Tổ công tác sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế biển Phú Quốc để Phú Quốc được áp dụng cơ chế đặc thù. Đồng thời, đề xuất thí điểm xây dựng bộ máy nhà nước ở Phú Quốc theo mô hình chính quyền đô thị kiểu mẫu hiện đại và tách Phú Quốc thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.
Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tổ trưởng Tổ công tác Nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc của Chính phủ, việc đưa Phú Quốc phát triển theo đúng kế hoạch trong một vài năm tới là nhiệm vụ khó khăn. Từ nay đến cuối năm, Tổ công tác phải tập trung xây dựng được đề xuất về những cơ chế, chính sách đặc thù mang tính khả thi cao để Chính phủ xem xét và ban hành.
-
Phú Quốc: Không có vùng cấm trong xử lý sai phạm đất đai, xây dựng
Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, khi Phú Quốc lên thành phố sẽ thực hiện nghiêm công tác quản lý đất đai, xây dựng. Nếu có sai phạm xảy ra sẽ xử nghiêm, không có vùng cấm.