Nhiều người dân sống trong các tòa nhà chung cư đang lơ là với bà hỏa. Ảnh: Dũng Minh
Tiêu chuẩn cao
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Chen Lian Pang, Tổng giám đốc CapitaLand Việt Nam cho biết, tiêu chuẩn PCCC tại Việt Nam nghiêm hơn ở Singapore. Đơn cử, cửa thang thoát hiểm, theo tiêu chuẩn Việt Nam chỉ mở vào một chiều tại cầu thang thoát hiểm.
Cửa mở vào một chiều an toàn hơn cho cư dân khi thoát hiểm. Cư dân chỉ đẩy cửa để chạy vào, không thể chạy ngược ra. Điều này giúp cư dân trong lúc hoảng loạn không chạy ngược dòng người, không đụng nhau. Nếu cửa mở hai chiều, cư dân sẽ chạy ra chạy vào, làm buồng thoát hiểm không còn kín, áp lực thoát ra, khói lửa tràn vào.
Cửa một chiều cũng giúp áp lực luôn được duy trì trong buồng thang thoát hiểm, vì nếu mất áp lực, thang không còn giữ được chức năng bảo vệ khói lửa tràn vào nữa.
Hay cửa chống cháy, theo luật Việt Nam quy định phải chịu được lửa đến 70 phút, trong khi đó ở Singapore là 60 phút. Rồi diện tích tính toán thiết kế cho đám cháy, bể nước dự trữ cho đám cháy trong 60 phút ở Việt Nam là 240 m2, trong khi luật ở Singapore chỉ quy định là 144 m2.
Mặt khác, họng nước chữa cháy Việt Nam quy định khối lượng nước cung cấp tới 180 phút, nhưng ở Singapore chỉ là 45 phút. Khoảng cách từ cửa căn hộ chung cư cho đến cầu thang thoát hiểm theo luật Việt Nam là 25 m cho hành lang một chiều và 40 m cho hành lang hai chiều. Ở Singapore là 30m cho hành lang một chiều và 70 m cho hành lang hai chiều. Có nghĩa là ở Việt Nam, cư dân di chuyển đến thang thoát hiểm gần hơn, nhanh hơn.
Nhưng nhiều vấn đề
Thực tế hiện nay, tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhiều dự án đô thị, khu chung cư đang coi thường công tác PCCC, chỉ có các chung cư thực sự cao cấp mới được chủ đầu tư coi trọng, chấp hành nghiêm, trang bị hệ thống PCCC hiện đại.
Còn hầu hết các dự án, tòa nhà khác, tình trạng bị lỗi thiết bị PCCC thường xuyên xảy ra, dẫn đến hiện tượng báo cháy giả khiến cư dân, người sử dụng chủ quan, có những tòa nhà, khi có cháy xảy ra, thì hệ thống báo cháy lại không hoạt động, gây nguy hiểm cho cư dân, người sử dụng. Khi xảy ra cháy nổ thật sẽ gây thiệt hại nặng nề cả về tài sản và tính mạng con người và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cộng đồng, điển hình như vụ cháy ở Chung cư Carina Plaza, quận 8, TP.HCM ngày 23/3 vừa qua.
Còn tại Hà Nội, khoảng 10 giờ ngày 25/3 cũng đã xảy ra hỏa hoạn tại tầng 21 Chung cư CT5A Khu đô thị Văn Khê, Hà Đông (Hà Nội) khiến nhiều người dân phải tháo chạy. Người dân sống tại tòa nhà cho biết, hệ thống báo cháy của tòa nhà không hoạt động, tòa nhà không có thang thoát hiểm bên ngoài, nên khi xảy ra cháy, cư dân phải thoát ra ngoài bằng thang bộ.
Sau khi sự việc xảy ra, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã chuyển toàn bộ hồ sơ những vi phạm về PCCC trong đầu tư xây dựng tại chung cư cao tầng CT5 A, B Khu đô thị Văn Khê cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội làm rõ.
Điều đáng nói, Chung cư CT5A, B Khu đô thị Văn Khê do Công ty cổ phần Hà Châu OSC đầu tư đã đi vào sử dụng từ năm 2012 và hiện có khoảng 1.000 người dân đang sinh sống tại đây, nhưng vẫn chưa được nghiệm thu về hệ thống PCCC.
Công trình có nhiều vi phạm về PCCC như tại tầng 1, 2, 3, chủ đầu tư cho một số đơn vị thuê, cải tạo mặt bằng dẫn đến lối thoát nạn và hệ thống PCCC của khu vực cải tạo không đảm bảo theo quy định. Một số cửa buồng thang bộ, cửa tại lối ra thoát nạn mở ngược chiều thoát nạn, một số cửa buồng thang không đảm bảo là cửa ngăn cháy, có cơ cấu tự động đóng.
Cửa các phòng kỹ thuật điện, nước tại các tầng, cửa các gian phòng tại tầng hầm, cửa phòng bơm chữa cháy chưa đảm bảo là cửa ngăn cháy. Hệ thống báo cháy của tòa nhà không hoạt động, chưa được kết nối liên thông với thang máy, hệ thống gió, hút khói.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Bích Trang, Giám đốc CBRE - Chi nhánh Hà Nội cho biết, nếu hệ thống PCCC lắp lên mà không kiểm tra, thì khả năng hoạt động tốt chỉ khoảng 20%. Việc có vận hành được hay không, từ báo cháy, báo khói…, là vấ đề của cả một hệ thống.
Có khi chỗ này hoạt động, chỗ kia không hoạt động, không phải tòa nhà nào cũng có hệ thống PCCC làm việc tốt. Do đó, cần đòi hỏi kỹ thuật thiết bị PCCC phải cao và trình độ của kỹ sư lắp đặt hệ thống PCCC cũng phải tốt.
Vụ cháy xảy ra tại Chung cư Carina để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Ảnh: Lê Toàn
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại hóa chất Việt Đức, một đơn vị chuyên phân phối thiết bị thông minh tòa nhà, cho biết, hầu hết các sản phẩm trang thiết bị PCCC ở Việt Nam hiện nay chưa đảm bảo chất lượng khi sự cố xảy ra. Rất nhiều mặt hàng, chủng loại có xuất xứ, giá cả, chất lượng khác nhau và khó kiểm soát.
Ở đây, có nhiều vấn đề, từ công tác quản lý các sản phẩm phục vụ PCCC và cả khâu kết nối hệ thống. Tuy nhiên, người tiêu dùng trước hết cũng cần có ý thức cao về việc này. Không chỉ tiếc chút tiền, ham của rẻ để rồi gặp sự cố đáng tiếc như một số chung cư thời gian qua.
Chế tài chưa đủ mạnh
Trong những năm qua, vấn đề PCCC tại các chung cư cao tầng luôn được lãnh đạo TP. Hà Nội quan tâm và trở thành chủ đề “nóng” tại nhiều kỳ họp HĐND Thành phố. Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tổ chức tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung còn tồn tại của các công trình vi phạm về PCCC. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn cố tình chây ỳ không thực hiện những cam kết, đảm bảo yêu cầu PCCC.
Theo thống kê của Cảnh sát PCCC Hà Nội, tính đến ngày 10/1/2018, trên địa bàn Thành phố còn 42/79 công trình chung cư cao tầng chưa thực hiện xong PCCC. Ngoài ra, qua công tác điều tra cơ bản, Cảnh sát PCCC Thành phố đã phát hiện 4 công trình chung cư cao tầng vi phạm các quy định về PCCC phát sinh mới, chưa được cấp văn bản xác nhận nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Tình trạng nhiều chung cư dù chưa được nghiệm thu PCCC nhưng chủ đầu tư đã cho dân về ở vẫn đang diễn ra ở Hà Nội.
Theo quy định, khi công trình xây dựng nói chung và chung cư nói riêng chưa được nghiệm thu PCCC thì chưa được cho hoạt động kể cả kinh doanh hay cho dân vào ở. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vì lợi ích trước mắt vẫn cố tình cho dân vào ở.
“Với những dự án như vậy rất khó xử lý bởi không thể cắt điện, cắt nước, cưỡng chế ép người dân ra được. Còn với công trình mới vi phạm, đơn vị ban hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động; gửi thông báo đề nghị Tổng công ty Điện lực, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội không cấp điện, nước tránh tình trạng người dân vào ở”, một lãnh đạo Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết.
Cũng theo vị này, với các hộ kinh doanh ở tầng dưới, có thể áp dụng các biện pháp rút giấy phép, với những hộ khác rất khó vận động người dân ra, còn cưỡng chế mạnh hơn thì lại không thuộc thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát PCCC.
Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác là các chế tài xử phạt đối với công trình chưa nghiệm thu PCCC nhưng đã hoạt động vẫn ở mức quá nhẹ. Cụ thể, mức phạt cao nhất cho hành vi này vẫn là 100 triệu đồng.
Theo nhận định của giới chuyên gia, chưa dừng lại ở các chung cư, Hà Nội đang còn tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ cháy cao ở các cửa hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tạp hóa… Hơn lúc nào hết, cần phải tăng cường công tác PCCC tại Hà Nội, từ khâu kiểm định, cấp giấy phép đến các biện pháp chế tài đủ mạnh đối với cả chủ đầu tư, cấp quản lý và cả người dân.