Cụ thể, văn bản của văn phòng Chính phủ nêu rõ, về đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, ý kiến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng về việc giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có ý kiến như sau: Bộ Giao thông vận tải căn cứ Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội và ý kiến của các bộ nêu trên; chủ trì, phối hợp với các địa phương có liên quan, nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư phù hợp, bảo đảm khả thi, đúng quy định của pháp luật.
Mới đây, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đường Vành đai 4, Bộ GTVT cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ động, khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan để sớm triển khai nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần của đường vành đai 4 TP.HCM đảm bảo khi sắp xếp được nguồn vốn thì tiến hành thủ tục triển khai ngay.
Được biết, theo quy hoạch chi tiết đã phê duyệt, đường vành đai 4 TP.HCM đi qua địa giới hành chính của 12 huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố: Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (huyện Tân Thành); tỉnh Đồng Nai (3 huyện: Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu); tỉnh Bình Dương (2 huyện: Tân Uyên, Bến Cát); TPHCM (huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè); tỉnh Long An (4 huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc).
Tổng chiều dài tuyến đường vành đai 4 khoảng 197,6 km, có quy mô là đường cao tốc với mặt cắt ngang 6-8 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng. Tổng chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất khoảng 121,5m. Đường song hành quy mô có ít nhất 2 làn xe, được đầu tư phân kỳ tùy theo nhu cầu vận tải và sự phát triển các đô thị hai bên.
-
Triển khai dự án đường Vành đai 4 trong năm 2022
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu chính quyền 5 địa phương có đường Vành đai 4 TP.HCM đi qua khẩn trương chuẩn bị đầu tư để có thể triển khai thi công dự án vào năm 2022.