21/06/2013 9:14 PM
Từ rất lâu, câu chuyện nhại cổ trong kiến trúc trở thành một vấn đề nhức nhối, tác động đến diện mạo của nhiều đô thị Việt Nam. Vậy nhưng, dường như "bàn tay" của nhà quản lý còn chưa với đến. Để làm rõ hơn câu chuyện xu hướng nhại cổ trong kiến trúc, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với KTS Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Công trình kiến trúc nhại cổ là vấn đề đã được Hội Kiến trúc sư Việt Nam lên tiếng "cảnh tỉnh" từ nhiều năm nay. Đứng về góc độ chuyên môn, ông đánh giá thế nào về xu hướng này?

- Trong giai đoạn Pháp thuộc, kiến trúc châu Âu đã vào Việt Nam. Nhưng thực chất đó không phải là kiến trúc Pháp thuần túy. Sau này, mọi người đều quen gọi những kiến trúc còn lại từ thời Pháp thuộc là kiến trúc Pháp cổ.

Đã từ lâu, vấn đề công trình nhại cổ, Hội Kiến trúc sư Việt Nam luôn khuyến cáo không khuyến khích dòng kiến trúc lặp lại, bắt chước, mang nặng tính hình thức. Trên thực tế, việc nhại cổ lại chỉ ở mức độ "nhại, nhái", sống sượng, không theo quy luật, nguyên tắc. Kiến trúc cổ điển châu Âu người ta làm rất kỹ. Giới trong nghề vẫn hay gọi đây là kiến trúc gờ chỉ, tường rất dày nên mát nhưng thô nặng, người ta phải làm cho nhẹ đi bằng việc trang trí hay các giải pháp kiến trúc như giật, cắt khúc... Kiến trúc cổ điển châu Âu đã đạt đến trình độ cao nên tạo ra được các công trình đẹp, bắt mắt, "êm" về tỷ lệ và trở thành các bài học kinh điển của ngành kiến trúc. Các đường nét trang trí được kết hợp với điêu khắc. Các vòm cuốn trong công trình có tỷ lệ đẹp, mực thước, thậm chí có thể nói là uyên bác.

Các công trình xây dựng từ thời Pháp thuộc đã tạo nên quỹ di sản cho Hà Nội. Sự khẳng định của công trình cổ điển đã được công nhận đến mức nghĩ đến biệt thự cũng phải là biệt thự thời Pháp, công sở cũng nghĩ đến kiến trúc cổ điển Pháp. Suốt một thời gian rất dài, các công trình mang phong cách cổ điển đã trở thành "thói quen", ăn vào tiềm thức của người dân. Trong khi đó, các công trình được xây dựng sau này chưa có được sự khẳng định về kiến trúc, chưa thuyết phục như Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Như vậy, kiến trúc cổ điển châu Âu đã chi phối rất lớn đến thị trường xây dựng, đến thiết kế kiến trúc trong thời gian qua. Các nhà quản lý, những người có quyền quyết định cũng rất thích loại hình kiến trúc này. Hội đã lên tiếng phê phán vấn đề này bởi cứ bắt chước mãi thì bao giờ mới khác được.

Ngày 23/5/2013 Bộ Xây dựng có Công văn số 942/BXD-KTQH về việc thực hiện công tác quản lý chất lượng kiến trúc công trình trên địa bàn tỉnh, TP. Tuy nhiên, tại Văn bản số 185/BXD-VP ngày 13/6/2013, Bộ Xây dựng đã đính chính, bỏ phần nội dung "Lưu ý: Không xây dựng các công trình theo hướng nhại cổ kiểu kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu". Không đề cập đến khía cạnh chất lượng văn bản, việc đính chính này đã "gợi" đến một vấn đề không nhỏ với kiến trúc đô thị.

Để gỡ vấn đề này không thể vội vàng mà cần có thời gian. Nhưng cần khẳng định, đã đến lúc kiến trúc cổ điển cần... đứng sang một bên. Các đô thị có quỹ kiến trúc này nên được lưu giữ như dấu ấn của một thời.

Công trình trụ sở Bộ Tài chính đã từng bị đưa vào "trang đen" của tạp chí Kiến trúc. Nhưng nhiều người, trong đó có các kiến trúc sư, cho rằng công trình này "ổn". Vậy khi xây dựng công trình, Hội đã có ý kiến thế nào?

- Hội không khuyến khích kiến trúc nhại cổ như công trình trụ sở Bộ Tài chính. Thực ra khi công trình được xây dựng thì thiết kế đã được chỉnh sửa, đỡ đi nhiều. Khi còn là bản vẽ và chưa tiếp thu ý kiến của Hội thì kiến trúc của tòa nhà tệ hơn, nhằng nhịt, thậm chí còn... cổ hơn cả cổ. Công trình đó không "hay" ở chỗ, vị trí tại khu phố đó không đến mức buộc phải xây theo kiến trúc cổ điển. Thứ nữa, xây dựng như thế sẽ tốn nhiều kinh phí, có những chỗ chỉ để ngắm, mang tính chất trang trí, nặng nề, không có chức năng sử dụng. Kiến trúc của công trình theo đuổi hình thức, chứng tỏ sự bề thế, uy quyền, chứ không theo đuổi công năng. Thêm nữa, đây còn là lối kiến trúc thiếu sự gần gũi.

Trở lại với việc đính chính văn bản của Bộ Xây dựng, như đã phân tích ở trên, nếu cấm xây công trình theo kiểu cổ thì không nên nhưng nếu bỏ hẳn quy định cũng khiến nhiều người băn khoăn. Ý kiến của ông thế nào?

- Văn bản nếu nói là "không được" thì cứng quá, mang tính áp đặt. Nên nói là "không khuyến khích" sẽ hợp lý hơn, nhất là đối với công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Tôi nghĩ đây chỉ là cách nói, có điều cách thể hiện khiến người ta khó tiếp thu. Thực ra, việc không khuyến khích công trình nhại cổ là điều mà cơ quan quản lý muốn. Nhưng, việc không khuyến khích cần thể hiện bằng một thái độ phù hợp, không phải là sự bực dọc. Việc bỏ quy định này cũng có phần "dở" bởi như vậy không cấm nữa thì người ta cứ làm. Cơ quan quản lý cần lái dòng chứ không nên chặn đứng.

Không khuyến khích công trình nhại cổ là đúng nhưng thực tế không thể phủ nhận là kiến trúc mới, công trình mới chưa mang đến một sự thuyết phục?

- Kiến trúc mới đúng là chưa rõ nét bởi còn đang ở chặng đường đi ban đầu. Chúng ta có 100 năm kiến trúc châu Âu, còn kiến trúc của thời kỳ đổi mới chỉ được mấy chục năm. Không nên sốt ruột. Quan trọng là ý thức, tư tưởng, hãy gác lại quá khứ, gác lại ý thích về kiểu kiến trúc mang phong cách cổ điển. Không cấm nhưng nếu không có sự định hướng, thử tưởng tượng xem Hà Nội toàn công trình kiến trúc cổ điển châu Âu sẽ ra sao, bức tranh kiến trúc nước nhà sẽ như thế nào?. Như trụ sở Bộ Tài chính, chục năm nữa khi công trình bị phủ rêu phong, chỉ nhìn qua người ta lại tưởng đây là công trình của những năm đầu thế kỷ XX, chứ không ai nghĩ đây là công trình xây dựng ở thời kỳ xã hội chủ nghĩa. Mà ngay cả người Pháp bây giờ cũng không còn làm những công trình kiến trúc kiểu cổ điển, nhái cổ điển.

Những căn biệt thự được xây dựng từ thời Pháp thuộc trên đường Lê Hồng Phong, Hà Nội

Hơn nữa, bây giờ chúng ta có rất nhiều loại vật liệu mới, công nghệ mới, để xây dựng nên những công trình hiện đại, những công trình làm cho đô thị của chúng ta có bộ mặt hiện đại, thể hiện được lớp lang của quá trình phát triển. Mặt khác, nếu cứ nhại cổ sẽ nguy hiểm vì đóng cửa sự sáng tạo của giới nghề. Nghệ thuật luôn có sự kế thừa nhưng cũng luôn tìm kiếm tính sáng tạo và phát triển. Quan trọng là chúng ta đang sống ở thời đại này thì cần có sự phản ánh chính mình thông qua nhiều hoạt động, trong đó có kiến trúc. Chủ nhân của các ngôi nhà, chủ đầu tư các công trình cần có ý thức về việc thể hiện cá tính của mình, thể hiện thời đại cũng như sự tự hào dân tộc qua các công trình kiến trúc.

Không chỉ công trình của người dân, nhiều công trình sử dụng ngân sách Nhà nước được xây dựng theo hướng nhại cổ. Nhiều ý kiến cho rằng, chính các cơ quan Nhà nước cần phải đi tiên phong, phải làm gương trong việc tạo dựng bộ mặt kiến trúc cho các địa phương. Làm thế nào để có sự thay đổi, thưa ông?

- Chủ nghĩa hình thức trong kiến trúc công sở thực sự là vấn đề. Hội đã đi khảo sát một số địa phương như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên... hầu hết các công trình trụ sở đều đi theo hướng nhại cổ. Việc kiến trúc cổ điển châu Âu có nguy cơ nhân rộng từ nhà ở đến trụ sở công quyền. Nguy cơ này cần được nhìn nhận một cách bình tĩnh, đi đến điều chỉnh. Cơ quan quản lý cần tỏ rõ thái độ không khuyến khích. Hãy bắt đầu bằng chính những công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Quan trọng là cần nhanh chóng có Luật Kiến trúc vì đô thị cần được điều tiết bằng luật. Luật Kiến trúc sẽ cùng với Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị tạo nên một bộ "complet". Công trình kiến trúc bị chi phối bởi ba cực: Chủ đầu tư - nhà quản lý - kiến trúc sư. Để chủ đầu tư không tùy tiện quyết định theo ý thích; cơ quan quản lý làm đúng vai trò, quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn mà không lấn sân, không áp đặt đối với công việc sáng tác; kiến trúc sư phải có năng lực... Do đó, cần có luật đề cập đến cả ba đối tượng một cách đủ đầy.

Xin cảm ơn ông!

Minh Thu (Kinh tế & Đô thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.