Cụ thể, sản phẩm xi măng bị điều tra có mã HS: 2523.2990 và 2523.9000. Thời kỳ điều tra để xem xét lượng tăng nhập khẩu, thiệt hại từ năm 2013 – 2017.
Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, trong giai đoạn từ 2013 – 2017, lượng xi măng nhập khẩu vào Philippines đã gia tăng đáng kể. Tổng lượng xi măng nhập khẩu đã tăng 70% trong năm 2014; 4,391% năm 2015; 549% năm 2016, 72% năm 2017.
Theo DTI, Việt Nam là nước có lượng xuất khẩu và thị phần xuất khẩu lớn nhất vào Philippines trong giai đoạn 2014 - 2017. Hơn nữa, DTI cho rằng sự gia tăng nhập khẩu như vậy là nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của nước này thể hiện ở sự sụt giảm thị phần, doanh thu, lợi nhuận cũng như giá bán của ngành sản xuất nội địa.
Các bên liên quan là các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, tổ chức trong và ngoài Philippines có quyền bày tỏ quan điểm, bình luận về vụ việc (bao gồm quan điểm bình luận về tác động của việc áp dụng biện pháp đối với lợi ích công chúng). DTI thông báo sẽ yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam (đã được cơ quan điều tra xác định) trả lời bản câu hỏi điều tra trong vụ việc.
Được biết, Philippines là một trong những thị trường xuất khẩu xi măng lớn của Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4,1 triệu tấn trị giá hơn 190 triệu USD sang thị trường này.