Số lượng cuộc gọi mơi chào mua bất động sản tăng khiến khách hàng khó chịu (hình minh họa)
Đau đầu vì những cuộc gọi lạ
Anh Vương thể hiện thái độ bức xúc vì những cuộc gọi của môi giới bất động sản, cho rằng đó không chỉ gây phiền hà mà còn ảnh hưởng đến công việc của anh. Một tuần trở lại đây, anh nhận được nhiều cuộc gọi của môi giới mời chào mua sản phẩm sau khi lỡ tay ấn vào một quảng cáo trên mạng xã hội.
“Tôi lướt mạng thấy hình nhà chung cư đẹp nên vào xem, lúc biết quảng cáo thì thoát ra. Sáng hôm sau lập tức có người xưng là môi giới dự án xin kết bạn để giới thiệu về sản phẩm. Tôi từ chối nhẹ nhàng, tưởng sẽ được yên thân, ai ngờ vẫn liên tục nhận được cuộc gọi mời chào. Thậm chí có những người từ Bình Dương, Đồng Nai mời đi xem dự án, vô cùng phiền phức”, anh Vương cho biết.
Dù rất bực mình với tình trạng này, nhưng do yêu cầu công việc kinh doanh phải đăng số điện thoại cá nhân lên mạng nên anh không có cách nào khác, vẫn phải tiếp những cuộc gọi từ số lạ.
Hình minh họa
“Ngày nào cũng 5-6 cuộc gọi mời, rất mất thời gian của tôi. Vì việc kinh doanh phải giữ hình ảnh, sợ bị phản ánh tiêu cực nên lúc nào tôi cũng phải nói chuyện nhẹ nhàng mặc dù bản thân rất khó giữ bình tĩnh”, anh Vương chia sẻ.
Tình trạng này chỉ chấm dứt khi anh Vương đăng tải bài viết lên trang cá nhân, nói rõ rằng bản thân không có nhu cầu đầu tư bất động sản ở thời điểm hiện tại, yêu cầu các tư vấn không liên lạc mời chào, ảnh hưởng đến công việc.
Tương tự, chị Hồng Nhung (TP.HCM) cũng có những trải nghiệm không mấy vui vẻ với môi giới bất động sản thời gian vừa qua. Khoảng đầu năm nay, chị và chồng có nhu cầu tìm hiểu về nhà đất nên đã liên hệ một vài môi giới, đi xem đất ở một vài nơi nhưng vì chưa ưng ý nên không chốt giao dịch. Sau này, tình hình tài chính gia đình không ổn định nên vợ chồng chị đã hoãn kế hoạch đầu tư.
Thời gian gần đây chị nhận được tin nhắn của những môi giới cũ giới thiệu về các sản phẩm “tốt, giá rẻ”, thậm chí chào mời “bắt đáy”. Ban đầu chị ngó lơ, không xem, sau này khi thấy lượng tin nhắn nhiều, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống nên chị đã nhắn tin từ chối. Thậm chí chị cố gắng chặn tin nhắn các tài khoản này nhưng các môi giới không bỏ cuộc mà gọi điện trực tiếp để giới thiệu sản phẩm.
Người trong cuộc trần tình
Chị Mai, một môi giới phân khúc đất nền dự án, cho biết thời gian này phải chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng do lượng người quan tâm rất ít. Chị được công ty cung cấp cho danh sách số điện thoại khách hàng, ra chỉ tiêu phải liên lạc cho 30-50 người/ngày. Nếu không đạt chỉ tiêu sẽ bị trừ vào khoản lương cứng.
“Thời điểm còn bán được hàng thì một ngày chỉ phải gọi 5-7 cuộc, dẫu có bị từ chối vẫn vui vẻ chấp nhận. Nay ngày gọi cả chục cuộc mà không có kết quả thì nản lắm chứ. Chưa kể không phải ai cũng tử tế lịch sự, có người chưa kịp nói xong đã cắt ngang, cúp máy. Thậm chí có những người còn to tiếng mắng mỏ tôi. Uất ức nhưng vẫn phải nuốt vào trong”, chị Mai chia sẻ.
Chưa kể việc gọi liên tục như vậy nên rất dễ xảy ra tình trạng gọi trùng với khách với nhân viên khác hay thậm chí khách mình đã liên lạc. Những lúc như thế này chị Mai phải hứng chịu những cơn thịnh nộ của khách, có lúc kéo dài đến 5 phút.
Môi giới hứng chịu cơn thịnh nộ của khách vì gọi quá nhiều (hình minh họa)
Anh Tài (Cần Thơ) đã chuyển sang làm tài xế công nghệ kiếm tiền trang trải cuộc sống 3 tháng nay nhưng những áp lực về nghề địa ốc vẫn đeo bám anh.
“Tôi làm tự do, không theo sàn nên không có lương cứng, không có giao dịch thì cũng không có đồng nào. Thời điểm thị trường bắt đầu khó tôi phải đầu tư nhiều hơn vào các cuộc hẹn hò để mong tìm được khách. Đến lúc tiền tiết kiệm cạn dần thì phải tìm kế khác để sinh nhai” môi giới chia sẻ.
Bản thân anh tính chỉ làm tài xế một thời gian, chờ thị trường khả quan hơn rồi quay lại với nghề môi giới nên vẫn duy trì liên lạc với khách hàng cũ. Tuy nhiên, nhiều khách hàng gửi hàng nhờ anh đăng bán sau thời gian dài dần trở nên mất kiên nhẫn.
“Một số khách hàng của tôi là dân “chợ búa”, lúc bán được hàng thì họ hoan hỉ, giờ kẹt hàng họ nặng lời trách móc, nói tôi lừa đảo, thậm chí đe dọa tôi”, anh Tài cho biết.
Trước áp lực từ phía chủ đất, anh Tài buộc phải quay lại với nghề, tận dụng thời gian buổi tối không chạy xe để liên lạc tìm khách mua đất. Kết quả là anh lại càng áp lực vì tìm khách đã khó còn bị nhiếc mắng vì liên hệ vào giờ nghỉ ngơi gây phiền hà cho khách.
Khó chung của thị trường
Bối cảnh ảm đạm là bức tranh chung của thị trường bất động sản những tháng vừa qua. Thị trường liên tiếp đón nhận những thông tin tiêu cực với ảnh hưởng nặng nề nhất là các chính sách kiểm soát tín dụng – lãi suất từ phía ngân hàng.
Khách hàng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng nên khó có thể tham gia thị trường. Thanh khoản giảm trên mọi phân khúc thay đổi tâm lý cả nhà đầu tư lẫn khách hàng. Trong khi người sở hữu bất động muốn nhanh chóng thoát hàng thì người mua lại ngần ngại rót vốn vào thị trường giữa lúc biến động, khó lường.
Thị trường bất động sản trầm lắng những tháng vừa qua (hình minh họa)
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây Dựng, tổng lượng giao dịch bất động sản trong quý 3/2022 chỉ bằng 54% so với quý 2/2022. Giao dịch giảm mạnh tại các khu vực: quận 12, huyện Củ Chi (TP.HCM); huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu); TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Đây từng là những nơi xảy ra “sốt đất”, thu hút hàng trăm người đến với nghề môi giới bất động sản. Giờ cơn sốt đi qua, không chỉ nhà đầu tư mà không ít môi giới cũng rơi vào cảnh “mắc cạn”.
-
Đất nền ở TP.HCM tăng mức quan tâm, vì sao môi giới vẫn than thở?
Mức độ quan tâm của nhà đầu tư với sản phẩm đất nền tại các quận huyện vùng ven TP.HCM như Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức, Nhà Bè,…vẫn tiếp tục tăng nhưng lượng giao dịch lại không đáng kể. Điều này gây ảnh hưởng đến tâm lý nuôi nghề của môi giới bất động sản.
-
Cư dân dự án Citiesto phấn khởi nhận bàn giao sổ hồng
Hơn 100 sổ hồng đã được bàn giao thêm cho cư dân dự án Citiesto (Khu đô thị Cát Lái, TP. Thủ Đức, TP.HCM) trong tuần qua, nâng tổng số sổ hồng được bàn giao lên hơn 85%. Điều này càng thêm khẳng định uy tín của Kiến Á, một nhà phát triển luôn coi trọ...
-
Chủ tịch UBND TPHCM: Thị trường bất động sẽ tích cực hơn vào năm 2025
Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá năm 2025 thị trường bất động sẽ ấm hơn và tích cực hơn vào năm 2025.
-
TP.HCM dự chi 40 tỷ USD xây dựng 355km metro trong 10 năm tới
Ngoài tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sắp vận hành, tuyến số 2 đang triển khai, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành 355km metro. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố cần số vốn đầu tư lên đến 40 tỷ USD....