Đến nay đã hơn một tháng kể từ khi khung giá trần phí dịch vụ được thành phố Hà Nội phê duyệt và có hiệu lực, nhưng hầu hết các chung cư từ bình dân đến cao cấp phí dịch vụ vẫn cao "ngất ngưởng", thậm chí có một số chung cư còn tăng cao hơn trước…

Mức phí vẫn cao "ngất ngưởng"


Ngày 29.9, UBND TP Hà Nội đã chính thức phê duyệt đề án giá dịch vụ chung cư và ban hành giá trần dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn. Theo đó, mức giá trần sẽ có 3 loại: thấp nhất là 2.400 đồng/m2/tháng, cao nhất là 4.000 đồng/m2/tháng và 3.100 đồng/m2/tháng.


Tuy nhiên, từ ngày quyết định đó được ban hành và có hiệu lực đến nay theo khảo sát của PV thì từ chung cư bình dân đến chung cư cao cấp trên địa bàn, phí dịch vụ chung cư chưa có động thái giảm, thậm chí một số chung cư còn tăng giá cao hơn trước.


Tại các chung cư cao cấp, đơn cử như tòa nhà Keangnam, sau nhiều lần người dân đấu tranh nhưng chủ đầu tư cũng chỉ hạ từ mức phí quản lý cao ngất ngưởng là 0,99USD/m2/tháng, tương đương 21.000đồng/m2/tháng xuống còn 18.600 đồng/m2. Bà Trịnh Thúy Mai, đại diện lâm thời cư dân cho biết, họ đã đóng phí đến hết tháng 10 và tháng 11 này ban đại diện sẽ họp lại với đơn vị quản lý để thống nhất lại mức giá sau khi TP ban hành khung giá trần.


Phí dịch vụ ở chung cư Hà Nội vẫn chưa
Cư dân tòa nhà Keangnam vẫn phải đóng phí dịch vụ 0,88 USD/m2/tháng dù đã đấu tranh nhiều lần. Ảnh: Lê Thảo

Tương tự, tại tòa nhà The Manor, đại diện cư dân bà Nguyễn Nhung Hạnh cho hay: năm 2007, chủ đầu tư đưa ra giá dịch vụ chung cư cao ngất như để nắn gân người dân. Năm 2008, cư dân The Manor thành lập ban đại diện lâm thời và đã tự tính giá dịch vụ chỉ là 4.500 đồng/m2 trong khi chủ đầu tư đưa ra giá 6.600 đồng/m2. Tiếp đến năm 2009-2010, chủ đầu tư lại đưa ra giá 7.500 đồng/m2 nhưng người dân tự tính giá chỉ có 6.500 đồng/m2. Năm 2011, bà Hạnh đã họp tổ dân phố và đề nghị tạm thu giá dịch vụ 8.000 đồng/m2.


Ngoài ra, các chung cư cao cấp khác mức phí "khủng" vẫn được giữ nguyên như: Ciputra: 6.300 đồng/m2/tháng, Sky City 8.000 đồng/m2, Golden West Lake: 0,88 USD/m2/tháng, tương đương 18.600 đồng/m2/tháng…


Trong khi đó, một số chung cư bình dân khác bỗng dưng lại bị tăng giá thêm sau khi có mức giá trần, ví như: Chung cư Pháp Vân - Tứ Hiệp, từ tháng 10 các hộ dân đều phải thu tăng từ 20.000 đến 30.000/căn hộ/tháng tùy theo độ cao từng tòa nhà, chung cư ở Đại Kim cũng bị tăng thêm 20.000 đồng/căn hộ/tháng…


Khung giá trần chỉ áp dụng khi không thỏa thuận

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nguyên nhân của việc phí chung cư mỗi nơi một giá gây xung đột giữa các bên là do bản thân chủ đầu tư chưa công khai minh bạch mức phí và họ cũng không giải thích rõ cho người dân hiểu. Đồng thời, cũng do người dân chưa quan tâm tới quyền lợi và trách nhiệm của mình, khi mua bán nhà, họ không đọc kỹ hợp đồng.


"Hợp đồng đã ghi rõ là 1 triệu một tháng và nếu người mua đồng ký thì phải tuân thủ. Người mua không thể nói bể bơi tôi không sử dụng, hoa tôi không cần thì tôi không nộp. Rõ ràng khu đô thị có bể bơi, sân tập, vườn hoa cắt tỉa, phục vụ tận nơi thì phí phải khác", ông Hà phân tích.


Mặt khác, ông Hà nhấn mạnh, giá trần dịch vụ sẽ không áp dụng cho tất cả các trường hợp chung cư trên toàn địa bàn. Khung giá chỉ áp với những trường hợp không thỏa thuận về phí dịch vụ trong hợp đồng mà thôi.


Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho hay, khung giá trần được đưa ra không áp dụng cho tất cả các chung cư. Theo đó, các chung cư có thể thu phí dịch vụ theo thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu người dân và đơn vị quản lý không có thỏa thuận hoặc mức thu không phù hợp với chất lượng dịch vụ hoặc khi có bất đồng thì thành phố sẽ áp dụng quy định giá trần kèm theo các tiện ích quy định để xử lý.

Theo Lê Thảo (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.