Quảng Nam đang xúc tiến các hồ sơ, thủ tục để sớm triển khai đầu tư, khai thác cảng hàng không Chu Lai bằng hình thức xã hội hóa. Đây được xem là một động lực quan trọng cho sự phát triển của Quảng Nam trong thời gian tới.

Sân bay Chu Lai tại Quảng Nam Ảnh: Lê Phước Bình

11.000 tỉ đồng cho dự án đầu tư sân bay Chu Lai?

UBND tỉnh Quảng Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải về đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.

Phạm vi nghiên cứu của đề án là hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh việc đầu tư, khai thác và quản lý kết cấu hạ tầng Cảng hàng không (CHK) Chu Lai theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo quy hoạch CHK Chu Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng giải pháp và lộ trình huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CHK Chu Lai theo phương thức PPP. Đề xuất định hướng hoàn thiện quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, làm cơ sở triển khai thực hiện.

Quy mô đầu tư theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch hệ thống cảng hàng không) đã được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, quy hoạch CHK Chu Lai giai đoạn đến năm 2030 với công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm; đến năm 2050 khoảng 30 triệu hành khách/năm.

Về nhu cầu vốn đầu tư, đề án chọn phương án 1 (theo định hướng quy hoạch cảng hàng không sân bay Chu Lai giai đoạn 2021 - 2030) có tính khả thi cao, có thể sẽ hấp dẫn nhà đầu tư tham gia.

Theo đó, nhu cầu huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng CHK Chu Lai khoảng 11.000 tỉ đồng. Trong đó, đầu tư khu bay khoảng 3.500 tỉ đồng, sân đỗ khoảng 1.000 tỉ đồng, khu hàng không dân dụng (HKDD) khoảng 6.500 tỉ đồng (chưa bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng theo quy định). Công suất quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 khoảng 10 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Nội dung đầu tư chủ yếu tập trung các công trình HKDD khu vực phía đông của Cảng hàng không Chu Lai bao gồm các công trình khu bay và các công trình khu HKDD.

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Nam, tổng diện tích đất Cảng hàng không Chu Lai khoảng 2.148,6 ha và diện tích này hiện nay do Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng.

Để sớm đầu tư đưa vào hoạt động Cảng hàng không Chu Lai, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị giai đoạn 1 tập trung thu hút xã hội hóa đầu tư khu vực phía đông. Khu vực này hiện nay là đất trống.

Sau khi các cơ chế liên quan về giải quyết đất quốc phòng, định giá tài sản trên đất đối với khu vực phía tây (hiện đang khai thác) được giải quyết cụ thể thì sẽ thực hiện các thủ tục liên quan để thu hút đầu tư vào khu vực này.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị thống nhất chủ trương, giao tỉnh tiếp nhận tài sản, kêu gọi đầu tư, khai thác toàn bộ kết cấu hạ tầng Cảng hàng không sân bay Chu Lai theo phương thức đối tác công tư (PPP); trừ các công trình bảo đảm hoạt động bay.

Quảng Nam đề nghị giai đoạn 1 tập trung thu hút xã hội hóa đầu tư khu vực phía đông. Ảnh: Lê Phước Bình

Giới chuyên gia nói gì?

Mới đây, trong một hội thảo về quy hoạch đô thị ven sông, ven biển tỉnh Quảng Nam, nhiều chuyên gia đánh giá cao về tầm quan trọng của sân bay Chu Lai đối với sự phát triển của Quảng Nam nói chung và khu vực phía đông nam của tỉnh nói riêng.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho biết Quảng Nam hiện còn rất nhiều tài nguyên chưa được khai thác một cách hiệu quả cho sự phát triển.

“Tôi chưa thấy huyện nào hay như huyện Núi Thành, vừa có sân bay Chu Lai lại vừa có cảng biển Kỳ Hà, hệ thống đường bộ, đường sắt, đường cao tốc đi qua”, ông Chính nói.

Ông Chính cho biết các chuyên gia người Mỹ đánh giá sân bay Chu Lai là một trong những sân bay ở Đông Nam Á có thể xây dựng được trung tâm về hành khách và hàng hóa quốc tế.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng đô thị Núi Thành là đô thị ven biển, ven vịnh có những điều kiện cơ sở hạ tầng rất đặc biệt. Đó là các hạ tầng giao thông đầu mối, sân bay, cảng biển, quốc lộ đường sắt.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng muốn phát triển đột phá cái gì thì trước hết phải có đột phá về tầm nhìn, đột phá về tầm quy hoạch.

Theo ông Thiên, trong quy hoạch Quảng Nam thời gian tới phải đặt việc phát triển đô thị trong sự cạnh tranh toàn cầu.

“Nếu Quảng Nam có sân bay Chu Lai hiện đại như vậy, thì đó là một siêu đô thị chứ không phải là một đô thị bình thường”, ông Thiên phát biểu.

Tham luận tại hội thảo nêu trên, ông Nguyễn Phú – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho biết ngành xây dựng Quảng Nam xác định việc tổ chức quy hoạch không gian cho các ngành kinh tế biển là chìa khóa để thực hiện thành công phát triển kinh tế, là một tiền đề quan trọng để Quảng Nam trở thành một địa phương đóng vai trò quan trọng trong kinh tế biển Việt Nam.

Cũng theo ông Phú, trong định hướng quy hoạch không gian kinh tế, Quảng Nam xác định việc tổ chức không gian sân bay gắn với đô thị sân bay. Trong đó, sân bay Chu Lai được định hướng là sân bay trung chuyển hàng hóa, hành khách quốc tế, trung tâm dịch vụ bảo dưỡng duy tu, sửa chữa máy bay, trung tâm công nghiệp hàng không.

Theo đó, đối với khu vực lân cận và mở rộng về phía tây để hình thành khu đô thị sân bay Chu Lai trở thành một khu đô thị hiện đại nhằm tạo ra sự phát triển cho khu vực và là hạ tầng phục vụ cho việc phát triển sân bay quốc tế.

  • Bất động sản Quảng Nam đang thiếu gì?

    Bất động sản Quảng Nam đang thiếu gì?

    Phần lớn các dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại đầu tư tại Quảng Nam là phân lô bán nền, thiếu các dự án đô thị kiểu mẫu, đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh về nhà ở.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.