Các tòa chung cư khu vực đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) đã được đưa vào sử dụng. (Ảnh: Hoàng Lâm/TTXVN) |
Tuy nhiên, việc quản lý tại các khu dân cư vẫn còn nhiều lỏng lẻo và bất hợp lý. Vì vậy, ngành xây dựng đang chú trọng nghiên cứu xây dựng và thực hiện mô hình quản lý, sử dụng nhà chung cư hướng tới mục tiêu phát triển đô thị một cách bền vững, đảm bảo lợi ích cho người dân.
Năm 1998, công trình chung cư cao tầng CT-4 tại khu nhà ởBắc Linh Đàm được khởi công xây dựng, được xem là dấu mốc đầu tiên cho chặng đường phát triển các công trình cao tầng trên địa bàn Thủ đô. Tiếp đó, năm 2005, việc khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Nam Trung Yên với tổng diện tích 56,4ha, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1,8 vạn dân phục vụ các dự án giải phóng mặt bằng đã được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi đây là một mô hình hoàn toàn mới.
Ông Nguyễn Thế Hùng, giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến nay, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng khoảng 40 khu đô thị mới và 80 dự án đầu tư nhà tái định cư; trong đó có hơn 170 nhà chung cư kinh doanh thương mại và 140 nhà tái định cư đã hoàn thành và đón người dân đến sinh sống.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Hà Nội tiếp tục đầu tư xây dựng 53 dự án nhà ở tái định cư với quy mô 14.054 căn hộ; 66 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư và 16 dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư mới. Với sự phát triển nhanh và rộng khắp, Hà Nội đã đi đầu cả nước về phát triển nhà ở. Đến cuối năm 2011, tổng diện tích nhà ở của Hà Nội đạt trên 139 triệu m2, bình quân diện tích nhà ở toàn thành phố là 20,8m2/người, riêng tỷ lệ nhà chung cư đạt cao nhất cả nước với tỷ lệ 16,64%.
Với trách nhiệm và chức năng quản lý Nhà nước, Sở Xây dựng đã chủ động trong việc tham mưu, xây dựng các văn bản của thành phố để thể chế hóa các quy định của pháp luật và ban hành các quyết định liên quan đến việc quản lý nhà chung cư, đầu tư xây dựng và quản lý nhà chung cư tái định cư.
Hiện Sở tiếp tục tiến hành kiểm tra, khảo sát và tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép thành phố công bố đơn giá dịch vụ nhà chung cư thay cho việc ban hành giá trần hoặc khung giá dịch vụ nhà chung cư để các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, các hộ dân và các đơn vị, cá nhân có liên quan tham khảo, thương thảo và quyết định áp dụng hoặc xây dựng giá dịch vụ nhà theo các quy định hiện hành.
Ngoài việc thường xuyên kiểm tra, cấp giấy chứng nhận phù hợp chất lượng công trình, Sở thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình hực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất báo cáo thành phố…
Qua khảo sát tại nhiều quận, huyện và các đơn vị quản lý cho thấy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Xây dựng Hà Nội đã rất cố gắng và chủ động, trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề tồn tại trong công tác đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng và vận hành quỹ nhà chung cư, tái định cư. Tuy nhiên, do cơ chế quản lý còn bất cập, khả năng vốn đầu tư còn hạn chế nên việc quản lý, đầu tư quỹ nhà chung cư, tái định cư vẫn còn những tồn tại cần tập trung khắc phục, tháo gỡ.
Cũng theo ông Hùng, mô hình quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư được thực hiện theo quy định pháp luật và các văn bản hướng dẫn của các bộ, nhưng quy định pháp luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ thường xuyên thay đổi theo các thời điểm khác nhau và còn có những nội dung chồng chéo, bất cập, khó thực hiện.
Đề cập đến chất lượng quỹ nhà chung cư, tái định cư, Giám đốc Sở Xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận một số hạn chế về khâu hoàn thiện; các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở một số khu tái định cư chưa đáp ứng được yêu cầu, gây khó khăn cho người dân. Bởi các nhà đầu tư thường chờ đến khi dân cư đến đông mới đầu tư các công trình hạ tầng xã hội dẫn đến giai đoạn đầu khi người dân được tái định cư vào ở hầu như thiếu các dịch vụ đô thị thiết yếu. Thậm chí một số khu tái định cư, nhà đã làm xong vài năm nhưng chưa đưa vào sử dụng dẫn đến tình trạng xuống cấp, hư hỏng.
Hay tại nhiều dự án nhà chung cư đã bàn giao đưa vào sử dụng đã lâu nhưng trong quá trình đầu tư còn thiếu thủ tục nên dẫn đến chưa hoàn thành được việc cấp “sổ đỏ” cho người mua nhà. Một số dự án chỉ chú trọng đầu tư xây dựng nhà ở để kinh doanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cây xanh chưa được đầu tư đồng bộ, không đáp ứng được điều kiện sống cho người dân sống tại các nhà chung cư, gây bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, tại một số khu chung cư, trình độ nhận thức của người sử dụng chưa cao và không đồng đều, bên cạnh đó là những tập tục, thói quen sinh hoạt cũng tạo ra những khó khăn trong vấn đề quản lý, vận hành.
Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng Phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng), hiện nay, Hà Nội đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc về bố trí, cân đối quỹ nhà tái định cư. Hàng năm, các quận, huyện và các chủ đầu tư đăng ký sử dụng quỹ nhà tái định cư rất lớn (khoảng 5.000 căn hộ mỗi năm), nhưng thực tế kết quả sử dụng chỉ khoảng 1000 căn hộ mỗi năm do không hoàn thành được tiến độ giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, một số quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng chậm lại lấy lý do thiếu quỹ nhà tái định cư, tạo áp lực cho thành phố trong việc bố trí, cân đối quỹ nhà này.
Trước đây, do yêu cầu cấp bách cần phải giải quyết bố trí tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố, nhiều dự án chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã phải bố trí cho các hộ dân vào ở, ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt, gây bức xúc cho các hộ dân đến ở, ảnh hưởng đến chất lượng công tác quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư tái định cư.
Ông Đạm cho biết, trên thực tế, các dự án xây dựng nhà tái định cư đều chậm so với tiến độ được phê duyệt, dẫn đến một số dự án nhà tái định cư không đáp ứng tiến độ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, việc chậm triển khai dẫn đến các dự án phải điều chỉnh nhiều lần tổng mức đầu tư, nhiều phát sinh phức tạp do giá nguyên vật liệu biến động tăng, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác đầu tư xây dựng quỹ nhà này.
Cùng với đó, thành phố cân đối ngân sách hàng năm đảm bảo đáp ứng cho công tác quản lý sử dụng, vận hành, bảo trì các diện tích thuộc sở hữu Nhà nước, đóng góp chi phí quản lý sử dụng, vận hành, bảo trì các diện tích sử dụng chung và mua bảo hiểm phòng chống cháy, nổ theo quy định. Đối với các quận, huyện cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, có biện pháp thực hiện quản lý hành chính, quản lý dân cư, thành lập hệ thống chính trị ở cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ của Ban quản trị nhà chung cư; giải quyết những tranh chấp phát sinh trong quá trình quản lý sử dụng.
Ông Hùng cho biết, với mục tiêu ban đầu là phải thành lập quỹ nhà để phục vụ nhân dân, thành phố Hà Nội đã tập trung nhân lực, vật lực và trí tuệ vừa đầu tư xây dựng, vừa đưa nhân dân vào ở, vừa tổ chức quản lý sử dụng sao phù hợp với thực tiễn. Đây là cố gắng lớn của thành phố Hà Nội khi triển khai thực hiện chương trình phát triển nhà ở, trong đó đã chú trọng đến nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội và nhà thu nhập thấp.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội chỉ đạo các ngành, các cấp chính quyền và doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, xây dựng nhà tái định cư tại các khu đô thị đã hoàn thành hạ tầng nhằm tạo sự đồng bộ cho các chung cư tái định cư. Thành phố yêu cầu chất lượng nhà tái định cư phải tương đương với nhà kinh doanh thương mại, nhằm đảo bảo chất lượng ở tốt nhất cho người dân, đặc biệt những hộ dân đã bị thiệt thòi khi Nhà nước thu hồi đất ./.