CafeLand - Chiều 2/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số Quốc gia” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết hiện nay cả nước đã có trên 830 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 38,6%. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12-15%, cao gấp 1,5-2 lần so với mặt bằng chung cả nước.

Các trung tâm đô thị đã và đang là những trung tâm của các hoạt động kinh tế xã hội, đồng thời cũng là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất, thương mại và hội nhập quốc tế.

Trong lĩnh vực phát triển đô thị, mục tiêu đề ra là đến năm 2025, Việt Nam có ít nhất ba đô thị thông minh tại cả ba vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam. Đến năm 2030, Việt Nam phải hình thành chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm, từng bước kết nối mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, hiện nay việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và lúng túng.

Các bộ, ngành vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về đô thị thông minh và các địa phương cũng mới bước đầu triển khai một số ứng dụng dịch vụ cơ bản cho đô thị thông minh.

Ảnh minh hoạ.

Ông Hưng cho rằng, trước tiên, các địa phương cần có nhận thức đúng về đô thị thông minh, các điều kiện cần và đủ để từng bước xây dựng thành công đô thị thông minh tại địa phương, tránh đầu tư dàn trải, làm theo phong trào.

Thứ hai, trong triển khai cần quán triệt nguyên tắc xây dựng hạ tầng nền tảng dùng chung, dữ liệu được chia sẻ tập trung và giám sát điều hành tập trung để bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Thứ ba, phải gắn kết, không được tách rời việc xây dựng đô thị thông minh với phát triển chính quyền điện tử. Cần coi trọng chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng đô thị thông minh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền. Người dân phải được cung cấp các ứng dụng để giao tiếp với chính quyền và mọi ý kiến phản ánh của người dân phải được giải đáp nhanh và thoả đáng.

Thứ tư, căn cứ vào điều kiện và yêu cầu cụ thể của từng địa phương, lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu cần ưu tiên triển khai khi xây dựng đô thị thông minh, tránh rập khuôn, đầu tư tràn lan.

Thứ năm, cần quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng ngay từ giai đoạn đầu của việc thiết kế xây dựng, triển khai đô thị thông minh.

Thứ sáu, cần có công cụ để đo lường, đánh giá được kết quả thực hiện.

Thứ bảy, nên lựa chọn các doanh nghiệp công nghệ có đủ năng lực để tổ chức triển khai.

Và cuối cùng, theo ông Hưng, là quan tâm phát triển nguồn nhân lực phù hợp. Một đô thị thông minh không thể thông minh nếu thiếu người lãnh đạo có tầm nhìn, thiếu nguồn nhân lực có đủ trình độ để hoạch định, xây dựng, quản lý và vận hành đô thị đó.

  • Nở rộ đô thị thông minh tại Việt Nam

    Nở rộ đô thị thông minh tại Việt Nam

    CafeLand - Với dân số trẻ khi có 70% dân số dưới 35 tuổi tại hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM, lượng người trẻ am hiểu công nghệ thuộc nhóm cao trên thế giới, các khu đô thị thông minh hứa hẹn sẽ nở rộ hơn tại Việt Nam, theo JLL Việt Nam.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.