02/09/2014 8:46 AM
Ngày 1-9, nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ cho biết UBND tỉnh Bình Thuận đang xử lý báo cáo của các sở để “quyết định số phận” khách sạn Mường Thanh Mũi Né.

Khách sạn Mường Thanh Mũi Né đặt tỉnh Bình Thuận vào thế đã rồi - Ảnh: Nguyễn Nam

Công trình khách sạn Mường Thanh Mũi Né (P.Hàm Tiến, TP Phan Thiết) bị đề nghị mức phạt tiền 1 tỉ đồng do tái phạm nhiều lần, không chấp hành đình chỉ thi công xây dựng theo quy định.

Bên đòi đập bỏ, phía cho xây xong

Sau khi báo chí liên tục phản ánh việc xây dựng trái phép của công trình khách sạn 4 tầng xây 8 tầng do Công ty Đồng Ngân làm chủ đầu tư (Công ty Đồng Ngân đã bán lại khách sạn cho Tập đoàn khách sạn Mường Thanh), chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã gửi công văn chỉ đạo các sở chức năng vào cuộc xử lý.

Ngày 21-8 đã diễn ra cuộc họp giữa các sở ngành để lấy ý kiến về vấn đề này. Quan điểm của các sở ngành chia thành “hai phe” với một bên đòi đập bỏ phần công trình vi phạm, bên kia thì cho công trình tồn tại và xử phạt doanh nghiệp.

Cụ thể, UBND TP Phan Thiết nêu quan điểm “để giữ nghiêm kỷ cương, thực hiện tốt các quy định về quản lý trên lĩnh vực xây dựng, đề nghị xử lý tháo dỡ phần công trình xây dựng trái phép”.

Ngay cả Sở Văn hóa - thể thao & du lịch cũng đồng quan điểm với UBND TP Phan Thiết khi yêu cầu thực hiện theo giấy phép xây dựng đã cấp và xử lý phần công trình vi phạm.

Còn Sở Kế hoạch và đầu tư đưa ra ý kiến cho rằng Công ty Đồng Ngân xây dựng sai giấy phép đã được cấp, đề nghị xử phạt theo quy định. Sở này đề xuất hướng xử lý là thống nhất cho phép công trình này tồn tại, không tháo dỡ để giảm tổn thất cho doanh nghiệp và xã hội.

Riêng Sở Tài nguyên và môi trường đề nghị rà lại quy định, trường hợp đã có quy hoạch thì thực hiện theo quy hoạch. Hiện nay công ty đang nộp hồ sơ đánh giá tác động môi trường tại sở này nhưng thủ tục đang vướng các quy định hiện hành nên chưa giải quyết.

Đề nghị phạt 1 tỉ đồng

Trước tình cảnh “bỏ thì thương vương thì tội” của các sở ngành nêu trên, Sở Xây dựng là cơ quan được UBND tỉnh Bình Thuận giao làm “chủ xị” giải quyết vụ việc đã có báo cáo gửi UBND tỉnh.

Theo đó, căn cứ theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh cấp ngày 4-11-2009 cho Công ty Đồng Ngân với mục tiêu và quy mô của dự án là đầu tư xây dựng kinh doanh khu dịch vụ du lịch (khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, hồ bơi, khu dã ngoại, tham quan, trung tâm spa và các dịch vụ khác), việc đầu tư xây dựng công trình khách sạn là phù hợp với mục tiêu đầu tư.

Quá trình xử lý sai phạm của công trình này cho thấy doanh nghiệp chịu mất tiền phạt chứ quyết không ngừng thi công theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Cụ thể, chánh thanh tra Sở Xây dựng đã quyết định phạt 50 triệu đồng và yêu cầu đình chỉ thi công, công ty đã chấp hành nộp phạt. Tiếp đó đơn vị thi công khách sạn cũng bị phạt 35 triệu đồng và buộc đình chỉ thi công.

Do không chấp hành nên ngày 21-8 thanh tra Sở Xây dựng tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính, đề xuất mức phạt 1 tỉ đồng về hành vi tái phạm nhiều lần, không chấp hành đình chỉ thi công xây dựng theo quy định tại nghị định 121 năm 2013 của Chính phủ. Giám đốc Sở Xây dựng đã có tờ trình đề nghị chủ tịch UBND tỉnh xem xét xử lý theo đề nghị của sở này.

Bản báo cáo do giám đốc Sở Xây dựng Trần Anh Tuấn ký ngày 27-8 cho rằng việc Công ty Đồng Ngân nôn nóng triển khai dự án thi công dẫn đến vi phạm pháp luật về xây dựng, chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của công ty, một phần do sức ép về tiến độ phải hoàn thành công trình đưa vào hoạt động kinh doanh trước ngày 1-1-2015 như đã cam kết. Nếu đến thời hạn theo cam kết mà công ty chưa xây dựng hoàn thành để đưa vào kinh doanh thì công ty chấp nhận việc bị thu hồi dự án và tịch thu số tiền ký quỹ đầu tư 2 tỉ đồng đã nộp, đồng thời sẽ không có bất cứ khiếu nại nào về sau.

Sở Xây dựng cũng khẳng định quá trình vi phạm của công ty đã được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm túc. Việc xử lý vi phạm hành chính đúng theo quy định pháp luật là điều cần thiết, nhằm giữ nghiêm kỷ cương của pháp luật. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh xem xét chấp thuận cho tồn tại công trình, cho phép chủ đầu tư điều chỉnh nội dung giấy phép xây dựng.

Khu vực được xây đến 17 tầng

Sở Xây dựng Bình Thuận cho biết nếu xem đây là công trình khách sạn đơn lẻ thì công trình này không thuộc đối tượng áp dụng các quy định tại quyết định 54 của UBND tỉnh về quy định quản lý xây dựng các dự án đầu tư khu du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh (quyết định này không áp dụng cho các công trình dịch vụ như nhà hàng, khách sạn... đơn lẻ được chấp thuận đầu tư và nhà ở nhân dân trong khu vực).

Trong quyết định 54 có quy định chiều cao tối đa của công trình là 15m. Tuy nhiên, lâu nay khi cấp phép xây dựng cho các dự án trong khu vực, Sở Xây dựng đều có vận dụng quy định theo quyết định 54 để xử lý tầng cao và khoảng lùi của các công trình.

Theo quy hoạch phân khu của P.Hàm Tiến (TP Phan Thiết) tại quyết định 493 năm 2010 của chủ tịch tỉnh Bình Thuận thì khu vực dự án nằm trong đất du lịch nghỉ dưỡng. Theo quy định thì tầng cao của công trình khách sạn cho phép tối đa là 17 tầng.

Tuy nhiên do chủ đầu tư xây dựng công trình không đúng giấy phép xây dựng đã cấp nên phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật trước khi xem xét xin điều chỉnh giấy phép xây dựng của chủ đầu tư.

Nếu cho tồn tại và đồng ý điều chỉnh nội dung giấy phép xây dựng theo hồ sơ thiết kế mới thì công trình không vi phạm các quy định của pháp luật, doanh nghiệp không bị thiệt hại, hiệu quả đầu tư của dự án đảm bảo.

Nguyễn Nam (Tuổi Trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.