21/07/2019 7:37 PM
Mới đây, chung cư New Saigon mất điện tạm thời khiến nhiều người dân mắc kẹt trong thang máy. Cư dân phàn nàn, đây cũng không phải lần đầu tiên.

Sáng 19/7/2019, hệ thống thang máy chung cư New Saigon (hay còn gọi là chung cư Hoàng Anh Gia Lai 3, tọa lạc tại đường Nguyễn Hữu Thọ, Xã Phước Kiển, Huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh gồm 4 Block, cao 26 tầng với 1.104 hộ dân sinh sống) đột nhiên ngưng hoạt động.

Giải cứu bé trai bị mắc kẹt trong thang máy chung cư

Sự cố này khiến cho nhiều cư dân mắc kẹt trong thang máy hoảng loạn và bức xúc. Có bé trai bị kẹt một mình trong thang máy hơn 20 phút.

Nguyên nhân khiến thang máy dừng đột ngột là do máy phát điện bị chạm, dẫn đến ngưng hoạt động. Trước đó, Ban Quản lý chung cư đã có thông báo về tình hình cúp điện để công ty Điện lực sửa chữa, bảo trì.

Đáng lưu tâm là tình trạng thang máy “nhốt người, rơi tự do” đã xảy ra nhiều lần ở nhiều nơi khiến người dân cảm thấy bất an. Không ít trường hợp liên quan tới việc bảo trì chưa được thực hiện đúng quy định.

Theo thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016, nhà chung cư được sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung như thang máy, máy phát điện, hệ thống thống nước, hệ thống cấp điện chiếu sáng,…và các thiết bị dùng chung khác. Theo đó, Ban Quản trị nhà chung cư có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động, thu, chi tài chính; kết quả công việc bảo trì và việc thu, chi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư để hội nghị nhà chung cư kiểm tra, giám sát.

Ông Nguyễn Duy Thành - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý nhà Toàn cầu (Global Home) khuyến cáo, Ban Quản trị chung cư có thể hợp tác ký hợp đồng bảo trì với đơn vị bảo trì chuyên nghiệp, chính hãng đảm bảo chất lượng và an toàn cho máy móc, thiết bị; đồng thời đơn vị vận hành và bảo trì có trách nhiệm kiểm tra, bảo dưỡng, ghi nhật ký của máy móc thiết bị tối đa 2 tháng/lần, thậm chí chung cư có thể mời các đơn vị kiểm định an toàn đến kiểm tra nhằm đảm bảo tính khách quan, cùng sự giám sát của cư dân. Riêng với cư dân sử dụng các thiết bị theo đúng khuyến cáo, quy định của nhà sản xuất và Ban quản lý để duy trì tuổi thọ của máy móc, thiết bị”.

Quy định đối với hệ thống thang máy, khi cáp thang máy bị mòn vượt quá 10% đường kính của cáp đo thì phải thay thế cáp mới ngay để đảm bảo hoạt động an toàn hơn. Đặc biệt, bất kỳ chung cư nào có thang máy đều không thể thiếu bộ cứu hộ thang máy giúp tránh tình trạng thang máy bị rơi tự do, cấp điện cho thang khi mất điện, đưa thang máy dừng ở tầng gần nhất giúp người sử dụng thang máy thoát hiểm an toàn.

Hệ thống bình ắc quy trong bộ cứu hộ thang máy sẽ phát điện khi dòng điện không ổn định, thường tuổi thọ trung bình là 2 năm. Vì vậy, các đơn vị kiểm định thang máy cũng như đơn vị quản lý vận hành cần kiểm tra bình ắc quy thường xuyên nhằm đảm bảo khi cúp điện thì bộ lưu điện vẫn hoạt động được.

Còn với máy phát điện cần đảm bảo tiêu chuẩn vận hành có bộ chuyển đổi nguồn tự động ATS, để khi nguồn điện lưới mất, trong thời gian được phép thì máy phát điện sẽ tự động vận hành. Máy phát điện thường ưu tiên hệ thống công cộng (như thang máy, PCCC, chiếu sáng, quạt tăng áp cầu thang bộ thoát hiểm,…).

“Việc đảm bảo máy phát điện hoạt động an toàn phụ thuộc rất nhiều đến công tác bảo trì bảo dưỡng của đơn vị quản lý vận hành và sử dụng hợp lý nguồn phí bảo trì của Ban Quản trị chung cư”, ông Thành đúc kết.

Linh Anh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.