Hiện pháp luật có bắt buộc phải công chứng hợp đồng thuê nhà ở, căn hộ, phòng trọ hay không, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Căn cứ vào khoản 2 điều 122 Luật nhà ở năm 2014, khi cho thuê nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu. Bởi vậy, chỉ khi nào cần thiết thì các bên mới công chứng hợp đồng thuê nhà ở, như vậy sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí.
Vậy hợp đồng thuê nhà ở có công chứng với không có công chứng thì giá trị pháp lý như thế nào?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Hợp đồng thuê nhà ở có công chứng hay không được công chứng đều có giá trị pháp lý như nhau, miễn sao hợp đồng đó tuân thủ đúng về nội dung và hình thức theo điều 121 Luật nhà ở năm 2014 thì đều có giá trị pháp lý.
Nếu không công chứng hợp đồng thuê nhà ở thì làm sao biết chính xác ai là chủ thật sự của căn nhà đó nhằm tránh bị lừa đảo?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Trong trường hợp này, người thuê nhà ở cần kiểm tra kỹ lưỡng giấy tờ của bên cho thuê trước khi ký kết hợp đồng. Cụ thể, xem giấy tờ nhà và giấy tờ tùy thân của người cho thuê để xác định rõ họ có phải chủ của căn nhà đó hay không, căn nhà đó có bị thế chấp hay bị ngăn chặn gì hay không. Nếu người cho thuê nói mình được chủ nhà ủy quyền thì phải kiểm tra tính xác thực của giấy ủy quyền, như thời hạn ủy quyền, phạm vi ủy quyền…
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng cho thuê nhà ở viết tay?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Căn cứ vào khoản 2 điều 122 Luật nhà ở năm 2014, đối với hợp đồng cho thuê nhà ở thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
Xin cảm ơn luật sư!