Phố “hai thất”, “bốn không”
Phố Tây - cách gọi dân dã của người Sài Gòn và khách du lịch về khu dân cư thuộc các phố Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu và lân cận ở quận 1. Mặt tiền phố Tây được “trưng diện” bằng những nhà nghỉ cao tầng, quán cà phê-bar, nhà hàng nhộn nhịp suốt ngày đêm hay những phòng tranh, quầy bán đồ lưu niệm nhiều màu sắc. Đằng sau vẻ hào nhoáng ấy là thế giới của những người nghèo. Họ chủ yếu là dân lao động tứ xứ dồn về thành phố kiếm sống hay những hộ dân đã định cư ở đây từ lâu nhưng không có điều kiện vươn lên.
Bước vào các con hẻm chỉ lọt một người đi trong phố Tây, hiện ra trước mắt chúng tôi là những căn nhà xuống cấp nghiêm trọng. Mái lợp dột nát, vách nhà che tạm bợ bởi các tấm bạt, nilông, thùng giấy. Trời nắng thì còn đỡ, gặp lúc mưa gió, họ phải co ro trong những căn nhà tồi tàn. Xung quanh những ngôi nhà ọp ẹp là rác rưởi ngổn ngang chất thành đống, nhà vệ sinh tạm bợ nằm ngay cạnh chỗ ngủ. Phía ngoài khu phố Tây lộng lẫy bao nhiêu thì bên trong lại tồi tàn bấy nhiêu. Cuộc sống của họ không chỉ “nổi danh” bởi sự nghèo mà còn “nổi tiếng” với các vấn đề “hai thất”, “bốn không”: người lớn thất nghiệp, trẻ em thất học; nhà không điện, không nước, không hộ khẩu thường trú... thiếu vệ sinh, nhiều tệ nạn...
Túp lều tự dựng trên hẻm 182 Đề Thám là nơi tá túc của ông Siêu suốt nhiều năm qua
Hẻm 169 Bùi Viện rộng chừng 1,5m nhưng ken đầy những căn nhà nhếch nhác, lụp xụp. Đồ đạc bày bề bộn còn quần áo được phơi ngay trên lối đi. Càng vào trong càng tối. Ngay đầu hẻm là đại gia đình ba thế hệ gồm 12 người của bà Bùi Thị Hoa (SN 1949, ngụ 169/4 Bùi Viện, quận 1) chen chúc trong căn nhà vỏn vẹn 16m2, được “đôn” thêm gác lửng. Căn nhà tồi tàn, ẩm thấp, mái lợp bằng những tấm tôn rách nát và vài thanh gỗ chắn ngang. “Gia đình tôi sống như vậy đã mấy chục năm nay. Con cái, cha mẹ nghèo khổ nên tất cả đều ở chung hết vào đây. Mọi sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn đủ đường nhưng cũng đành cam chịu vì mình quá nghèo”, bà Hoa giọng buồn bã.
Con trai bà Hoa có người làm xe ôm, người làm bảo vệ; con gái thì bán hàng rong trên các vỉa hè đến tối mới về. “Tất cả vật dụng trong nhà đã chiếm hết phần lớn diện tích. Buổi tối, mẹ, con gái nhỏ, vợ và tôi ngủ ở dưới sàn, những người khác ngủ ở trên. Nhà vệ sinh cũng “độ” lại làm bếp nấu ăn. Nhà chật lắm!”, anh Lê Hồng Hưng (SN 1972 - con trai bà Hoa) cho biết.
Cách nhà bà Hoa không xa, chúng tôi vào nhà bà Nguyễn Thị Ba (SN 1934) - nằm cuối hẻm. Nói là “nhà” nhưng thực chất cả gia đình năm người sống trong căn phòng chật chội rộng chỉ hơn 10m2. Dẫu già cả, bệnh tật liên miên nhưng hàng ngày bà phải gắng gượng đi dọc các con đường phố Tây lượm ve chai kiếm tiền sống qua ngày. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo của phường nên thường xuyên được “tài trợ” cơm ăn. “Thân tôi già rồi sống thế nào cũng được, chỉ thương mấy đứa nhỏ sống trong thiếu thốn, chật chội như vậy bức bí lắm. Nhiều lúc nghĩ mạng già này chết đi cho rộng nhà thì hơn nhưng nếu mình chết đi tụi nó phải vay mượn tiền làm mai táng, đã cực lại thêm khổ...”, bà Ba kể trong nước mắt.
Rời con hẻm đường Bùi Viện, chúng tôi “lách” mình qua khu nhà “ổ chuột” trên con hẻm 14/16 Đỗ Quang Đẩu. Có đi vào tận cùng ngõ ngách mới thấy hết cuộc sống cơ cực, nhọc nhằn của người dân nơi đây. Công việc của họ hầu hết làm theo thời vụ, thu nhập thấp. Đang loay hay trong không gian chật hẹp để nấu bữa tối, em Lê Ngọc Oanh (học sinh lớp 10) sống cùng bà nội, cha mẹ và em gái trải lòng: “Thu nhập của gia đình chủ yếu từ công việc chạy xe ôm của ba, còn mẹ thì làm công nhân ở quận 7 nhưng làm mà mãi không đủ ăn. Cháu muốn nghỉ học để phụ thêm mà ba mẹ không đồng ý”.
Ở nơi không tráng lệ
Ánh điện đường đồng loạt bật lên, phố Tây bắt đầu náo nhiệt. Trái ngược với thứ ánh sáng lung linh huyền ảo từ những biển hiệu của các nhà hàng, quán cà phê, bar, khách sạn... là thứ ánh sáng tù mù, lấp ló nhỏ dần từ các ngôi nhà bên trong những con hẻm nghèo. Dường như cuộc sống của họ cũng đìu hiu như thứ ánh sáng nơi họ ở vậy.
Chỉ vào xô đậu nành bán ế, chị Thủy (SN 1965, quê Quảng Ngãi, hiện ở hẻm 120 Trần Hưng Đạo) thở dài: “Trước đây, khi giá cả chưa tăng thì còn lo được bữa cơm bữa cháo cho gia đình, nhưng nay tiền nhà tăng cao, con lớn học hành tốn kém dữ lắm! Anh xem, làm chút ít đậu nành mà bán cũng không hết. Năm miệng ăn trông chờ vào nó, cứ đà này chắc nhịn ăn quá”. Mười năm vào Sài Gòn mưu sinh, nhưng cuộc sống của gia đình chị Thủy vẫn túng bấn. Để tiết kiệm tiền, chị phải rủ thêm năm người bán đậu hũ rong về ở để đỡ tiền thuê trọ.
Nằm sâu trong con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo là căn phòng xập xệ do cô cháu bà Lan (quê Cà Mau) thuê tá túc. Cả hai cùng nhận làm sơ chế rau nấu lẩu cho một nhà hàng ở phố Tây. Làm quần quật cả ngày nhưng lương chỉ gần 2,5 triệu đồng/tháng. Bà Lan trải lòng: “Lương như vậy là đủ sống rồi chứ ở quê nghèo lấy gì làm mà ăn. Hai cô cháu và mấy người ở quê dắt díu nhau lên thuê một căn nhà rồi đi làm mướn. Nói ở phố Tây cho sang chứ cuộc sống thì bần cùng, khổ cực lắm!”.
Bi đát hơn, anh Hồ Thiên Nam (SN 1972, ngụ 182/4 Đề Thám, quận 1) phải chăm sóc ba người anh trai bị tâm thần và người cha già 94 tuổi bệnh tật. Hằng ngày, anh phải đi bơm vá thuê được vài chục ngàn để nuôi cả nhà. Bản thân anh cũng bị tàn tật bởi chứng teo cơ từ nhỏ nên thân hình giống như một đứa trẻ con, nhưng anh là trụ cột của gia đình. “Nhiều lúc mấy cha con phải ăn cơm trắng với nước mắm qua ngày, nghĩ mà rơi nước mắt”, anh Nam buồn bã.
Hướng về phố Đề Thám, chúng tôi tiếp tục rẽ vào con hẻm 182. Những căn nhà “ổ chuột” dần hiện ra. Sau bức màn tráng lệ ngoài kia, những con người thất nghiệp ngồi bơ phờ ở vỉa hè tán gẫu giết thời gian. Anh Lê Văn Nam (SN 1959, ngụ 182/4 Đề Thám, quận 1), làm nghề lượm ve chai buồn bã kể: “Ở đây hầu như nhà nào cũng khó khăn về việc làm. Mang tiếng có hộ khẩu ở quận 1, lại sống cạnh khu phố Tây nhưng mấy ai biết tới cuộc sống cơ hàn của người dân trong hẻm này”. Gia đình anh Nam cũng thuộc diện hộ nghèo. Hiện anh sống cùng mẹ già hơn 80 tuổi và một người em trên 52 tuổi bị câm điếc bẩm sinh. Ba người sống trong căn nhà rộng chừng 18m2 nhưng không có nhà vệ sinh, mỗi lần có “nhu cầu” lại phải đi nhờ hàng xóm hoặc dựng một túp lều bên cạnh nhà để... “giải quyết”.
Người nghèo có căn nhà, dẫu không đẹp nhưng dù sao vẫn còn hơn những người vô gia cư, không hộ khẩu, không nhà ở. Nằm cuối con hẻm 182 có một túp lều trước số nhà 182/4/5 được dựng ngay giữa đường. Chủ nhân của túp lều là ông Trương Văn Siêu (SN 1945) đã sống như vậy suốt mấy chục năm qua, chịu bao gian khổ mưa gió. Nơi ở của ông chỉ với vài tấm ván cót chắp vá chằng chịt. Nhà không ra nhà, lều chẳng ra lều, chỉ đủ chỗ ngủ và trưng ít đồ chơi để bán cho đám trẻ con quanh xóm. Lớn lên từ nhỏ ở Sài Gòn, nhưng khi về già ông Siêu vẫn không có căn nhà cho ra hồn. Hàng ngày ai cho được miếng gì thì đỡ, không thì ông lại bữa đói bữa no.
Cuộc sống bấp bênh, tạm bợ nên việc học hành của các em nhỏ ở khu “ổ chuột” cũng không được vẹn toàn. Nhiều gia đình không có tiền cho con đi học, có nhà lại không lo đủ giấy tờ cần thiết để con đến trường, có em phải bỏ học giữa chừng phụ ba mẹ trông em hoặc phải lao động kiếm sống. Thiếu thốn này chồng lên thiếu thốn khác, tệ nạn này phát sinh tệ nạn kia. Dường như họ xem đó như là điều đương nhiên tồn tại trong những khu nhà “ổ chuột”.
Nguy cơ cháy nổ cao
Cảnh sống chật chội trong gia đình cháu Oanh ở hẻm 14 Đỗ Quang Đẩu
Người dân ở khu “ổ chuột” phố Tây đa phần tá túc trong những căn nhà tồi tàn, dụng cụ nấu ăn của họ là bếp gas, than đá... cùng với đồ đạc dễ cháy trong không gian chật hẹp như các đường dây điện chằng chịt, vá víu. Tại các hẻm 26, 57, 107 Bùi Viện, 14 Đỗ Quang Đẩu, 182 Đề Thám... nhà cửa bị xuống cấp nghiêm trọng, trần nhà với gác lửng đều làm bằng gỗ ván là nguyên nhân gây nguy cơ cháy nổ cao. Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại khu vực phố Tây.
(Còn tiếp)