06/10/2012 8:10 AM
Phần lớn các dự án “treo” (dự án có tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai chậm) là dự án thuộc nguồn vốn ngân sách.

Đó là báo cáo của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM Đào Anh Kiệt trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, HĐND TP.HCM khóa VIII vào sáng nay (4.10).

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn TP đang có 426 dự án có sử dụng đất, với diện tích 8.041,8 hecta đã được chấp nhận địa điểm đầu tư cho mục đích xây dựng khu nhà ở, sản xuất kinh doanh và phúc lợi công cộng.

Mặt khác, còn có 2.836 dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của UBND TP (chỉ tính từ ngày 1.1.2011- 31.12.2011).

Khu ấp Doi (Q.Gò Vấp) hiện nay cỏ cây mọc đầy vì dính dự án "treo" - Ảnh: Đình Sơn

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở TN-MT, chỉ mới có 50% dự án về nhà ở từ 2006 trở về trước cơ bản hoàn tất việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và đã xây dựng, đưa vào sử dụng.

Sở TN-MT đánh giá, hiện nay, các dự án sử dụng đất vào sản xuất kinh doanh có mức độ hoàn tất cao vì hầu hết các chủ đầu tư tự thỏa thuận bồi thường, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với người dân. Mặt khác, các doanh nghiệp có nhu cầu thật sự về mặt bằng để sản xuất kinh doanh.

Còn các dự án sử dụng đất vào mục đích phục vụ công cộng, có mức độ hoàn tất bồi thường chậm. Phần lớn các dự án tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai dự án chậm thuộc nguồn vốn ngân sách do không thỏa thuận được giá bồi thường với người dân.

Theo ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, các dự án chậm triển khai là do có một phần diện tích còn lại không thỏa thuận được giá bồi thường. “Người dân đòi giá bồi thường cao hơn khung giá quy định của Nhà nước”, ông Kiệt nói.

Sở Tài nguyên - Môi trường đánh giá, hiện nay, nhiều dự án được giao đất nhưng tiến độ thi công chậm, thậm chí là tạm ngưng thi công do tình hình kinh tế khó khăn, bất động sản giảm giao dịch, chính sách thắt chặt tín dụng. Đồng thời, người có nhu cầu nhà ở không có đủ khả năng về tài chính để sở hữu một căn hộ cho riêng mình.

Ông Kiệt cũng cho rằng, các dự án kinh doanh chủ đầu tư tự thỏa thuận bồi thường cho người dân là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy giá đất tăng cao trong thời gian vừa qua làm ảnh hưởng đến việc bồi thường của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

“Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư không có năng lực vốn, năng lực về quản lý điều hành dự án, chỉ tham gia đầu tư theo phong trào nên dẫn đến dự án chậm hoặc không triển khai. Thậm chí, có doanh nghiệp chỉ lập thủ tục để được thu hồi - giao đất nhưng không triển khai đầu tư mà sau đó tìm cách chuyển nhượng dự án nhằm hưởng chênh lệch”, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến các dự án “treo”.

Dân tạm cư chờ dự án

Kết quả giám sát của HĐND TP cho thấy: đến tháng 9.2006, trên địa bàn TP còn 4.715 hộ tạm cư dài hạn trên tổng số 62.695 hộ dân chấp hành chủ trương di dời, giải phóng mặt bằng của Nhà nước.

Đến thời điểm tháng 11. 2007, quỹ nhà và nền đất đã được chuẩn bị đủ để giải quyết tái định cư cho 4.225 hộ tạm cư trong tổng số trên, đạt 91,1%.

Khu tái định cư Bắc Rạch Chiếc (Q.9) xây dựng dang dở và xuống cấp - Ảnh: Đình Sơn

Đến tháng 7.2010, TP đã cơ bản giải quyết tái định cư cho các hộ tạm cư thời gian dài nêu trên.

Tuy nhiên, tính đến tháng 4.2012, trên địa bàn TP có thêm 1.427 hộ tạm cư phát sinh tại 24 dự án. Trong đó, có 16 dự án sử dụng vốn ngân sách với 774/1.427 hộ tạm cư (chiếm 54%) và 8 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách với 653/1.427 hộ tạm cư (chiếm 46%).

Báo cáo của UBND TP cho biết, đến nay, TP có 83,02% diện tích đất đô thị đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 (trong đó có 56,19% diện tích đất đô thị đã được phê duyệt đồ án). Đây là cơ sở thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của các dự án đầu tư xây dựng.

Ông Nguyễn Hữu Tín - Phó chủ tịch UBND TP - thừa nhận hạn chế lớn nhất trong các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 của TP hiện nay là chưa đề xuất được hạng mục ưu tiên đầu tư, kế hoạch thực hiện cũng như chưa xác định được nguồn lực đầu tư. Do đó, việc triển khai thực hiện theo quy hoạch thường bị kéo dài, gây bức xúc cho cộng đồng dân cư trong khu vực quy hoạch.

Trước tình hình trên, từ năm 2003 đến nay, UBND TP đã có quyết định thu hồi đất của chủ đầu 95 dự án không hoặc chậm triển khai thực hiện, dự án không khả thi, với diện tích 1.504,9 hecta.

Theo Nguyên Mi (Báo Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.