10/03/2023 4:00 PM
Tình trạng đầu cơ lướt sóng trên thị trường bất động sản đang tạm lắng xuống để nhường chỗ cho những người có “tiền tươi, thóc thật” và những người có chiến lược đầu tư trung và dài hạn. Thị trường rồi sẽ ấm trở lại. Vấn đề là phân khúc nào sẽ có tính thanh khoản tốt hơn.

Phân khúc nào sẽ có thanh khoản tốt hơn khi thị trường ấm dần trở lại? Ảnh: Lưu Bang

Tái cơ cấu sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực

Sau một giai đoạn phát triển nóng, thị trường bất động sản đã rơi vào giai đoạn trầm lắng với rất nhiều khó khăn liên quan đến chính sách pháp luật, dòng vốn tín dụng.

Trước thực tiễn nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Các địa phương trong cả nước cũng vào cuộc nhằm tháo gỡ những khó khăn có liên quan để thúc đẩy tiến độ các dự án bất động sản.

Ngày 5/3 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết Nghị định số 08/2023/NĐ-CP vừa tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn, vừa xác định lộ trình xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững và trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa trung hạn, dài hạn quan trọng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Theo HoREA, các doanh nghiệp bất động sản phải rất nỗ lực để tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển các phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực, có tính thanh khoản cao như nhà ở giá vừa túi tiền.

Doanh nghiệp cũng cần tích cực tham gia Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030, đi đôi với việc thực hiện khuyến mãi, tăng chiết khấu, giảm giá bán nhà theo phương châm chấp nhận “bán lỗ để cắt lỗ” để có dòng tiền, có thanh khoản trong tình hình rất khó khăn của thị trường hiện nay, để “tồn tại trước đã” rồi mới tìm cơ hội phát triển trở lại.

Khu kinh tế Vân Phong, Khánh Hòa đặt mục tiêu thu hút đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 30.000 tỉ đồng trong năm 2023.

Điểm sáng bất động sản công nghiệp

Giới chuyên gia và các nhà đầu tư bất động sản cho rằng, sau khi trải qua giai đoạn trầm lắng, thị trường bất động sản rồi cũng sẽ ấm dần trở lại và phát triển bền vững hơn.

Khi ấy, nhà đất có mức giá phù hợp với nhu cầu ở thực tại những khu vực phát triển đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch,… được kỳ vọng sẽ có tính thanh khoản tốt hơn.

Thống kê từ Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2022, bất động sản công nghiệp được ghi nhận là điểm sáng của thị trường bất động sản với tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trên cả nước có xu hướng tăng, đạt khoảng trên 80%. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy bình quân của các khu công nghiệp tại các tỉnh phía nam đạt cao nhất cả nước, đạt khoảng 85%.

Một số khu công nghiệp tại thành phố Hà Nội, TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang và Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn. Tỉnh Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy cao nhất cả nước, khi có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 95%.

Tại vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ có 11/18 khu kinh tế ven biển của cả nước, trong đó có 4/8 khu kinh tế trọng điểm trọng điểm.

Trong thời gian qua, việc phát triển các khu kinh tế ven biển đã đạt được một số kết quả nhất định, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất. Một số dự án lớn, quan trọng tại các khu kinh tế của vùng đã hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng các địa phương trong vùng.

Hiện nay, nhiều Khu kinh tế trên địa bàn khu vực này đang thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch để mở ra cơ hội phát triển, chào đón làn sóng đầu tư mới.

Ngày 28/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045.

Quy hoạch điều chỉnh lần này đã mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho toàn bộ khu vực Khu kinh tế Dung Quất nói chung và huyện Bình Sơn, huyện đảo Lý Sơn nói riêng.

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong nhằm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, đón làn sóng đầu tư mới trên địa bàn khu kinh tế trong thời gian tới.

Tỉnh Phú Yên cũng đang khẩn trương lập điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên để trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển là công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển, du lịch sinh thái, đô thị dịch vụ thương mại - du lịch sông, biển gắn với việc khai thác sân bay Tuy Hòa và hệ thống cảng biển.

Tương tự như các địa phương nêu trên, Thừa Thiên Huế cũng đang lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; tỉnh Quảng Trị hiện đang lập điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế Đông Nam; tỉnh Quảng Bình đang triển khai lập điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Hòn La.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.