Mặc dù nền kinh tế đối diện nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước và DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam vẫn đang cấp tập mở rộng hệ thống của mình, nhằm giành giật “miếng bánh” vốn được xem là có triển vọng tăng trưởng rất hấp dẫn.
Trong những ngày qua, các nhà bán lẻ đã liên tiếp khai trương các siêu thị mới. Cuối tháng 9, hệ thống siêu thị Big C đã đưa vào hoạt động trung tâm thương mại mới tại tỉnh Bình Dương, nâng tổng số siêu thị lên con số 20. Ngày 3/10/2012, Metro Cash & Carry đã khai trương Trung tâm bán sỉ B2B Metro Cash & Carry thứ 18 tại TP. Rạch Giá Kiên Giang). Trong khi đó, đơn vị bán lẻ trong nước là Vinatexmart cũng đưa siêu thị thứ 77 của mình vào hoạt động tại huyện Củ Chi (TP.HCM) vào ngày 4/10.
Theo thống kê của Sở Công thương TP.HCM, địa phương này hiện có 162 siêu thị, 500 cửa hàng tiện ích và 24 trung tâm thương mại. Năm 2012, kinh tế khó khăn, nhưng doanh số bán lẻ dự kiến vẫn đạt mức tăng trưởng trên 25% so với năm trước. Các chuyên gia cho rằng, với dân số trên 10 triệu người, dư địa phát triển bán lẻ của TP.HCM còn rất lớn.

Nhìn vào chiến lược phát triển của DN bán lẻ trong và ngoài nước, có thể thấy, đang có sự phân hóa khá rõ nét. Nếu như hệ thống Big C và Metro Cash & Carry tập trung phát triển các đại siêu thị, thì các nhà bán lẻ trong nước lại phát triển các siêu thị quy mô vừa, hoặc siêu thị mini. Điểm khác nữa là, các nhà bán lẻ trong nước, như Vinatexmart, Co.opmart… lại đang len lỏi ra các vùng ven đô, các khu công nghiệp…, thay vì tập trung ở các thành phố lớn, như các nhà bán lẻ ngoại.

Bình luận về vấn đề này, bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho rằng, việc DN bán lẻ trong nước có chiến lược phát triển ra các vùng ven, các khu chế xuất, khu công nghiệp là vừa đáp ứng được nhu cầu mua sắm hàng thiết yếu của đông đảo người dân và công nhân lao động, vừa giúp DN sản xuất trong nước có cơ hội mở rộng thị phần.

Còn đối với các nhà bán lẻ ngoại, họ vẫn kiên trì theo đuổi những kế hoạch đã đặt ra khi đặt chân vào thị trường Việt Nam. Tân Tổng giám đốc Big C, ông Laurent Zécri cho biết, khi nhận nhiệm vụ mới tại Việt Nam, ông vẫn tiếp tục tập trung vào những gì mà đơn vị này đã làm, đó là phát triển các đại siêu thị và hành lang thương mại bên cạnh siêu thị.

“Casino, công ty mẹ của Big C hiện đặc biệt chú trọng phát triển ra quốc tế. Việt Nam là một thị trường tiềm năng của Casino, nên Big C luôn tìm kiếm những cơ hội hợp tác và phát triển hệ thống tại Việt Nam”, ông Laurent Zécri nhấn mạnh.

Dù chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt của các nhà bán lẻ ngoại, song bà Lê Ngọc Đào vẫn tự tin khi cho rằng, các DN bán lẻ trong nước đang vươn lên mạnh mẽ, cạnh tranh song phẳng với các nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam. Bằng chứng là, Vinatexmart đã nhanh chóng vươn ra 29 tỉnh, thành phố; Co.opmart đã trở thành đơn vị dẫn đầu ngành bán lẻ Việt Nam, với sự hiện diện tại 33 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Còn ở góc độ nhà bán lẻ, bà Dương Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc hệ thống Vinatexmart nhận định, nếu không chú ý phát triển nhanh hệ thống bán lẻ trong nước, thì khi Việt Nam hội nhập sâu hơn, các DN bán lẻ nhỏ trong nước sẽ rất khó có sức cạnh tranh để tồn tại. Đây cũng là lý do để Vinatexmart đặt mục tiêu mở rộng hệ thống lên khoảng 200 cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước trong giai đoạn từ nay tới năm 2015.

Theo Thanh Vũ (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.