22/02/2017 8:07 AM
Đến ngày 31/3, nếu bộ, ngành, địa phương nào vẫn chưa có báo cáo phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, sẽ báo cáo Quốc hội cắt vốn, chuyển toàn bộ vào dự phòng chung.
Vốn đầu tư trung hạn được bố trí khá tập trung, số dự án giảm nhiều so với thời gian trước. Ảnh: Tiên Giang
Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt
Chiều 21/2, tại Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo UBTVQH phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, do mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn này giảm khá lớn so với mức dự kiến ban đầu nên các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong việc điều chỉnh phương án phân bổ chi tiết. Một số đơn vị chưa chấp hành nghiêm các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn. Chính phủ đã có chỉ đạo đến hết thời gian quy định, nếu tiếp tục bố trí vốn không đúng quy định, sẽ cắt giảm kế hoạch để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), thu hồi các khoản vốn ứng trước hoặc điều chỉnh cho các bộ, ngành địa phương khác. Nhưng đến ngày 15/1/2017, vẫn còn 19 địa phương chưa gửi phương án phân bổ chi tiết danh mục dự án nhóm B trở lên sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương; 18 bộ, ngành và 37 địa phương phân bổ vốn ngân sách trung ương (NSTW) chưa đúng quy định.
Ngày 15/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 226/CĐ-TTg, trong đó yêu cầu Bộ KH&ĐT công bố công khai danh sách và danh mục dự án bố trí vốn không đúng quy định của từng bộ, ngành, địa phương. Đồng thời đưa ra hạn chót trong tháng 2/2017, phải hoàn chỉnh lại phương án phân bổ chi tiết kế hoạch theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí quy định, đến hết 28/2 không phân bổ đúng sẽ cắt giảm, đưa vào dự phòng chung vốn đầu tư NSTW.
Đến ngày 17/2, chỉ còn 3 địa phương (Ninh Bình, Thái Bình, Bình Định) chưa gửi phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) và 3 bộ, ngành trung ương (Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) chưa dự kiến phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn thu để lại chưa đưa vào cân đối NSNN giai đoạn 2016 - 2020.
Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm
Theo đánh giá chung của Chính phủ, việc bố trí vốn cơ bản bám sát các nguyên tắc, tiêu chí và định mức, bố trí vốn khá tập trung, số lượng dự án giảm nhiều so với giai đoạn trước. Cơ bản bố trí đủ kế hoạch đầu tư trung hạn để thanh toán 100% số nợ đọng XDCB nguồn NSTW và 71 bộ, ngành, địa phương bố trí đủ kế hoạch để thu hồi các khoản vốn ứng trước. Ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA theo tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, đã dành một nguồn vốn NSTW lớn đối ứng cho các dự án PPP. Công tác chuẩn bị đầu tư dự án, xây dựng tầm nhìn kế hoạch cho giai đoạn sau cũng đã được chú trọng hơn.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vẫn còn một số đơn vị chưa quán triệt nghiêm túc các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư nguồn NSNN, sau nhiều lần điều chỉnh phân bổ vốn còn dàn trải, vẫn còn tỉnh Hà Giang chưa bố trí đủ kế hoạch để thanh toán nợ đọng XDCB; 13 đơn vị chưa bố trí đủ kế hoạch thu hồi vốn ứng trước tối thiểu theo quy định, bố trí vốn chưa đáp ứng tiến độ; phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư cao hơn mức vốn đã được thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn...
Tại Phiên họp, UBTVQH đồng ý Chính phủ thông báo vốn cho danh mục dự án đã đúng nguyên tắc; tạm dừng chưa thông báo phân bổ đối với các dự án của bộ, ngành, địa phương chưa tuân thủ Luật Đầu tư công, nguyên tắc Quốc hội đã đưa ra. Chính phủ tiếp tục đôn đốc, báo cáo tại phiên họp của UBTVQH cuối tháng 3. Đến hết mốc này, bộ, ngành, địa phương nào vẫn chưa có báo cáo, sẽ trình ra Quốc hội để chuyển toàn bộ nguồn vốn này sang dự phòng chung.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Luật Đầu tư quy định việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu rất nghiêm khắc, trong đó việc phê duyệt chủ trương đầu tư khi không cân đối được nguồn vốn đầu tư là hành vi bị cấm.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những tồn tại trong việc phân bổ vốn trung hạn, nhưng nguyên nhân chủ quan là quan trọng nhất. Chính phủ sẽ thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm, sẽ chỉ đạo, rà soát tích cực, trường hợp nào không tuân thủ, gây khó khăn, gây tiêu cực sẽ nghiêm túc xử lý bất kể vị trí công tác nào. Các bộ, ngành địa phương nghiêm túc kiểm điểm, không đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan.
Tuy Chính phủ báo cáo phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 ra UBTVQH chậm hơn kế hoạch, nhưng UBTVQH đánh giá cao sự chuẩn bị, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cũng như những khó khăn của Bộ KH&ĐT trong công tác tổng hợp, rà soát, thẩm định một kế hoạch đầu tư rất lớn của cả nước trong cả trung hạn, bởi đây là vấn đề mới, phức tạp và có phần nhạy cảm. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá, việc lập kế hoạch đầu tư trung hạn này là bước tiến quan trọng trong cân đối nguồn lực đầu tư phát triển, bước đổi mới quan trọng trong quản lý ngân sách.
Nguyệt Minh (Đấu thầu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.