04/04/2014 3:06 PM
CafeLand - Luật Kinh doanh BĐS 2006 có quy định về phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên vẫn còn một vài điểm gây tranh cãi.

Kinh doanh bất động sản theo Luật Kinh doanh BĐS là việc “bỏ vốn đầu tư tạo lập, mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản để bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua nhằm mục đích sinh lợi”.

Tuy nhiên, phạm vi kinh doanh bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lại không rộng như vậy. Luật Kinh doanh BĐS quy định nhà đầu tư nước ngoài được kinh doanh bất động sản trong các trường hợp: (1) đầu tư tạo lập nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; hoặc (2) đầu tư cải tạo đất và đầu tư vào các công trình hạ tầng trên đất thuê rồi cho thuê lại đất đã có hạ tầng.

Theo đó, có thể hiểu rằng, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh bất động sản dựa trên những bất động sản mà họ tự tạo lập hoặc được họ cải tạo.

Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài có được cho phép kinh doanh bất động sản thông qua hình thức mua đi bán lại, hoặc thuê để cho thuê lại hay không? Có ý kiến cho rằng, việc các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh bất động sản thông qua các hình thức trên là bất hợp pháp do chúng không thuộc phạm vi kinh doanh bất động sản (dành cho nhà đầu tư nước ngoài) theo quy định pháp luật.

Mặt khác, do Điều 18 Luật Kinh doanh BĐS quy định nhà đầu tư nói chung có thể tự tạo lập nhà và công trình xây dựng dưới hình thức đầu tư xây dựng mới hoặc đầu tư cải tạo, sửa chữa nhà, công trình xây dựng có sẵn; có ý kiến cho rằng nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện việc mua đi bán lại hoặc thuê bất động sản rồi cho thuê lại theo quy trình: (a) mua hoặc thuê một bất động sản sẵn có, sau đó (b) sửa chữa, cải tạo bất động sản đó. Sau khi sửa chữa, cải tạo, bất động sản theo Điều 18 Luật Kinh doanh bất động sản là bất động sản được nhà đầu tư tự tạo lập, do đó có thể được bán hoặc cho thuê lại.

Tuy nhiên, trong Công văn số 222/BXD-QLN ngày 12 tháng 02 năm 2014 của Bộ Xây dựng trả lời UBND TP. Hồ Chí Minh về việc cho thuê lại bất động sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Xây dựng trình bày quan điểm: hình thức thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại “không thuộc phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản của tổ chức và cá nhân nước ngoài”. Để làm rõ ý này, Bộ Xây dựng cho rằng nếu nhà đầu tư nước ngoài thuê bất động sản và sau đó sửa chữa nhưng “không trực tiếp khai thác sử dụng” thì họ đang thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản ngoài phạm vi cho phép. Quan điểm này của Bộ Xây dựng có thể mở rộng ra đối với trường hợp mua bất động sản để bán lại.

Có thể thấy qua công văn trên, Bộ Xây dựng đồng thời cũng để ngỏ vấn đề xem xét sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS theo hướng mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho nhà đầu tư nước ngoài.

CafeLand kết hợp với Công ty luật PLF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.