27/03/2018 10:57 AM
Vấn đề về PCCC ở các khu nhà cao tầng không phải bây giờ mới được đặt ra, và các vụ cháy nhà chung cư vẫn liên tục tiếp diễn cho thấy thực trạng lơ là trong công tác PCCC ở các chung cư cao tầng đang là vấn đề đáng báo động.

Hệ thống PCCC để… cho đẹp!

Trở lại khu nhà CT5A- Khu đô thị Văn Khê (tòa nhà cũng vừa xảy ra vụ cháy nhỏ ở tầng 21 cách đây 2 ngày), đề cập đến tình trạng PCCC tại khu chung cư mình ở, bất cứ người dân nào cũng bức xúc và lo lắng. Bà Lê Thị Hòa, cư dân tầng 6 kể lại, vụ cháy xảy ra ở tầng 21 lúc khoảng 10 giờ sáng khi bà đang ở nhà trông cháu nhỏ.

“Mấy hôm dồn dập thông tin về vụ cháy chung cư ở TP Hồ Chí Minh, khiến dân cư chúng tôi ở đây càng thêm lo lắng vì hệ thống PCCC của khu nhà này từ ngày vào ở đến nay có cũng như không. Hệ thống báo cháy không hoạt động nên đang trông cháu ở trong nhà, nghe thấy tiếng xe cứu hỏa hú còi inh ỏi, tôi vội vàng bế cháu chạy một mạch cầu thang bộ xuống dưới chân nhà. Lúc đó mới biết xảy ra cháy ở tầng 21”, bà Hòa kể lại.

Chung cư CT5A, tòa nhà cũng vừa xảy ra vụ cháy nhỏ ở tầng 21, hệ thống báo cháy không hoạt động.

Theo các cư dân, khu nhà này có 300 căn hộ và 3 tầng thương mại đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Đề cập đến hệ thống PCCC của khu nhà, bà Trần Thị Bình, cư dân ở tầng 8 tòa nhà bức xúc dẫn PV đi một vòng để mục sở thị. Dọn về ở đây từ năm 2012 nhưng theo như lời bà Bình thì từ ngày gia đình bà chuyển về đây sinh sống, hệ thống PCCC chỉ để… cho đẹp.

Để chứng minh lời mình nói, bà Bình dùng tay gạt hệ thống báo cháy nhưng chuông báo cháy cũng không hoạt động. “Hệ thống báo cháy có đấy nhưng nó có được đấu điện vào đâu mà hoạt động được”, bà Bình bức xúc cho biết. Tiếp theo bà Bình chỉ vào cửa cầu thang thoát hiểm hở cách với mặt sàn cả chục cm. Chắc chắn nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn thì cầu thang thoát hiểm này cũng vô tác dụng vì không ngăn được khói.

“Cư dân chúng tôi bức xúc, lo lắng kiến nghị với chủ đầu tư đã nhiều năm nay nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn năm này qua năm khác. Chúng tôi còn làm đơn kiến nghị gửi đến các cấp chính quyền từ quận đến thành phố nhưng cũng không giải quyết được. Thậm chí, Cảnh sát PCCC đã từng phạt hành chính chủ đầu tư nhưng hiện trạng vẫn y nguyên. Hệ thống PCCC chỉ để làm cảnh”, bà Bình bức xúc.

Tuy nhiên, đây không phải công trình duy nhất mà hệ thống PCCC không đảm bảo yêu cầu. Theo thống kê mới nhất của UBND TP Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 1.075 nhà, công trình cao tầng, chung cư cao tầng.

Trong số đó hiện còn 17 chung cư cao tầng đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn tồn tại, vi phạm quy định về PCCC, không có khả năng khắc phục theo yêu cầu theo tiêu chuẩn hiện hành. Trong danh sách 17 chung cư còn tồn tại, vi phạm PCCC có 8 dự án do tư nhân bỏ tiền đầu tư và 5 tòa chung cư cao tầng do doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư.

8 dự án do tư nhân bỏ tiền đầu tư gồm: Chung cư mini Bồ Đề; khu nhà ở nhiều hộ gia đình số 76 Cự Lộc; văn phòng cho thuê và để ở số 88 Tô Vĩnh Diện; chung cư cao tầng số 46/230 Lạc Trung; tòa chung cư 89 Phùng Hưng - Phúc La, Hà Đông; nhà chung cư 30 tầng BMM, khu đô thị Xa La; trung tâm thương mại nhà ở cao tầng số 29 Lạc Trung; tháp B văn phòng thuộc tòa nhà hỗn hợp HH1 ngõ 102 Trường Chinh. 5 tòa chung cư cao tầng do doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đầu tư xây dựng: Tòa CT1 Xa La; tòa CT2 Xa La; tòa CT3 Xa La; chung cư CT4 Xa La; trung tâm thương mại và căn hộ chung cư, thuộc khu đô thị Xa La…

Trong 17 công trình trên, có những chung cư nằm trong ngõ nhỏ, xe chữa cháy không thể tiếp cận; có công trình chỉ có 1 thang bộ hở trong nhà; công trình không có khả năng thi công hệ thống tăng áp cho buồng thang bộ; công trình không thể thi công hệ thống hút khói hành lang…

Trước tình trạng này, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Cảnh sát PCCC, Sở Xây dựng nghiên cứu 10 nhóm nội dung khắc phục tồn tại, vi phạm tại 17 chung cư.

Cụ thể, với công trình không thể thi công hệ thống hút khói, TP Hà Nội đề xuất thay thế các cửa mở ra hành lang bằng cửa chống cháy có cơ cấu tự động đóng; trang bị bổ sung hệ thống tăng áp trực tiếp vào hành lang các tầng qua hệ thống tăng áp của buồng thang bộ. Với các công trình không có khả năng thi công hệ thống tăng áp cho buồng thang bộ, TP Hà Nội đề xuất mở ô cửa thoáng mặt sau các buồng thang bộ.

Với các công trình tồn tại về hệ thống thu rác, TP Hà Nội đưa đề xuất giải pháp ống đổ rác làm bằng vật liệu không cháy, miệng ống đổ rác phải tự động đóng kín…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được TP Hà Nội nêu rõ là do trước năm 2011, chủ đầu tư nhận thức về PCCC yếu kém. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định, cấp phép xây dựng với thẩm duyệt thiết kế PCCC còn hạn chế.

Cần quy định rõ trách nhiệm chủ đầu tư

Quận Hà Đông là địa bàn phát triển nóng thời gian qua nên số lượng chung cư cao tầng được đưa vào sử dụng rất nhiều, nhưng cũng có không ít chung cư chưa đảm bảo PCCC. Trong đó có không ít chung cư đã đưa vào sử dụng từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được nghiệm thu hệ thống PCCC, đại diện lãnh đạo quận Hà Đông cho rằng, tồn tại trên có nguyên nhân là do chế tài xử lý các trường hợp vi phạm chưa đủ răn đe.

Theo đại diện UBND quận Hà Đông, đối với các trường hợp cố tình vi phạm phải có những chế tài xử lý mạnh, kiên quyết hơn.

“Các dự án chung cư có mức đầu tư rất lớn, do đó việc xử phạt hành chính như cảnh cáo, phạt tiền không thể giải quyết triệt để được vấn đề. Đối với các chủ đầu tư cố tình vi phạm phải có chế tài xử lý mạnh hơn như chuyển cơ quan điều tra, chủ đầu tư nào không chấp hành tốt thì không cấp phép cho dự án mới thì mới đủ sức răn đe”, bà Phạm Thị Hòa, Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông nêu quan điểm.

Bà Phạm Thị Hòa cho biết thêm, đối với những dự án đang thi công nếu không đảm bảo các quy định về PCCC, UBND quận Hà Đông sẽ kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ, kiên quyết không cấp điện, cấp nước.

Đề cập đến góc độ luật pháp, luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng luật sư Phúc Thọ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, vấn đề PCCC đang là vấn đề bức xúc của rất nhiều chung cư hiện nay, đó cũng là một trong những nguyên nhân diễn ra các tranh chấp.

“Vấn đề trách nhiệm của chủ đầu tư phải được quy định rõ và chi tiết ngay trong luật chứ không thể xảy ra cháy rồi mới bàn đến việc trách nhiệm chủ đầu tư đến đâu. Nếu xảy ra cháy nổ mà nguyên nhân là do anh thiếu trách nhiệm, đầu tư hệ thống PCCC không đảm bảo tiêu chuẩn anh phải chịu trách nhiệm gì. Để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào. Quy định rõ như thế thì chắc chắn chủ đầu tư sẽ phải có trách nhiệm hơn”, luật sư Bùi Sinh Quyền nói.

Theo luật sư Bùi Sinh Quyền, một trong những vấn đề cũng cần phải được cảnh báo là ý thức của người dân sống trong các khu chung cư hiện nay về PCCC. Để hạn chế tối đa rủi ro, người dân cũng phải tự trang bị cho mình có kỹ năng khi gặp phải sự số.

“Số lượng chung cư ngày một nhiều nên nếu các vấn đề này không được luật hóa rất khó để quản lý và nâng cao ý thức của chủ đầu tư và người dân. Nếu cần thiết phải đưa vào giáo dục ngoại khóa ở học đường về kỹ năng thoát hiểm khi có sự cố trong chung cư để hạn chế tối đa rủi ro", luật sư Bùi Sinh Quyền nhấn mạnh.

Phan Hoạt - Ngọc Yến (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.