Thưa ông, quy hoạch Thủ đô được phê duyệt thì sẽ có những tác động như thế nào đến thị trường BĐS?
Trước mắt sẽ không có tác động gì nhiều vì chúng ta phải xử lý hàng loạt dự án, ít nhất là 500 dự án hiện đang phải rà soát lại để quyết định số phận cho các dự án.
Bản thân thị trường BĐS Việt Nam hiện đang thiếu vốn, các nhà đầu tư đang è cổ vì không tìm được nguồn để tiếp tục các dự án hiện nay mà họ đang làm.
Quy hoạch chung Thủ đô không tác động nhiều tới thị trường BĐS. Ảnh: Nguyễn Lê
Vậy thì giá nhà đất ở Hà Nội theo ông có giảm không?
Tôi cho rằng, một quy hoạch tổng thể như vậy thì không thể khẳng định được giá giảm hay không giảm
Thế nhưng, khi 500 đồ án sẽ được triển khai thì chắc chắn nguồn cung tăng lên khiến cho các chủ đầu tư đứng trước áp lực phải giảm giá?
Xét về tương lai, chắc chắn giá BĐS sẽ phải giảm, giảm về mức bình thường, nhưng tất nhiên nó cũng phải qua nhiều lần ít giao dịch và nguội lạnh như bây giờ thì giá sẽ giảm nhưng lúc nào giảm về mức phù hợp với mức sống của người lao động thì phải 10 - 15 năm, cũng có thể 30 năm hay 50 năm. Điều này khó có thể dự báo được bao giờ thì nó về mức bình thường.
Giá nhà ở Việt Nam hiện nay đang cao gấp 25 lần so với số tiền thu nhập của một người lao động trung bình trong vòng 1 năm, trong khi ở các nước phát triển thì tỷ lệ này là 4 lần, các nước chậm phát triển là 2 lần. Điều này rất bất hợp lý.
Theo quy hoạch được duyệt có khoảng hơn 100 dự án nằm trong vành đai xanh, nhiều người cho rằng những dự án này sẽ bị điều chỉnh và thu hồi?
Đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất theo từng chức năng, đã có vành đai xanh nếu chúng ta thấy phê duyệt quy hoạch sử dụng đất mà không đúng với chức năng vành đai xanh thì phải rút dự án ra, chắc là như vậy.
Vậy số phận của những dự án này sẽ như thế nào, thưa ông?
Tôi nghĩ không nhất thiết là dự án nào cũng bị rút, không làm dự án ở vành đai xanh thì có thể làm dự án ở nơi khác, trừ khi đã có dàn dựng về tài chính từ trước cũng như quyền lợi của ai đó bị thiệt thì không thể di dời được, còn nếu chỉ là dự án mới được cắt đất ở vị trí đó thì bây giờ có thể chuyển đi chỗ khác.
Nghĩa là có sự quy đổi nếu các dự án không phù hợp với quy hoạch. Chúng ta phải rà soát lại, nếu vị trí đó đặt quy hoạch vào chức năng khác thì dự án chuyển đi chỗ khác theo đúng chức năng của dự án.
Năm 2008 Hà Tây chính thức sát nhập với Hà Nội, năm 2009 đưa ra phương hướng về quy hoạch mở rộng và năm 2011 đã phê duyệt. Thời gian như thế theo ông liệu có quá nhanh không?
Tôi nghĩ thời gian này không phải quá nhanh, thời gian phê duyệt thì chúng ta phải thuê các chuyên gia quy hoạch từ nước ngoài, các chuyên gia trong nước, người dân, báo chí cũng đã đóng góp nhiều lần, nhiều đợt. Tôi nghĩ công tác chuẩn bị như thế cũng là rất thoả đáng bởi mức độ công khai, minh bạch khi nhận ý kiến đóng góp từ các chuyên gia cho tới người dân.
Còn câu chuyện chúng ta thực hiện quy hoạch như thế nào mới là câu chuyện lớn hơn là câu chuyện hình thành quy hoạch này.