Cafeland - Việc ông Lê Văn Vọng rút lui khỏi Tập đoàn Lã Vọng đang khiến dư luận xôn xao, nhất là khi động thái này diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn trước thời điểm Thủ tướng chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện các dự án của doanh nghiệp này.

Sự trùng hợp bất ngờ

Những lời bàn tán xuất hiện sau khi có thông tin ông chủ chiếc Rolls-Royce mang biển số 15555 đã không còn là người đại diện pháp luật của Tập đoàn Lã Vọng. Người thay ông Vọng là ông Nguyễn Văn Quang, người đang đại diện pháp luật cho nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần đầu tư phát triển và dịch vụ thương mại Đại An, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Ngôi nhà mới.

Theo đó, cả 3 cổ đông sáng lập ra Tập đoàn Lã Vọng gồm ông Lê Văn Hải (100 tỉ đồng - tương đương 20% cổ phần), ông Lê Văn Vọng (300 tỉ đồng - tương đương 60% cổ phần) và bà Đặng Thị Như Trang (100 tỷ đồng - tương đương 20% cổ phần) đã đồng loạt thoái toàn bộ vốn tại Tập đoàn Lã Vọng từ 18/1/2018.

Động thái thoái vốn của ông Vọng sẽ không khiến nhiều người hiếu kỳ nếu như nó không sát với thời điểm Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện các dự án của Công ty CPTM & DV Lã Vọng và đơn vị thành viên trên địa bàn TP. Hà Nội.

Trước đại gia đi Rolls-Royce này, nhiều vị cũng đã có động thái tương tự sau khi gặp sự cố, điển hình như Khoa “Keangnam” hay Vũ “Nhôm” Đà Nẵng. Khoa “Keangnam” rút khỏi dự án Sala (Thủ Thiêm) và Công ty TNHH Bất động sản & Thương mại Hồng Phúc Quang – Công ty sở hữu dự án khách sạn Senla Boutique ở số 111 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Còn Vũ “Nhôm” khi “có biến” trong vụ đất công Đà Nẵng cũng đã thoái sạch vốn tại hàng loạt công ty.

Tập đoàn Lã Vọng sở hữu nhiều dự án bất động sản tai tiếng. Ảnh: Internet

Được biết, đây không phải lần đầu Tập đoàn Lã Vọng rơi vào “tầm ngắm” thanh tra. Trước đó, năm 2017, Bộ Tài chính cũng từng đề nghị Thanh tra Chính phủ rà soát dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá trị thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước, tại dự án New House Xa La do tập đoàn này làm chủ đầu tư.

Theo đó, đây là dự án kết hợp giữa Công ty cổ phần thương mại Ngôi Nhà Mới (thuộc Tập đoàn Lã Vọng) và Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ - một doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ về thủy lợi. Dự án được thực hiện trên khu đất vốn là trụ sở 2 của Công ty Sông Nhuệ, với tên gọi là trụ sở làm việc của Công ty Sông Nhuệ và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại.

Sau đó 1 năm, Công ty Sông Nhuệ đã ký một Hợp đồng ủy quyền toàn diện cho Công ty Ngôi Nhà Mới thực hiện đầu tư xây dựng dự án. Hiện dự án đã xây xong, nhưng điều đáng nói là Công ty Sông Nhuệ vẫn phải đi thuê mặt bằng để làm trụ sở làm việc. Điều này làm dấy lên nghi vấn về giao dịch thâu tóm đất vàng của Tập đoàn Lã Vọng.

Ngoài ra, khi rà soát các doanh nghiệp nhà nước thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bao gồm cả dự án New House Xa La, Bộ Tài chính từng đánh giá việc sắp xếp lại cơ sở, nhà đất của doanh nghiệp nhà nước tại dự án này không thực hiện đấu giá theo quy định tại Luật Đất đai 2013.

Ngoài New House Xa La, Lã Vọng còn sở hữu nhiều dự án tai tiếng khác. Theo tìm hiểu của PV CafeLand, Tập đoàn Lã Vọng khởi nghiệp từ ngành dịch vụ nhà hàng, đồ uống. Đến khoảng năm 2008, khi thị trường bất động sản bước vào thời kỳ sốt giá, doanh nghiệp này bất ngờ “lấn sân” sang đầu tư bất động sản, với dự án Ngôi nhà Mới Quốc Oai - được cho là dự án đầu tay của Lã Vọng.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm kể từ thời điểm được phê duyệt, dự án này vẫn còn dang dở. Bên cạnh những căn biệt thự xây thô, không có người ở, vẫn còn rất nhiều lô đất đang bỏ không, hạ tầng nội bộ dự án như cây xanh, hồ điều hòa... vẫn chưa hoàn thiện.

Hay như dự án cải tạo và làm cống nối khu vực hồ Vục, hồ Tư Đình, hồ Đầu Băng (Long Biên) để lấy 9,9ha đất đối ứng quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), dự án BT cải tạo quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai... cũng đều là những “vết ố” trong sự nghiệp kinh doanh bất động sản của Lã Vọng.

Rút sang công ty mới

Sau khi thoái sạch vốn khỏi Lã Vọng, ông Vọng đã mở công ty mới. Ảnh: Internet

Theo thông tin mà CafeLand có được, chưa đầy hai tháng sau khi thoái vốn khỏi Tập đoàn Lã Vọng, vị đại gia xứ Thanh này đã lập ra một doanh nghiệp mới có tên Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Tài chính Việt Nam. Trong thông tin đăng ký doanh, công ty mới của ông Vọng được thành lập vào ngày 22/03/2018 có trụ sở tại Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội với số vốn điều lệ 500 tỉ đồng, hiện đã hoạt động được 4 tháng.

Công ty mới của ông Vọng gồm 3 cổ đông sáng lập, trong đó ông Lê Văn Vọng với vốn góp 199,98 tỉ đồng (chiếm 99,996% cổ phần), còn ông Vũ Văn Thái và Hà Chí Luyện (đều có địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hoằng Hóa – Thanh Hóa) với số vốn góp mỗi người là 10 triệu đồng, tương đương 0,002% cổ phần mỗi người.

Trong số 33 ngành nghề mà doanh nghiệp mới này đăng ký kinh có nhiều nét tương đồng với các ngành nghề kinh doanh trước đó của Tập đoàn Lã Vọng khi đều tập trung vào các lĩnh vực như bất động sản, xây dựng, kinh doanh nhà hàng, dịch vụ đồ uống, vận tải biển...

Riêng Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Tài chính Việt Nam có thêm một số lĩnh vực mới mà Lã Vọng không có, bao gồm tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, dịch vụ quản lý bất động sản,...

Chưa biết doanh nghiệp mới của ông Vọng sẽ hoạt động như thế nào trong thời gian tới, nhưng với những ngành nghề kinh doanh đăng ký có thể thấy, doanh nghiệp này vẫn sẽ tập trung vào hoạt động kinh doanh bất động sản.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.