17/09/2024 11:20 AM
Takashimaya lên kế hoạch lấn sân sang mảng bán lẻ cao cấp với tham vọng tăng gấp đôi lợi nhuận tại Việt Nam vào năm tài chính 2027.

Takashimaya đặt mục tiêu tăng doanh số tại cửa hàng ở TPHCM lên mức chỉ đứng sau chi nhánh Singapore, cửa hàng chính ở nước ngoài của hãng. Ảnh: Nikkei

Takashimaya - chuỗi cửa hàng bách hóa của Nhật Bản sẽ tham gia thị trường bán hàng “ngoài cửa hàng” vào năm tới với mục tiêu mở rộng mạng lưới khách hàng doanh nghiệp và cá nhân giàu có, theo nguồn tin từ Nikkei.

Tập đoàn Nhật Bản tham vọng tăng gấp đôi lợi nhuận tại Việt Nam vào năm tài chính 2027. "Thật khó nếu chỉ tham gia đầu tư các bất động sản thương mại ở thị trường nước ngoài. Takashimaya sẽ phát triển với nhiều hoạt động kinh doanh để tăng lợi nhuận", Chủ tịch Takashimaya, ông Yoshio Murata nói.

Takashimaya mở cửa hàng bách hoá đầu tiên tại TP.HCM vào năm 2016 tại Saigon Centre, chuyên cung cấp mỹ phẩm, quần áo trẻ em, bánh kẹo và các mặt hàng khác. Doanh số tám tháng đầu năm nay tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thay chỉ vì bán hàng tại cửa hàng như mô hình hiện tại, mô hình bán lẻ "ngoài cửa hàng" là thị trường bán lẻ ngoài các cửa hàng truyền thống, bao gồm các kênh như thương mại điện tử, giao hàng tận nhà, và bán hàng trực tiếp.

Takashimaya sẽ bắt đầu với việc củng cố cơ sở khách hàng là các nhà quản lý doanh nghiệp thông qua hoạt động bán hàng ngoài cửa hàng, chủ động kêu gọi khách hàng đặt hàng. Công ty cũng sẽ cân nhắc thiết lập một dịch vụ tương tự cho những cá nhân giàu có.

Theo Nikkei, tiêu dùng cá nhân dự kiến ​​sẽ tăng trưởng ở Việt Nam nhưng có rất ít nhà bán lẻ cung cấp hàng hóa cao cấp trong nước. Các cửa hàng bách hóa có kế hoạch mở rộng cơ hội bán hàng bằng cách thiết lập hệ thống bán hàng, nhận đơn hàng cho khách hàng doanh nghiệp và tìm cách đáp ứng nhu cầu về quà tặng cùng các thiết bị văn phòng.

Như thời điểm hiện tại, cửa hàng tại Saigon Center, TP.HCM đang quy tụ khoảng 200 khách hàng doanh nghiệp, với nhu cầu cao đối với sản phẩm bánh trung thu trong dịp Tết Trung thu hàng năm.

Tuy nhiên, không giống như ở Nhật Bản, nơi các cửa hàng bách hóa tập trung và đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng doanh nghiệp, cửa hàng tại Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng hết mạng lưới khách hàng của mình.

Ông Yuki Hojo, Tổng giám đốc Takashimaya TP.HCM cho biết công ty muốn hiểu được nhu cầu của tầng lớp giàu có trong khu vực doanh nghiệp và tạo ra các mối liên kết trước khi tính đến việc chuyển đổi phân khúc khách hàng trong tương lai.

Kế hoạch mở rộng của Takashimaya được tiết lộ trong bối cảnh ngành bán lẻ cho thấy sự phục hồi tích cực hơn trong xu hướng chung của nền kinh tế. Theo đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa nửa đầu năm 2024 ước đạt gần 2.400 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tỷ lệ tăng cao doanh thu ngành bán lẻ hàng hóa được ghi nhận tăng mạnh ở các thành phố lớn Quảng Ninh tăng 9,5%, Hải Phòng tăng 9%, Đà Nẵng tăng 7,8%, Cần Thơ tăng 7,6%, Hà Nội tăng 6,6%, và TP. Hồ Chí Minh tăng 6,3%.

Triển vọng tăng trưởng cũng được kỳ vọng tích cực trong nửa cuối năm dựa trên sự đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, niềm tin và sức mua của người tiêu dùng cũng có thể cải thiện rõ rệt, nhờ vào hiệu quả rõ ràng của các chính sách vĩ mô như môi trường lãi suất thấp hay miễn giảm thuế VAT 2% đến hết năm. Takashimaya là một trong những thương hiệu bán lẻ quần áo có lịch sử lâu đời nhất tại Nhật Bản, vốn bắt đầu chỉ từ một gian quần áo nhỏ được mở vào năm 1831 tại Kyoto.

Tính đến nay, Takashimaya đã mở cửa và phát triển hơn 20 trung tâm thương mại tại các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.