Không tính đến hiệu quả hoạt động kinh doanh chính thì tỷ giá USD tăng là nguyên nhân gây lỗ tài chính nhiều nhất cho Hòa Phát trong năm 2022.

Tỷ giá dự báo sẽ ổn định từ nay đến cuối năm

Các dữ liệu thống kê thị trường của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho thấy, tỷ giá từ đầu năm 2023 biến động quanh mức 23.240 - 23.630 đồng/USD, biên độ 1,9%, ổn định hơn nhiều so với năm 2022 có lúc đỉnh điểm lên tới 24.692 đồng/USD, tăng 4,2% so với tỷ giá trung tâm.

Tỷ giá dự báo sẽ ổn định từ nay đến cuối năm

Tính tới tháng 6/2023, tỷ giá USD/VND đã giảm khoảng 0,52% so với đầu năm 2023 nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ thặng dư cán cân thương mại, dòng vốn FDI giải ngân, du lịch quốc tế hồi phục và một phần nhờ đồng USD yếu đi.

Yuanta cho rằng, giai đoạn tỷ giá biến động mạnh trong nửa cuối 2022 đã đi qua, tỷ giá trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ tiếp tục ổn định, biến động trong biên độ 3%, dưới mức biên độ theo Ngân hàng Nhà nước quy định 5%.

Theo đó, tỷ giá ổn định trở lại sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước ưu tiên ổn định lãi suất, xem xét mua ngoại tệ tăng cung tiền ra nền kinh tế. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp có nợ ngoại tệ lớn giảm thiểu rủi ro tỷ giá, các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ lớn có thể sẽ hoàn nhập dự phòng một phần khoản lỗ tỷ giá dù tỷ giá USD/VND đã tạo mặt bằng mới cao hơn so với bình quân năm 2022.

Đối với các doanh nghiệp có các khoản vay bằng ngoại tệ và các hoạt động nhập khẩu, diễn biến thị trường này là một tin tức đáng mừng.

Hòa Phát với dư nợ ngoại tệ lớn có bớt khó?

Trong danh sách 25 doanh nghiệp có dư nợ USD lớn của Chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa công bố mới đây, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long là một trong số các doanh nghiệp ghi nhận lỗ nặng do chênh lệch tỷ giá.

Hòa Phát giảm nợ nước ngoài xuống 500 triệu USD tại cuối quý 1/2023

Năm 2022, Hòa Phát vay nợ gần 722 triệu USD, chiếm 29% tổng nợ vay. Theo đó, doanh nghiệp đầu ngành thép này "ngậm ngùi" lỗ hơn 334 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá trong năm vừa qua.

Tuy nhiên, Yuanta cho rằng các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ lớn như Hòa Phát có thể sẽ hoàn nhập dự phòng một phần khoản lỗ tỷ giá dù tỷ giá USD/VND đã tạo mặt bằng mới cao hơn so với bình quân năm 2022.

Thời gian trước đây, doanh nghiệp thép này vay lượng lớn bằng ngoại tệ do lãi suất thấp. Tuy nhiên trong năm 2022, lãi suất vay USD tăng nhanh hơn so với lãi suất vay Đồng Việt Nam, mức chênh lệch giữa lãi suất không còn đủ lớn để bù đắp rủi ro tỷ giá nên doanh nghiệp của ông Trần Đình Long đã trả bớt nợ bằng ngoại tệ.

Nguồn: BCTC quý 1/2023 Hòa Phát

Trong 3 tháng đầu năm 2023, Hòa Phát đã hạ dư nợ vay nước ngoài từ 700 triệu USD xuống còn hơn 500 triệu USD. Tỷ trọng vay USD trong tổng nợ vay theo đó cũng giảm từ 29% xuống còn 21%.

Hoạt động của Hòa Phát có đặc điểm là nguyên vật liệu chủ yếu đến từ nhập khẩu, sản phẩm đa phần tiêu thụ trong nước, có nợ vay nước ngoài đáng kể. Những nhân tố này khiến tập đoàn luôn luôn có phải trả nguyên tệ USD ròng. Trong điều kiện tỷ giá tăng, Hòa Phát đối mặt rủi ro cao về thua lỗ từ chênh lệch tỷ giá và ngược lại.

Hiện tại, biên độ dao động của tỷ giá USD trong quý đầu năm nay đã hẹp lại đáng kể so với năm 2022, hạ thấp rủi ro về tỷ giá cho Hòa Phát. Tính đến hết quý 1/2023, Hòa Phát ghi nhận khoản lãi thuần về chênh lệch tỷ giá hối đoái là 69 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này cho biết, khi lãi suất đồng USD tăng và dự kiến chưa giảm trong ngắn hạn, Hòa Phát vẫn ưu tiên dành tỷ trọng lớn hơn cho các khoản vay bằng Đồng Việt Nam. Việc giữ tỷ trọng nợ vay ngoại tệ USD ở mức độ vừa phải giảm rủi ro tỷ giá, đồng thời giảm nhẹ gánh nặng về chi phí lãi vay.

Bên cạnh việc giảm tỷ trọng vay ngoại tệ USD, tăng cường xuất khẩu cũng là một trong những phương hướng được Hòa Phát đưa ra để ứng phó với biến động tỷ giá.

Hiện tại, thép Hòa Phát đã được xuất khẩu đến 25 quốc gia như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia... Việc mở rộng thị trường xuất khẩu một mặt làm tăng sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát, mặt khác làm tăng nguồn doanh thu USD để cân bằng hơn về cán cân ngoại tệ, giảm bớt rủi ro tỷ giá.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Nhân vật tiêu điểm