Từ 2 năm nay, cứ vào giờ cao điểm đi lại buổi sáng là CSGT quận 9, TP HCM phải bố trí ít nhất 2 cán bộ, chiến sĩ để điều tiết giao thông ở lối ra vào khu dân cư Gia Hòa, phường Phước Long B, bởi tình trạng kẹt xe đang diễn ra trầm trọng.
Đường thoát chưa đủ, cư dân đã lấp đầy
Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn khu dân cư trên hiện có gần 5.000 người sinh sống nhưng chỉ có một cổng kết nối với đường Nguyễn Đình Thi, trong khi theo quy hoạch, phải có đến 3 cổng thoát, nằm ở các hướng khác nhau.
Không chỉ mới có một cổng ra, khu dân cư Gia Hòa còn bị ngăn cách với khu dân cư Khang Điền bằng rào chắn dù hoàn toàn có thể kết nối
Nhiều con đường kết nối của khu dân cư Miếu Nổi chưa thể thông vì vướng mặt bằng
Ông Lê Minh Thành (43 tuổi, cư dân khu dân cư Gia Hòa) cho biết mỗi sáng, ông và các thành viên trong gia đình phải mất hơn 10 phút để di chuyển từ nơi ở ra trục đường chính dù đoạn đường chỉ dài 100 m. Đó là chưa kể khi ra đến đường Nguyễn Đình Thi lại bị thêm một lần kẹt vì con đường vốn đã nhỏ hẹp lại bị các hộ dân 2 bên đường lấn chiếm để mua bán nên kẹt xe triền miên.
"Khi mua căn hộ, được tư vấn khu dân cư có nhiều đường kết nối nhưng đến lúc ở mới té ngửa. Khổ nhất là mỗi lần đưa con đi học, trường nằm ở khu dân cư Khang Điền, cách nơi ở chỉ vài chục bước chân, vậy mà 2 khu dân cư bị ngăn cách bởi hàng rào sắt. Cha mẹ mỗi khi đưa con đi học phải chạy đường vòng, gặp cảnh kẹt xe. Quá khổ, cư dân nơi đây liên tục phản ánh hạ tầng kết nối vì sao chưa thực hiện nhưng không nhận được câu trả lời" - ông Lê Minh Thành bức xúc nói.
Tương tự, khu dân cư Miếu Nổi, quận Bình Thạnh, TP HCM hình thành đến nay đã hơn 20 năm nhưng hạ tầng kết nối vẫn chưa xong, khiến cư dân liên tục cầu cứu. "Theo quy hoạch, khu dân cư sẽ kết nối với rất nhiều trục đường nhưng hiện có đến 3 hướng chưa thể kết nối" - ông Nguyễn Thành Huy nói và cho hay ùn tắc diễn ra quanh khu dân cư là điều ai cũng thấy.
Còn khu dân cư Hoàng Hải, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM, theo quy hoạch có 4 con đường kết nối 4 hướng khác nhau. Nhưng nay đã có hàng ngàn người vào ở nhưng hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa hoàn chỉnh. Duy nhất con đường nối ra đường Phan Văn Hớn nhưng đường này vẫn còn hẹp, hư hỏng nặng. Mới đây nhất, người dân lo lắng tình trạng cướp giật nên bỏ tiền túi trang bị đèn chiếu sáng để thuận lợi việc đi lại lúc đêm hôm.
Đặc biệt, ở cụm dân cư Cao Lỗ, quận 8, TP HCM, dù người dân đã định cư hơn 6 năm nhưng trục đường kết nối sang đường Nguyễn Văn Linh vẫn còn nằm trên giấy. Áp lực giao thông đè lên cầu Chữ Y vào khung giờ cao điểm. Cụm dân cư gần như bị cô lập, chỉ có một lối ra vào gây bức xúc không chỉ cho cư dân nơi đây.
Do làm ngược
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9, thừa nhận tình trạng kẹt xe ở lối ra vào khu dân cư Gia Hòa càng lúc càng nghiêm trọng. Đặc biệt, việc đưa đón học sinh tại Trường THPT Phước Long và Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi gặp rất nhiều khó khăn.
Theo quy hoạch, khu dân cư này có rất nhiều đường kết nối. Cụ thể, có 2 đường kết nối ra đường Đỗ Xuân hợp lần lượt là đường Nguyễn Đình Thi và Huy Cận; có 3 đường kết nối ra đường Dương Đình Hội gồm đường Xuân Quỳnh, Út Trà Ôn và đường số 6. Thế nhưng nhiều năm qua, khi chủ đầu tư (Công ty TNHH XD-KD Nhà Gia Hòa) làm xong khu dân cư và cho dân vào ở thì chỉ có một con đường thoát duy nhất.
Trước tình trạng trên, theo ông Hoàng Minh Tuấn Anh, UBND quận 9 chỉ có thể điều chỉnh phương án giao thông, cấm ôtô lưu thông ra vào khu dân cư trong giờ cao điểm. Riêng việc giữa khu dân cư Gia Hòa và khu dân cư Khang Điền dù đã có đường kết nối nhưng vẫn dùng vách ngăn tạm cấm phương tiện qua lại, UBND quận 9 đã đề nghị chủ đầu tư thực hiện đúng các quy hoạch được duyệt, sớm bàn giao hạ tầng cho cơ quan chức năng trực tiếp quản lý.
Trong khi đó, tại khu dân cư Miếu Nổi, khảo sát mới nhất từ Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho thấy phần lớn các con đường giao thông nơi đây chưa được bàn giao cho chính quyền quản lý, nhiều nơi ngập nước, xuống cấp. Thậm chí công viên cây xanh bị "hô biến" thành bãi giữ xe. "Chủ đầu tư không thực hiện giải tỏa ngay từ đầu, đến nay giá trị đất tăng cao. Khả năng khó thực hiện được theo quy hoạch" - Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM nhận định.
Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cho biết các khung pháp lý ban hành chặt chẽ nhưng việc giám sát kiểm tra chưa tốt, xảy ra tình trạng nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà ở, đất nền để bán trước và làm hạ tầng sau. Đây là cách làm ngược so với các nước trên thế giới khiến nhiều chủ đầu tư "cù nhầy" không bàn giao hạ tầng hoặc nghiệm thu sơ sài.
Có thể khởi kiện chủ đầu tư Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết việc giao trách nhiệm xây dựng hạ tầng cho chủ đầu tư là chủ trương đúng, nhằm giảm chi ngân sách nhà nước. Thế nhưng, một số chủ đầu tư vì lợi ích, chỉ chăm chăm vào làm dự án để bán và thu tiền, trong khi mức phạt hành chính hiện nay vẫn còn thấp so với lợi nhuận có được cho nên các chủ đầu tư vẫn chây ì không thực hiện kết nối. Vì vậy, TP HCM cần quy định một cách chặt chẽ hơn, nếu chủ đầu tư không chịu làm hạ tầng như cam kết thì UBND TP và các sở, ngành được phép "tuýt còi" bằng cách sẽ không cho doanh nghiệp đó tiếp tục đầu tư, thực hiện các dự án khác trên địa bàn. Muốn tiếp tục làm dự án khác phải nghiệm thu dự án cũ. "Đặc biệt, cư dân có quyền khởi kiện chủ đầu tư với hành vi không thực hiện đúng quy hoạch, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của mình" - luật sư Nguyễn Tri Đức nhấn mạnh. |