Trong khi đó, quy chế bảo tồn công trình kiến trúc, biệt thự cổ tại TPHCM sau 20 năm nghiên cứu đến nay vẫn chưa ra đời.
Đua nhau xuống cấp
Căn biệt thự cổ ở số 237 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TPHCM) có diện tích trên 100m2 được thiết kế theo kiến trúc châu Âu rất đẹp. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng cả trăm năm, phần móng biệt thự bong tróc, các bức tường nứt toác, nhiều cột hư hỏng. Ông Lê Thành Công (82 tuổi) cho biết đã sử dụng biệt thự từ hàng chục năm trước. Hiện nay, gia đình nơm nớp lo sợ vì công trình đang xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn, nhưng chưa được phép sửa chữa, bảo tồn.
Căn biệt thự dưới chân cầu vượt Cây Gõ (quận 6) có nền nhà, mái ngói đã bong tróc, nguy cơ sập mái bất cứ lúc nào. Chủ nhân một biệt thự cổ tại quận Bình Thạnh cho biết đã xin phép sửa chữa, cải tạo từ nhiều năm trước nhưng chưa được xem xét giải quyết vì công trình thuộc diện bảo tồn, phải có ý kiến của nhiều cơ quan như xây dựng, kiến trúc, văn hóa …
Dọc tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông có hàng chục nhà cổ đang xuống cấp từng ngày. Ông Nguyễn Hoàng Dân (60 tuổi, ngụ số 47, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, quận 5) cho biết, tòa nhà ông ở được chuyển đổi công năng thành chung cư. Mỗi tầng được chia thành nhiều phòng, nhưng chỉ có một nhà vệ sinh bên ngoài. Nhiều bức tường bị ngăn, cơi nới khiến kết cấu nhà bị thay đổi và nhiều vết nứt xuất hiện, chạy dọc bức tường từ trên xuống dưới.
Cũng trong tình trạng ở không được mà đập cũng không xong là nhà của bà Giang Thị Loan (50 tuổi, chủ nhà số 106, đường Hải Thượng Lãn Ông). Bà đến ở ngôi nhà này cách đây hơn 30 năm. Bà Loan cho biết, trần nhà trước đây được làm bằng trấu và rơm trộn lại, nên nhiều mảng bong tróc, rơi xuống. Hiện tại, bà có nhu cầu đập đi để xây lại nhà mới, nhưng chưa được phép.
Theo kiến trúc sư Mai Lê Minh, chuyên viên Trung tâm Bảo tồn di tích (Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM), TPHCM hiện còn hơn 1.000 biệt thự, nhà cổ từ thời Pháp để lại, trong đó tập trung ở trung tâm thành phố như quận 1, 3, 5... UBND TPHCM đang lập dự án nghiên cứu về những căn biệt thự này để có phương án sửa chữa, khắc phục. Tại cuộc họp về bảo tồn biệt thự có giá trị kiến trúc ở TPHCM diễn ra mới đây tại Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết, trung bình mỗi tuần Sở nhận được 3 - 4 hồ sơ đề nghị có ý kiến về việc xây, sửa biệt thự.
Nghiên cứu rồi cất vào tủ?
Theo đại diện Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, quy trình thủ tục sửa chữa, tôn tạo biệt thự, kiến trúc cổ hiện nay rất nhiêu khê. Theo đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu thực địa, quan sát, đánh giá hiện trạng biệt thự rồi xin ý kiến Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM và khi Hội đồng đồng ý mới trình UBND TPHCM xem xét và quyết định từng trường hợp cụ thể. Cách làm trên mất nhiều thời gian, mang tính chủ quan. Trong khi đó, do chưa có tiêu chí phân loại bảo tồn, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ duy tu, nên người dân còn bức xúc.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, nhân dịp kỷ niệm Sài Gòn tròn 300 tuổi, UBND TPHCM đã giao kiến trúc sư Lê Quang Ninh đứng đầu một nhóm nghiên cứu chọn ra các công trình kiến trúc có giá trị cần bảo tồn. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát và đề xuất bảo tồn hơn 100 công trình kiến trúc cổ có giá trị, trong đó có nhiều biệt thự cổ. Công trình nghiên cứu được tặng bằng khen, nhưng sau đó không được đưa vào ứng dụng.
Đến năm 2005, vấn đề này được tái khởi động và giao cho PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nhưng cũng như lần trước, kết quả nghiên cứu và đề xuất của các nhà nghiên cứu về quản lý biệt thự không được ứng dụng. Đến nay, TPHCM vẫn chưa có quy chế về bảo tồn biệt thự cổ.
Tại hội thảo về bảo tồn biệt thự cổ mới đây, nhiều chuyên gia đề xuất UBND TPHCM cho khảo sát và chia các biệt thự cổ tại TPHCM làm 3 nhóm. Theo đó, nhóm 1 là các công trình rất có giá trị, cần bảo vệ nguyên trạng. Nhóm 2: có giá trị và sẽ bảo vệ một phần hiện trạng. Nhóm 3: ít có giá trị và sẽ được tháo dỡ.
Tháo dỡ 29 biệt thự cổ
UBND TPHCM vừa chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về việc tháo dỡ 29 biệt thự không thể nghiên cứu bảo tồn. Trong đó, 17 trường hợp không còn là biệt thự gốc do đã bị phá bỏ, hiện chỉ là khu đất trống hoặc công trình khác; 12 trường hợp vẫn còn nhận biết được, nhưng đã bị chia cắt, có nhiều chủ sở hữu với pháp lý sở hữu riêng trên từng diện tích nhà đất trong khuôn viên biệt thự cũ, bị xây dựng thêm hoặc bị sửa chữa chắp vá, mất tính đồng bộ.
Hữu Huy