Kẻ ra đi, người xông vào
Bán lẻ điện máy luôn được đánh giá là thị trường béo bở nhưng cũng đầy hiểm nguy, bởi vậy mặc dù liên tiếp có những tên tuổi mới tham gia lĩnh vực này nhưng cũng không ít kẻ phải dời đi trong thất bại cay đắng. Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm đều có một thương hiệu lớn bị xóa sổ, mới nhất là Top Care, thương hiệu từng đình đám một thời.
Theo đó, VinPro sẽ gồm 2 mô hình kinh doanh là VinPro và VinPro+ hoạt động trên toàn quốc. Với mô hình VinPro sẽ là các trung tâm bán lẻ Công nghệ - Điện máy nằm trong những trung tâm thương mại thuộc hệ thống của Vincom. Còn VinPro+ là chuỗi các cửa hàng nằm rải rác tại các tỉnh và thành phố lớn.
Ngày 21/3, VinPro đồng loạt khai trương 4 điểm bán hàng đầu tiên tại 4 trung tâm thương mại của Vingroup. Ở TP Hồ Chí Minh sẽ gồm các điểm tại Vincom Đồng Khởi và Vincom Thủ Đức, ở Hà Nội sẽ nằm tại 2 địa điểm là Vincom Royal City và Vincom Times City.
VinPro liệu sẽ thành công ?
Nhìn vào những thương hiệu đã từng thất bại trong thị trường điện máy như Top Care, HomeOne ... các nguyên nhân chính đều bắt nguồn từ việc thiếu vốn lấy sản phẩm và phí thuê mặt bằng bán hàng. Đây cũng là những điểm quyết định đến "độ tuổi" một đơn vị điện máy có thể tồn tại trên thị trường.
Nếu chỉ tính riêng trong 2 yếu tố này thì VinPro hiển nhiên sẽ là cái tên sáng giá nhất của thị trường điện máy hiện nay. Với tiềm lực tài chính khổng lồ của Vingroup, trong giai đoạn phát triển đầu tiên của mình, VinPro sẽ không hề phải lo lắng về vốn nhập hàng cũng như liên tiếp mở rộng mạng lưới, đi kèm với đó là triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá ở mức "khủng" để "dìm" các đối thủ khác.
Về địa điểm bán hàng, đây chắc chắn cũng là lợi thế mà tất cả các đối thủ hiện tại ở thị trường điện máy không thể so sánh với VinPro. Đặc biệt khi mô hình bán lẻ này sẽ tập trung tọa lạc tại các trung tâm thương mại có chủ sở hữu là tập đoàn Vingroup.
Ngoài ra, với mô hình bán lẻ điện máy qua hình thức online hiện đang được nhiều thương hiệu trong lĩnh vực này triển khai thành công thì lợi thế cũng thuộc về VinPro. Bởi ngoài các lĩnh vực bất động sản, tài chính ... Vingroup hiện cũng đang là một trong những cái tên dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam, điều mà các thương hiệu bán lẻ điện máy khác đều không có hoặc hiệu quả triển khai thực tế kém quá xa.
Mặc dù có nhiều lợi thế những điều đó cũng không thể khẳng định VinPro sẽ thành công trong lĩnh vực bán lẻ điện máy bởi thị trường này cũng còn khá nhiều nguy cơ tiềm tàng, ảnh hưởng trực tiếp tới sự hưng suy của một thương hiệu.
Đầu tiên phải nói tới sự cạnh tranh đã vô cùng khốc liệt đến từ các thương hiệu đã có tên tuổi trong cùng lĩnh vực như Pico, Thegioididong ... Hay mới đây nhất là đối thủ cực kỳ đáng gờm, Nguyễn Kim sau khi nhận được đầu tư từ Tập đoàn Central Group của Thái Lan. Chắc chắn những cái tên này sẽ không để VinPro thoải mái tung hoành trong "nồi cơm" của mình.
Ngoài ra theo ông Nguyễn Đức Tài-Tổng giám đốc của Thegioididong cũng từng đưa ra đánh giá, việc bán lẻ điện máy kết hợp cùng trung tâm thương mại, mô hình hiện được VinPro tập trung triển khai, vẫn chưa tạo được thành công ở Việt Nam. Các doanh nghiệp thử nghiệm mô hình này đều chưa có được doanh thu khả quan, ông Tài cho biết thêm.
Mặt khác với mô hình VinPro+, mở chuỗi các cửa hàng tại các tỉnh và thành phố lớn, về lâu dài VinPro sẽ lại quay về với bài toán tiền thuê mặt bằng, một trong những nguyên nhân chính từng khiến nhiều thương hiệu trong ngành này thất bại.
Như vậy có thể thấy nếu khắc phục được những điểm yếu trong mô hình kinh doanh của chuỗi VinPro+ mà các doanh nghiệp bán lẻ điện máy khác của Việt Nam từng mắc phải thì chắc chắn trong tương lai VinPro sẽ là một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực này.