Điệp khúc nước bẩn
Điệp khúc mất nước, rồi nước nhiễm bẩn, ô nhiễm… thường xuyên diễn ra ở các khu chung cư, khu đô thị mới. Mới đây, nước sinh hoạt của các hộ dân ở chung cư CT7A của chung cư The Sparks Dương Nội (phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) lại thấy đỏ quạch và theo phản ánh của người dân, nước sinh hoạt của họ thường xuyên không trong. Anh Trần Văn Xuất phản ánh, thường vẩn đục khi sử dụng và đóng cặn vàng khi đun sôi.
Trạm cấp nước sạch Mỹ Đình.
Cư dân khu chung cư 15T1 tại 310 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng nhiều khi phải dùng nước vẩn đục. Ông Vũ Tiến Sửu, cư dân tòa nhà chung cư 15T1 chia sẻ: “Đây không phải là lần đầu tiên nước ở chung cư này bị nhiễm bẩn như vậy. Để khắc phục tình trạng nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, ban quản lý tòa nhà đã tiến hành thau bể định kỳ nhưng chỉ được một thời gian, tình trạng nhiễm bẩn lại diễn ra”.
Tương tự, khu chung cư Xa La (Hà Đông), sau mất nước là vấn đề nước sinh hoạt bẩn, rồi giá nước tăng đột biến. Bác Nguyễn Văn Thủy ở khu đô thị Xa La cho biết, từ sau khi đường nước sông Đà bị vỡ, chất lượng nước không như trước. “Nước đục, bẩn khiến chúng tôi nơm nớp khi phải dùng. Ai cũng lo lắng khi biết kết quả mẫu nước tại đây bị ô nhiễm, chứa nhiều asen (thạch tín), Amoni cao gấp 2,5 lần”, bác Nguyễn Văn Thủy khẳng định.
Điều đáng nói là khi báo lên ban quản lý khu chung cư, thường không nhận được câu trả lời thích đáng, nên các hộ tự lấy mẫu đi phân tích và từ đó nhờ công luận lên tiếng, mới được Ban quản lý chung cư giải quyết. Đồng thời, do không yên tâm về nguồn nước, nên nhiều hộ gia đình đã phải đi mua nước từ các xe nước chở đến khu đô thị, thậm chí phải mua nước đóng chai về dùng.
Tăng cường giám sát định kỳ
Liên quan đến chất lượng nguồn nước sạch tại các chung cư, khu đô thị tại Hà Nội bị người dân phàn nàn thời gian gần đây, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Việc bảo đảm chất lượng nước sạch tới người dân phải bao gồm cả chuỗi, từ nguồn khai thác đến truyền dẫn. Đối với chung cư có thêm khâu trung gian là khâu vận hành phân phối từ bể tích nước chung tại tòa nhà. Với một số khu đô thị, chủ đầu tư xây trạm cung cấp nước riêng.
Vệ sinh tại trạm cấp nước.
Hiện khu vực nội thành Hà Nội do 3 đơn vị cung cấp chính là Công ty nước sạch Hà Nội, Công ty nước sạch Hà Đông, và Công ty nước sạch Vinaconex (Viwaco). Về nguồn nước, chỉ có Viwaco khai thác nước mặt sông Đà, còn lại vẫn khai thác nguồn nước ngầm. Đánh giá chung, thì việc xử lý nước tại các trạm xử lý nước sạch tại các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Theo đại diện Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, nguồn nước khi xử lý tại nhà máy nước được đi kiểm tra định kỳ.
Vì vậy vấn đề là ở hệ thống truyền dẫn nhiều nơi vẫn còn trong tình trạng xuống cấp. Một số đơn vị khi thi công các công trình ngầm, người dân khi cải tạo đã tác động vào hệ thống truyền dẫn nước khiến chất lượng nước bị ảnh hưởng. Do đó, bên cạnh công tác kiểm tra rà soát, công ty nước sạch Hà Nội phối hợp với thanh tra Sở Xây dựng xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.
“Tại các khu chung cư, chất lượng nguồn nước còn liên quan đến việc vận hành, phân phối qua bể tích nước. Những vụ việc tại các khu chung cư gần đây như Nam Đô, Xa La cho thấy nguồn nước sinh hoạt phụ thuộc vào quy trình xử lý, vệ sinh các bể tích nước chưa đạt tiêu chuẩn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có bể tích nước chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, cộng đồng mà chủ yếu chủ đầu tư báo cáo sao thì biết vậy. Do đó cần có sự tham gia của cộng đồng trong việc vệ sinh, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị của hệ thống cung cấp nước sạch trong tòa nhà”, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết.
Còn đại diện Công ty nước sạch Hà Đông cho biết, từ phản ánh của người dân về chất lượng nước, công ty đã tăng cường kiểm soát chất lượng bởi nguồn nước ngầm do đơn vị khai thác có hàm lượng Amoni và có giải pháp xử lý để chất lượng nước trong tầm kiểm soát.
“Việc lấy mẫu nước cần phải bảo đảm đúng các quy trình kỹ thuật mới đưa ra được một kết quả chính xác nhất. Vì vậy, kết quả người dân cung cấp sẽ là một cơ sở để các công ty nước sạch xem xét, xử lý. Trước kiến nghị của người dân, công ty phối hợp với các cư dân và cơ quan truyền thông cùng lấy mẫu nước để đi kiểm nghiệm”, đại diện công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội cho biết.
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), thực tế khi xây dựng khu đô thị, đơn vị không muốn xây dựng trạm cấp nước sạch bởi như vậy sẽ tăng chi phí đầu tư. Tuy nhiên, khi làm công văn đề nghị công ty nước sạch cung cấp nước cho khu đô thị thì bị từ chối vì công ty` không đủ năng lực. Do vậy, để bảo đảm nhu cầu nước nên khu đô thị, đơn vị đầu tư trạm cấp nước. “Khai thác nguồn nước ngầm chịu nhiều yếu tố tác động, là chủ đầu tư, chúng tôi rất mong có nguồn nước ổn định từ các công ty cấp nước sạch thành phố”, đại diện HUD chia sẻ.
Về chất lượng nguồn nước sạch, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, ngoài việc cung cấp đầy đủ nước cho nhân dân thì chất lượng nước cũng được thành phố coi trọng. Khi nhận thông tin khu chung cư dùng nước không bảo đảm an toàn, thành phố đã xử lý ngay và yêu cầu các đơn vị chức năng có giải pháp khắc phục, cung cấp nước sạch.