Ở Sitio Pariahan, ngôi làng ven biển của Philippines, người dân sống trong các túp lều tre dựng cột chống ngày càng cao để chống chọi nước biển dâng không còn thấy mặt đất.

Fernando Siringan, chuyên gia về biến đổi khí hậu, cho biết một số khu vực đồng bằng phía bắc Manila đang thay đổi nhanh chóng vì đất lún và nước biển dâng cùng lúc. "Những gì được dự kiến 50 năm hoặc 100 năm kể từ bây giờ cho nhiều nơi trên toàn cầu đang thực sự xảy ra với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn", ông nói với Reuters.

Danica che mặt cho khỏi nắng khi đi thuyền từ trường về nhà. Danica Martinez, 16 tuổi, lớn lên trong ngôi nhà phải nâng cao hơn cứ sau vài năm. Cha cô dựng cột chống cho túp lều tre của họ để nước từ biển không chảy xuống sàn. Họ sống ở Sitio Pariahan, ngôi làng ven biển ở Philippines từng là hòn đảo và hiện không có đất.

Nhà thờ ngập nước một phần nằm giữa ngôi trường đổ nát và những túp lều tre dựng cột chống. Sitio Pariahan, cách khoảng 17 km về phía bắc Manila, đang chìm khoảng 4 cm mỗi năm, chủ yếu do lún đất vì người dân lạm dụng nước ngầm, theo các chuyên gia.

Một phụ nữ bơm nước từ giếng của làng. Giếng sâu là nguồn nước duy nhất, nơi người dân sử dụng để tắm rửa, nấu ăn và thậm chí để uống. Mực nước biển dâng lên do sự nóng lên toàn cầu có thể sớm khiến ngôi làng này không thể tồn tại, một vấn đề mà các quốc gia khác ở châu Á phải đối mặt, nơi các cộng đồng nghèo nhất bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bà Nancy Manalaysay, 54 tuổi, người chăm sóc nhà thờ, chèo thuyền ra khỏi nhà thờ ngập nước. Sân chơi đã bị nhấn chìm hoàn toàn, còn nhà thờ từng tràn ngập tín đồ giờ phủ đầy rêu. Phần lớn sự tàn phá xảy ra khi cơn bão Nesat tràn tới vào năm 2011, mang theo sóng cực lớn. Những túp lều lần lượt chìm xuống biển, mọi người phải bám vào cọc tre. Hơn 50 gia đình đã rời đi và không bao giờ quay trở lại.

Gia đình Martinez quây quần bên nhau trên mái chòi nhà họ. Các tấm pin mặt trời được lắp đặt trên nhiều mái nhà để lấy điện, chủ yếu để các gia đình xem tivi chung. Vào những ngày điện yếu, cư dân giải trí bằng cách đánh bạc.

Domingo Martinez chở hai cô con gái Danica và Cindy đến trường bằng thuyền. Chị em nhà Martinez mất 30 phút đi thuyền đến trường, với đồng phục đôi khi ướt đẫm vì sóng đánh. "Nhìn có vẻ đáng sợ nhưng chúng tôi đã quen sống thế này. Nó khó khăn nhưng cũng vui", cô bé nói với Reuters.

Vợ chồng Martinez dựa vào con thuyền để kiếm sống. Mary Jane Martinez, vợ của Domingo, bán cua bắt được ở chợ của thị trấn. Cô cho biết cuộc sống ở làng ngày càng khó khăn nhưng cô vẫn thích ở đây hơn vào thị trấn. "Nếu bạn làm việc chăm chỉ ở đây, bạn sẽ sống sót. Bạn chỉ phải nhảy xuống biển kiếm thức ăn. Ở đất liền, bạn có thể làm việc chăm chỉ mà vẫn không đủ ăn", cô nói.

Danica vẫn nhớ ngôi làng của họ lúc trước, với các các giải đấu bóng rổ và các bữa tiệc lớn nổi tiếng đến mức du khách từ các thị trấn gần đó sẽ đổ về để xem biểu diễn và ăn mừng tại nhà thờ.

Domingo nói rằng rời đi không phải là một lựa chọn vì không có nơi nào để đi. Họ từng cố gắng thuê căn hộ ở thị trấn gần đó nhưng sau đó đã quay trở lại. "Sinh kế của chúng tôi ở đây. Nếu bị buộc chuyển vào đất liền, sẽ rất khó để kiếm sống. Nếu chúng tôi trở thành người ăn xin ở đó thì sao?", anh nói.

Danica trở về nhà mang theo can nước cô bé bơm được từ giếng để sử dụng hàng ngày. Danica không thấy tương lai từ cuộc sống trên sóng nước. "Một ngày nào đó cháu cũng muốn rời đi và trải nghiệm sống ở đất liền như thế nào", cô bé nói.

Tuyết Mai (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.