Nền kinh tế trì trệ, hệ thống ngân hàng sẽ trì trệ và ngược lại
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2012 bằng 40% năm 2011. Năm 2013, kết quả kinh doanh của hệ thống được cải thiện, lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt trên 20.000 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, vẫn còn 24 trên tổng số 124 tổ chức tín dụng (TCTD) thua lỗ và 57 TCTD có lãi giảm so với cùng kỳ năm trước. Nợ xấu lớn, chi phí dự phòng rủi ro tăng đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các TCTD.
Vietinbank vừa công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2013 với khoản lãi sau thuế 3.171 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
MB đạt 968,65 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2013, lũy kế 6 tháng đạt 1.800,14 tỷ đồng.
BIDV đạt hơn 6.650 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong 6 tháng đầu năm, tăng gần 2,5 lần, nhưng do phải trừ đi một số chi phí và dự phòng rủi ro nên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TienPhong Bank cho biết, sau quá trình tái cơ cấu, Ngân hàng đã có tốc độ tăng trưởng cao ở hầu hết các chỉ tiêu. 6 tháng đầu năm 2013, TienPhong Bank đạt 172 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2012.
Vietcombank đạt 2.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn 6% so với cùng kỳ năm 2012 và bằng 47% mục tiêu năm 2013.
Lợi nhuận của Techcombank trong quý II/2013 chỉ đạt 194,16 tỷ đồng, trong khi quý II/2012 đạt 457,89 tỷ đồng, giảm 57,6%.
Đối với SHB, lợi nhuận trước thuế quý II/2013 đạt 183,07 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 400,68 tỷ đồng.
Còn khá nhiều TCTD không công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2013, nhưng theo tìm hiểu của ĐTCK, không ít ngân hàng chỉ hoàn thành được 20 - 30% kế hoạch năm. Thậm chí, Navibank lỗ 11,3 tỷ đồng trong quý II, nhưng lũy kế 6 tháng vẫn đạt 10,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 88,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Chủ tịch HĐQT một ngân hàng TMCP nhận xét: “Trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ như hiện nay, đầu ra khó khăn, nợ xấu, chi phí của ngân hàng không thể giảm nhanh…, đến cuối năm, sẽ còn nhiều ngân hàng tiếp tục báo lỗ. Đó là hiện tượng bình thường. Còn những con số lợi nhuận như trên cho thấy, bức tranh hệ thống ngân hàng có vẻ vẫn lạc quan”.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, nhiều ngân hàng có lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2013 không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh tế và ngay cả lãnh đạo ngân hàng. Nhưng việc ngân hàng thông báo lợi nhuận không khả quan có lẽ cũng gây ngạc nhiên, vì các ngân hàng trước kia luôn giữ thể diện, uy tín, đặc biệt luôn muốn có một báo cáo tài chính đẹp đối với các cổ đông. TS. Hiếu cho rằng, nếu tính nợ xấu thật sự, số ngân hàng báo lỗ sẽ cao hơn.
“Ngay các công ty kiểm toán quốc tế độc lập tại Việt Nam vẫn chưa đánh giá vấn đề nợ xấu một cách đúng mức, nên kể cả ngân hàng báo có lợi nhuận, chúng ta cũng không rõ độ chính xác của con số này đến đâu”, TS. Hiếu nói.
TS. Hiếu cho biết, các công ty kiểm toán quốc tế khi kiểm toán một ngân hàng Việt Nam dùng hai chuẩn mực: quốc tế và Việt Nam; trong nhiều trường hợp, hai chuẩn mực này không đồng nhất với nhau. Ví dụ, việc bán nợ của NHTM A cho NHTM B có cam kết mua lại thì đó vẫn là nợ của NHTM, vẫn phải đặt vào trong danh mục nợ xấu của NHTM cần được xử lý. Nhưng hình như các công ty kiểm toán quốc tế bỏ qua và xem như đây là một phần được các ngân hàng trong nước áp dụng, trở thành một thông lệ. Điều này đi ngược với các chuẩn mực kiểm toán quốc tế.
“Khi gặp sự xung đột giữa chuẩn mực quốc tế và ở Việt Nam thì các công ty kiểm toán quốc tế dường như đi tìm sự dung hòa nào đó và có thể làm mất đi tính chính xác của các dữ liệu thống kê, lệch bức tranh của hệ thống ngân hàng”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, hệ thống ngân hàng là trung gian của nền kinh tế, nếu lợi nhuận của hệ thống này giảm sút, thậm chí thua lỗ, thể hiện rõ nền kinh tế đang trong tình trạng trì trệ. Ngược lại, sự khởi sắc của hệ thống ngân hàng cũng đồng thời là sự khởi sắc của nền kinh tế.