24/08/2024 7:05 PM
“Cái lý của người giàu” phía sau phiên đấu giá đất “bất thường” ở Hà Nội; Giá nhà tăng cao tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an sinh xã hội; Lộ diện 10 lô đất “đắc địa” tại Bình Dương sắp được đấu giá; Đề xuất mở rộng cao tốc cửa ngõ Hà Nội và TP.HCM lên 10 – 12 làn xe... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

“Cái lý của người giàu” phía sau phiên đấu giá đất “bất thường” ở Hà Nội?

Tối 19/8, phiên đấu giá 19 thửa đất thuộc xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (TP. Hà Nội) chính thức bắt đầu. Đơn vị tổ chức đấu giá cho biết, đã có hơn 700 hồ sơ đăng ký đấu giá để sở hữu 19 lô đất này. Mức giá khởi điểm chỉ từ 7,3 triệu đồng/m2.

Phải mất hơn 19 tiếng, nghĩa là đến rạng sáng ngày 20/8, phiên đấu giá đặc biệt này mới kết thúc. Giá trúng cao nhất 133,3 triệu đồng/m2, thấp nhất 91,3 triệu đồng/m2. Mức chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá gấp 18 lần.

Ngay sau khi chứng kiến cảnh hàng trăm người thức trắng đêm để dành 19 thửa đất với giá cao ngất ngưởng. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là chiêu trò của đội nhóm, tạo sóng thị trường đầu cơ.

Ngay sau các phiên đấu giá, mặt bằng giá Bất động sản quanh khu vực cũng sẽ đẩy lên. Không ít người tham gia trong các cuộc đấu giá trước đó có thể đã “ôm” số lượng lớn đất ở đây. Đây là “chiêu” thường thấy trong các cơn sốt đất ảo.

Một nhà đầu tư cho biết, những phiên đấu giá đất với mức giá trên trời chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ các nhà đầu tư, đầu cơ. Tuy nhiên, hệ lụy để lại về lâu dài cho nhà nước, xã hội lại rất lớn.

Theo người này, thông thường các phiên đấu giá có mức giá trúng cao bất thường thì sau đó đa phần đều bỏ cọc. Điều này khiến các cuộc đấu giá gặp khó khăn, phải tổ chức lại nhiều lần, nhà nước không bán được đất để có nguồn lực đầu tư hạ tầng công cộng.

Giá nhà tăng cao tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an sinh xã hội

Sáng 23/8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường Bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” đã tổ chức phiên họp thứ 3.

Theo báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết chuyên đề giám sát, thị trường Bất động sản trong giai đoạn 2015 - 2023 đã có những bước phát triển về quy mô thị trường, số lượng, quy mô dự án Bất động sản và chủ thể tham gia, đa dạng về loại hình sản phẩm Bất động sản. Hoạt động kinh doanh Bất động sản có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước ở các địa phương; bổ sung nguồn cung nhà ở đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển của thị trường Bất động sản và công tác quản lý thị trường Bất động sản đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Theo đó, thị trường Bất động sản phát triển nhanh nhưng cơ cấu sản phẩm Bất động sản không hợp lý.

Hiện tại, giá nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đã tăng ở mức cao so với mức thu nhập trung bình của người dân, tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm về an sinh xã hội. Nhiều trường hợp không cấp được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho khách hàng do dự án Bất động sản gặp vướng mắc pháp lý.

Huế khởi công nhà máy hơn 6.400 tỷ đồng, cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động

Sáng ngày 23/8, Công ty cổ phần Kim Long Motor Huế và Công ty cổ phần YUCHAI đã khởi công nhà máy sản xuất chế tạo động cơ tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Khi nhà máy này đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ được bàn giao công nghệ tiên tiến, hiện đại để chủ động sản xuất động cơ ô tô và động cơ cho các ngành công nghiệp khác.

Theo đó, nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ Kim Long Huế thuộc khu công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Kim Long Motor, có tổng mức đầu tư 260 triệu USD (tương đương khoảng 6.493 tỷ đồng) chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 tập trung vào sản xuất, chế tạo các loại động cơ phục vụ nghành công nghiệp ô tô dự kiến đi vào hoạt động vào đầu quý 2/2025, mức độ tự động hóa lên đến 90%. Sản phẩm của nhà máy đa dạng các dòng động cơ: sử dụng trong sản xuất ô tô, động cơ thuỷ, động cơ cho máy phát điện, động cơ dùng sản xuất nông nghiệp và động cơ cho các máy dùng trong sản xuất các công trình dân dụng…

Giai đoạn 2 sẽ tập trung đầu tư sản xuất, chế tạo cầu, hộp số hệ thống truyền động xe ô tô.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, khu công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Kim Long Motor là dự án trọng điểm 600ha của tỉnh Thừa Thiên Huế và đang điều chỉnh vốn đầu tư 21.000 tỷ đồng.

Có nên chờ giá căn hộ giảm khi Luật thay đổi?

Theo dự án Luật mới được thông qua, Quốc hội cho phép 3 luật liên quan tới thị trường Bất động sản là: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó là 1/1/2025.

Chủ tịch VARS kỳ vọng, khi 3 luật mới có hiệu lực, nhiều dự án được tháo gỡ, nguồn cung sẽ được đẩy vào thị trường nhiều hơn. Từ đó, sẽ có nhiều sự lựa chọn về chung cư, chung cư mini, condotel, căn hộ nghỉ dưỡng, nhà ở chất lượng sẽ xuất hiện phong phú, giảm áp lực cung cầu, giá cả sẽ được điều chỉnh.

Cũng theo vị này, điều hành của Chính phủ sắp tới sẽ giúp cho thị trường có nhiều dự án mới, có vài nghìn sản phẩm chung cư được mở bán giải toả được cung cầu. Những khu vực nào trước đây có hiện tượng “bong bóng”, tăng “sốt ảo”, chắc chắn sẽ được điều chỉnh về với giá trị thực. Khi đó, cung cầu sẽ điều chỉnh và sẽ chấp nhận ở mức giá hợp lý.

Tuy nhiên, thị trường sẽ không có hiện tượng giảm giá, mà giá Bất động sản sẽ do nhu cầu của thị trường và chất lượng sản phẩm quyết định.

Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing cho rằng, khó có thể chờ đợi sản phẩm chung cư giảm giá khi cấu thành giá đầu vào như chi phí đất, thiết kế, xây dựng cảnh quan, tiện ích… đều tăng cao. Hiện nay, các chủ đầu tư có quỹ đất ra hàng được đang nằm trong các đại đô thị, với chi phí phát triển dự án tốn kém, do hạ tầng, tiện ích nhiều, kéo theo giá đầu vào của các sản phẩm căn hộ cao.

Lộ diện 10 lô đất “đắc địa” tại Bình Dương sắp được đấu giá

Năm 2024, sẽ thực hiện đấu giá 10 khu đất với tổng diện tích 8,3 ha. Các khu đất đấu giá năm 2024 gồm: khu đất Cục Hải quan tỉnh Bình Dương (0,26 hha) tại TP. Thủ Dầu Một; hai khu đất của Tổng công ty Sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương (564 m2 ) tại TP. Thuận An; khu đất Công ty Sobexco (2,35 ha) tại TP.Bến Cát;

Ku đất Tổng công ty Thương mại, xuất nhập khẩu Thanh Lễ (2,98 ha) tại TP.Dĩ An; khu đất Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Tấn Lợi (0,81 ha) tại TP. Thủ Dầu Một; khu đất Thanh tra Sở Xây dựng (0,04 ha) tại TP. Thủ Dầu Một;

Khu đất Trường Mầm non Châu Thới (0,41 ha) tại TP. Dĩ An; khu đất Khu dân cư thị trấn Dầu Tiếng (0,82 ha) và khu đất Khu dân cư thị trấn Dầu Tiếng - khu phía sau Công an huyện (0,61 ha) tại thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng.

Hiện nay, các thủ tục đang được thực hiện và tổ chức cuộc đấu giá các khu đất này trong quý IV/2024. Năm 2025, Bình Dương sẽ thực hiện đấu giá 17 khu đất với tổng diện tích 331,6 ha; giai đoạn 2026-2030, thực hiện đấu giá 11 khu đất với tổng diện tích 52,2 ha.

Cùng với việc đấu giá các khu đất công, Bình Dương sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 75 khu đất là 75 khu đô thị mới (kết hợp các điểm TOD) và khu vực phát triển đô thị với tổng diện tích 21.760 ha.

Đề xuất mở rộng cao tốc cửa ngõ Hà Nội và TP.HCM lên 10 – 12 làn xe

Cục Đường bộ Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, đơn vị này đề xuất mở rộng đoạn cao tốc Pháp Vân (Hà Nội) - Phú Thứ (Hà Nam) từ quy hoạch 8 làn xe thành 10-12 làn, trong đó đoạn Pháp Vân - vành đai 4 lên 12 làn xe, đoạn vành đai 4 - Phú Thứ lên 10 làn. Hiện cao tốc này có 6 làn xe. Được biết, đoạn Pháp Vân - Phú Thứ có lưu lượng xe lớn nhất khu vực phía Bắc, là cửa ngõ phía nam của Hà Nội, kết nối thủ đô với các tỉnh phía Nam, kết nối vành đai 4, vành đai 5, các trục Bắc - Nam.

Tại TP.HCM, đoạn cao tốc Bến Lức – Trung Lương cũng được đề xuất từ quy hoạch 6 làn xe thành 10-12 làn, trong đó đoạn Bến Lức - vành đai 4 lên 12 làn, đoạn vành đai 4 - Trung Lương lên 10 làn. Hiện cao tốc này khai thác 4 làn xe.

Đoạn Bến Lức - Trung Lương cũng là trục kết nối trung tâm có nhu cầu vận tải lớn nhất theo hướng Bắc - Nam để kết nối Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, là cửa ngõ phía nam của TP HCM.

Bên cạnh đề xuất mở rộng hai đoạn cao tốc trên, trong nội dung kiến nghị, Cục Đường bộ cũng đề nghị bổ sung bổ sung quy hoạch mới hai tuyến cao tốc, gồm Cà Mau - Đất Mũi và Quảng Ngãi - Kon Tum.

Trong đó, tuyến Cà Mau - Đất Mũi dài khoảng 90 km, quy mô 4 làn xe, dự kiến đầu tư sau năm 2030. Tuyến này chưa đưa vào hệ thống cao tốc Bắc Nam phía Đông để không ảnh hưởng đến mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2030.

Đối với cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum sẽ có chiều dài khoảng 136 km, quy mô 4 làn xe, dự kiến đầu tư trước năm 2030.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.