28/10/2020 8:32 AM
Ai cũng biết rằng “cò” nhà đất sống bằng tiền phần trăm và tiền chênh lệch trong việc làm trung gian mua bán nhà đất. Thị trường nhà đất càng sốt, họ càng có cơ hội kiếm được nhiều tiền.

Mất ngay 300 triệu đồng

Đầu năm 2020, thấy tình hình nhà đất ven đô đang nóng, bà Nguyễn Thị Thuỷ (Ba Đình, Hà Nội) cũng nảy sinh ý định đầu tư. Với số vốn hơn 2 tỷ đồng, bà Thuỷ tính toán, khu vực ven đô sẽ phù hợp và có khả năng tăng cao trong thời gian tới.

Do không phải là dân chuyên buôn bán đất đai, không có kinh nghiệm và quan hệ, bà Thuỷ vào một số trang rao vặt để tìm hiểu thông tin. Bà có gọi điện thoại cho một vài nhân viên môi giới từ những quảng cáo rao bán bất động sản ven đô.

Nhận thấy bà Thuỷ có nhu cầu mua, nhiều môi giới nhà đất nhiệt tình chăm sóc. Họ liên tục gọi điện mời chào những lô đất phù hợp với tài chính của bà Thuỷ. Chưa kể, họ sẵn sàng đưa xe tới tận nhà để dẫn bà Thuỷ ra ngoại thành xem đất.

Bà Thuỷ khá ưng với một mảnh đất tại Thạch Thất nhưng vẫn còn lo lắng vì chưa nhiều kinh nghiệm đầu tư. Trong khi đó, môi giới nhà đất liên tục giục bà đặt cọc nếu không sẽ có người khác mua.

Sợ mất cơ hội, bà Thuỷ đặt cọc 50 triệu đồng. Theo tính toán của môi giới, bà đã có lãi ngay hàng chục triệu đồng nếu mua được mảnh đất này. Bà Thuỷ cũng cẩn thận đi tham khảo giá mấy mảnh đất xung quanh đều được môi giới nhà đất rao giá khá cao. Vài ngày sau, bà đã thanh toán 1,5 tỷ đồng để làm hợp đồng chuyển nhượng.

Nóng ruột lao vào cơn sốt đất, tin lời đưa đẩy mất oan 300 triệu đồng - 1

Đất vùng ven nhiều nhà đầu tư ít thông tin (Ảnh: Tuấn Linh)

Ít lâu sau, bà Thuỷ đã thất vọng khi biết được mảnh đất đó chủ nhà rao bán chỉ có hơn 1,2 tỷ đồng. “Đúng là mình ít có kinh nghiệm mua đất ở quê nên khi thấy mức giá 1,5 tỷ đồng lô hơn 100m2 cũng thấy khá hợp lý”, bà nói.

Dẫn chứng tương tự, bà Đỗ Thu Hằng, Savills Hà Nội cho biết câu chuyện, một bác lớn tuổi mua đất có nhà trong ngõ ở khu Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội.

Chủ nhà rao bán mấy tháng trước đó là 650 triệu đồng. Nhưng khi bác này làm việc qua đại lý môi giới thì mức giá được đưa lên 1 tỷ đồng. "Sau đó, bác vẫn quyết định đặt cọc luôn vì thấy 1 tỷ đồng là mức giá phù hợp với khả năng chi trả, với tầm tiền bác có”, bà Hằng kể.

Với các lô đất thuộc dự án đang triển khai, môi giới nhà đất lại càng có cơ hội kiếm lời do thông tin giao dịch thực thường khá ít. Thông qua môi giới, chị Nguyễn Thị Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) đã mua được mảnh đất hơn 100m2 có giá 725 triệu đồng tại Đồng Nam.

Khi mua đất, công ty môi giới này yêu cầu chị phải đóng trước số tiền gần 456 triệu đồng thì mới được gặp chủ đầu tư để ký hợp đồng chuyển nhượng chính thức.

Sau khi đã đóng được hơn 200 triệu đồng, chị tìm hiểu mới tá hỏa khi biết giá bán lô đất thực tế chỉ khoảng hơn 400 triệu đồng. Biết bị công ty môi giới tăng giá để ăn chênh lệch, chị yêu cầu trả lại tiền và xin hủy giao dịch nhưng không được chấp nhận.

Càng đất quê càng dễ kiếm lời

Theo các chuyên gia bất động sản, đợt “sốt” giá đất tại các quận ven và huyện ngoại đều do giới đầu cơ và cò đất làm giá, thổi giá đất nền với nhiều thủ đoạn. Có những khu vực giá đất tăng lên hàng ngày. Từ những khu đất không ai ngó ngàng, giá đất chỉ 3-4 triệu đồng/m2, nhưng ít ngày làm giá, đất bỗng chốc đội giá lên 10-12 triệu đồng/m2...

Phần lớn do người mua không có nhiều thông tin, họ dựa vào các tư vấn của môi giới dẫn tới tình trạng bị mất oan một khoản tiền không nhỏ.

Đánh giá về vấn đề này, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội - cho rằng, môi giới không thu phí hoa hồng khoảng 1% hoặc tỷ lệ thoả thuận nào đó mà lấy tiền “ăn chênh”.

Khi chủ nhà đưa ra một mức giá nào đó, môi giới sẽ tìm khách và đưa ra mức giá cao hơn. Nếu bán được, chủ nhà sẽ nhận số tiền “thu về”, còn tiền chênh lệch, môi giới sẽ hưởng.

Để tránh sập bẫy của giới “cò” đất, nhiều chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư phải tìm hiểu thật kỹ bất động sản trước khi xuống tiền, tránh tối đa trường hợp xuống tiền theo đám đông.

Đại diện Savills Hà Nội khuyến cáo, để tránh mua phải giá ảo, cần có sự so sánh với những sản phẩm đất nền, nhà đất trong khu vực tương tự đang chào bán.

"Muốn tránh giá ảo thì phải dựa trên giá trị giao dịch thực, chứ không đơn thuần xem giá trị chào bán" - đại diện Savills nói và cho hay: Nếu đất nền dự án vẫn ở dạng sơ cấp, giá chủ đầu tư không quá khó để định giá, còn nếu ở thị trường thứ cấp thì việc kiểm tra sẽ mất thời gian hơn. Lúc này cần so sánh với nhiều yếu tố như giao thông tiếp cận ra sao, một hay 2 mặt tiền, có tiện ích và gần trung tâm không?

Giá bất động sản được hình thành dựa trên nhiều yếu tố. Giới chuyên gia cho rằng nếu có ý định mua các sản phẩm bất động sản này cần đặc biệt lưu ý đến khâu định giá, tránh việc để "cò" nhà đất trục lợi, đẩy giá quá cao.

Bài học rút ra khi giao dịch nhà đất là đừng nên tin hoàn toàn vào thông tin môi giới hay bên bán cung cấp mà người mua hãy tự mình tìm hiểu kỹ.

Duy Anh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.