Dự án khu đô thị được khởi công rầm rộ, “ngốn” hết hơn 56ha đất của những người nông dân ở huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Tuy nhiên, sau gần 8 năm san lấp mặt bằng, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai, bất chấp sự đốc thúc của chính quyền các cấp ở Bắc Ninh. Trong khi đó, nông dân không còn đất để sản xuất.

Dự án “treo”, dân gieo neo

Gia đình anh Đỗ Văn Nin, thôn Mao Trung, xã Phượng Mao (Quế Võ) có 9 nhân khẩu. Trước đây, gia đình anh sở hữu hơn 1 mẫu ruộng khoán, canh tác 3 vụ. Dẫu chưa thể làm giàu từ diện tích này, nhưng số ruộng khoán cũng giúp cho anh Nin nuôi các con ăn học và ổn định cuộc sống. Nhưng từ khi ruộng bị thu hồi để làm khu đô thị mới Quế Võ, có ít tiền đền bù thì đã tiêu hết, gia đình anh lâm vào cảnh lao đao.

“Nhà tôi hiện có 4 người đi làm, còn 5 người không có việc, ở nhà. Tuy nhiên, do trình độ học hành của các cháu không cao nên vào làm ở công ty chỉ được 1 thời gian lại bị đuổi. Ví dụ như cháu Nguyễn Thị Thúy, con dâu tôi. Khi chưa lấy chồng thì cháu làm việc ở công ty. Lấy chồng, sinh con rồi thì công ty đuổi, không cho làm tiếp”. Điều này khiến gia đình anh Nin rất nhức nhối vì ảnh hưởng tới tương lai cuộc sống. “5 khẩu không có việc làm phải đi mò cua, bắt ốc, trồng rau cỏ trong vườn đem đi bán, đời sống khó khăn lắm”, anh Nin bộc bạch.

Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng thôn Mao Trung cho hay: “Nhiều hộ lấy tiền đền bù nâng cấp nơi ăn ở, gửi ngân hàng, nhưng nay đã có khoảng 60-70% số hộ cạn kiệt về nguồn tài chính, đời sống rất khó khăn. Lớp thanh niên cứ vào công ty làm công nhân 1-2 năm lại bị thải ra. Lo lắng nhất là hơn 300 lao động nữ trong độ tuổi nhưng khó kiếm việc làm, vào công ty thì không đáp ứng đủ điều kiện về tay nghề”.

Năm 2003, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt dự án Khu đô thị mới Quế Võ do Cty CP Đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ thuộc TCty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng diện tích 56 ha, trong đó 40 ha của xã Phượng Mao, 16 ha của xã Phương Liễu. Tuy nhiên, đến nay, qua 3 lần điều chỉnh quy hoạch, chủ đầu tư vẫn chưa thể hoàn thiện hạ tầng cả dự án. Điều này dẫn tới việc đất canh tác thì bị bỏ hoang, nông dân thì không có tư liệu sản xuất.

Hầu hết đất trồng lúa của xã Phượng Mao đã được thu hồi giao cho Cty CP Đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ triển khai xây dựng khu đô thị mới Quế Võ, cá biệt có những thôn mất 100% diện tích đất như thôn Mao Trung, Mao Dộc... Trưởng thôn Mao Trung Trần Mạnh Hùng nhẩm tính: “Nông dân nay nhìn thấy đất bỏ hoang mà thèm. Nếu cứ để dân chúng tôi cấy hái thì với diện tích này mỗi năm cũng thu được 600 tấn thóc. Để không 6 năm như vậy, thử hỏi dân mất bao nhiêu nghìn tấn?”.

Cự lại cả UBND tỉnh

Khảo sát của NNVN tại công trường khu đô thị mới Quế Võ, hiện không có gì đáng giá ngoài… 2 chiếc container được cải biến thành nhà điều hành của Ban quản lý dự án. Ông Nguyễn Nhân Ngãi, Bí thư Đảng ủy xã Phượng Mao, nơi người dân phải mất phần lớn đất 2 lúa cho dự án tỏ ra bức xúc: “Đầu năm ngoái, Cty CP Đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ tổ chức khởi công rất rầm rộ, nhưng sau lễ khởi công, tiến độ triển khai đầu tư cho dự án vẫn rất chậm chạp. Đến nay, dự án đô thị này vẫn như là sa mạc giữa đồng bằng”.

Tuy vậy, khi có lịch hẹn làm việc với ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án khu đô thị mới Quế Võ, thì không khí công trường lại… sôi động ngay lập tức. Những chiếc xe tải chở đất cát, xe ủi lại chạy rầm rập trên công trường. Trao đổi với chúng tôi, ông Hùng cho rằng: “Nếu không bị ảnh hưởng của khủng khoảng thời gian vừa qua cũng như sự trầm lắng của thị trường bất động sản thì dự án này đã thành công tốt đẹp, làm nhanh lắm chứ không chậm như thế này đâu”.

Theo quy định của Luật Đất đai 2003, với những khu đất để hoang, sử dụng lãng phí trong thời gian dài, thanh tra đất đai thuộc Sở TN-MT rà soát lại toàn bộ rồi lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh có quyết định thu hồi. Sau đó, tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân tự kiểm tra, điều chỉnh phương án sử dụng đất... Nếu không khắc phục được thì sẽ tiến hành thu hồi rồi mời các nhà đầu tư khác vào tham gia đấu giá. Quy định rõ ràng như vậy, không hiểu sao dự án khu đô thị mới Quế vẫn chưa bị “sờ gáy”.

Trên thực tế, dự án đã khởi công vào hồi tháng 2 năm ngoái, nhưng là để… làm phép. Ông Nguyễn Hữu Tiệm - Phó GĐ Sở TN-MT Bắc Ninh thừa nhận: “Đến nay, thời gian được giao đất và đưa vào đầu tư của dự án này cũng khá dài. Việc Cty CP Đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ chậm đầu tư khu đô thị có nhiều nguyên nhân như chủ trương yêu cầu của địa phương điều chỉnh quy hoạch, năng lực đầu tư của nhà đầu tư còn hạn chế. Chúng tôi đang tập trung đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên khu đất dự án”.

Không những Sở TN-MT “sốt ruột” với tiến độ của dự án, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng “sốt sắng” không kém. Ngay từ đầu năm 2010, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Bùi Vĩnh Kiên đã có công văn số 09 yêu cầu Cty CP Đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ cam kết với UBND tỉnh Bắc Ninh về tiến độ thực hiện dự án, trong đó hết quý IV năm nay xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật và đến hết năm 2011 xây dựng xong hạ tầng xã hội của toàn bộ dự án. Ngay lập tức, chủ đầu tư đã có văn bản số 32 “cự lại”, trong đó nêu lý do, đây là dự án có quy mô lớn, việc đẩy nhanh tiến độ theo kết luận không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật (?!).

Theo Văn Nguyễn (Nông nghiệp VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0