Chiều 29-9, Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu
tại VN (EuroCham) đã tổ chức đối thoại về thủ tục hành chính thuế và hải
quan. Đánh giá cao những nỗ lực của VN trong việc cải cách thủ tục hành
chính về thuế và hải quan, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch EuroCham,
nhấn mạnh VN là điểm đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp (DN) nước ngoài,
trong đó có các DN châu Âu. Song, thuế đất và liên quan đến chuyển giá
là hai vấn đề nóng nhất cần được quan tâm giải quyết.
Vướng tiền thuế đất
Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH KPMG, nêu hiện nay
có nhiều cách hiểu khác nhau khi tính giá trị sử dụng đất và tài sản
trên đất để thu thuế. Dù hướng dẫn của Bộ Tài chính thì mức tính giá tối
thiểu sẽ theo khung giá của UBND TP hoặc cơ quan thuế sẽ đi đối chiếu.
ông Phạm Đình Thi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính),
giải thích theo quy định hiện hành, giá tính thuế giá trị gia tăng
(GTGT) được tính theo giá đất thực tế tại thời điểm chuyển nhượng. Giá
thực tế chuyển nhượng không chịu thuế thì DN không được khấu trừ thuế
GTGT đầu vào. Tuy nhiên, trong thực tế, các dự án BĐS thường kéo dài 3-5
năm, thậm chí còn lâu hơn. Khi thuế đầu vào phát sinh thì DN thường kê
khai để khấu trừ hoặc là đã hoàn thuế đầu vào rồi. Do vậy, để có hướng
dẫn rõ hơn, trong tháng 10, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các
cục thuế địa phương. Còn về lâu dài, Bộ Tài chính đã đưa vấn đề này vào
khi sửa nghị định thuế GTGT theo nguyên tắc phần đã nộp cho Nhà nước khi
giao đất hay thuê đất được trừ khỏi giá tính thuế.
Chưa có cơ sở dữ liệu để so sánh chuyển giá
Liên quan đến hoạt động chuyển giá, bà Hà cũng nêu ở các nước như
Thái Lan, họ có cơ sở dữ liệu chính thức để làm cơ sở so sánh. Còn ở VN
thì hoàn toàn là chưa có. DN cũng muốn đưa ra dữ liệu để chứng tỏ lợi
nhuận và tỉ suất lợi nhuận là đúng.
Thuế đất và liên quan đến chuyển giá là hai vấn đề được các bên đối thoại thẳng thắn. Trong ảnh: Thi công một dự án bất động sản tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết tại Thông tư 66 năm 2010 của Bộ Tài chính, DN được quyền sử dụng các nguồn thông tin, dữ liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mà cơ quan thuế có thể kiểm tra, xác minh được. Trường hợp qua kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện nguồn thông tin, dữ liệu của nước ngoài mà DN đã sử dụng không có trên thực tế, không chính xác hoặc không phải là giao dịch độc lập khách quan thì DN phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tiếp thu ý kiến của bà Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn
cho rằng cần phải sửa quy định trên tại Thông tư 66. Theo cá nhân ông
Tuấn, có mấy điểm cần sửa là dấu hiệu để xác định chuyển giá đứng trên
quan điểm của người nộp thuế hay quan điểm của người thu thuế. Luật Quản
lý thuế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu làm sao trung lập, khách quan để so
sánh thay vì như hiện nay yêu cầu DN đăng ký những chỉ tiêu để cơ quan
thuế kiểm tra.
Ông Tuấn cũng cho hay đang sửa một số điều của Luật Quản lý thuế liên
quan đến nội dung về thỏa thuận giá trước. Theo đó, cơ quan thuế sẽ
thỏa thuận trước với DN về một số yếu tố để làm minh bạch công khai về
cơ sở tính thuế của DN. Trong đó giá chỉ là một yếu tố, còn nhiều yếu tố
khác như tỉ suất lợi nhuận và mức thu thuế của dự án đó.
“Xây dựng những quy định pháp luật về việc chuyển giá làm sao đảm bảo quyền lợi hợp pháp của DN, đồng thời đảm bảo công bằng cho DN. Chống DN gian lận cũng là đảm bảo công bằng, môi trường kinh doanh được minh bạch” - Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Sẽ kiểm tra 700 doanh nghiệp FDI Bộ Tài chính cho
biết qua kiểm tra tại gần 500 doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) báo lỗ, đến nay các doanh nghiệp này đã giảm lỗ trên 3.600
tỉ đồng, tăng thu ngân sách khoảng 1.200 tỉ đồng.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, ngành thuế sẽ tập trung kiểm tra khoảng 700 doanh nghiệp FDI báo lỗ còn lại. Hai công cụ để hỗ trợ chống chuyển giá là: thẩm định giá trước và tăng cường phối hợp công tác quản lý giá ở cơ quan thuế của Việt Nam và công ty mẹ của doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. |