Thông báo mới nhất từ NHNN, sau cuộc họp với 12 ngân hàng lớn chiều 4/10, các bên liên quan đã thống nhất tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật lãi suất, bình ổn ngoại tệ; giảm lãi suất cho vay... Đặc biệt, sẽ đưa một số đối tượng ra khỏi nhóm phi sản xuất.

Kiểm soát cho vay ngoại tệ


Tại cuộc họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình và lãnh đạo các ngân hàng thương mại đã thống nhất sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm quy mô và tốc độ phù hợp với khả năng huy động vốn bằng ngoại tệ trên thị trường và các nguồn vốn ổn định lâu dài từ nước ngoài.


Đồng thời, sẽ kiểm soát chặt chẽ đối với trường hợp vay vốn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng không có nguồn thu bằng ngoại tệ từ sản xuất, kinh tế để trả nợ vay.


Các bên cũng thống nhất từng bước thực hiện tốt chủ trương chuyển dần quan hệ nhận gửi và cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ để giảm tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế.


Lãnh đạo NHNN lưu ý, việc sử dụng nguồn vốn nước ngoài để mở rộng cho vay bằng ngoại tệ sẽ tăng rủi ro thanh khoản.


Nói về định hướng điều hành tỷ giá cuối năm, cơ quan này tiếp tục khẳng định sẽ đánh giá đúng quan hệ cung cầu của nền kinh tế để điều hành tỷ giá và mức độ can thiệp của NHNN một cách thích ứng, đảm bảo mức độ biến động của tỷ giá không quá 1% từ nay đến cuối năm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế.


Hơn nữa, sẽ kịp thời có giải pháp đủ hiệu lực và khả năng cần thiết làm giảm đến mức tối đa chênh lệch giữa giá vàng trong nước với quốc tế, chống đầu cơ vàng và tác động ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ và tỉ giá.


Nới 'vòng kim cô' tín dụng nhóm phi sản xuất

Đối với thực thi kỷ luật lãi suất, lãnh đạo các ngân hàng và NHNN cho rằng, hầu hết các NHTM đã thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất huy động bằng VND và ngoại tệ, trường hợp vi phạm đã được phát hiện và xử lý kịp thời.


Huy động vốn và tín dụng 20 ngày đầu tháng 9 giảm nhưng đã có biểu hiện tăng trở lại từ ngày 23/9/2011. Ngân hàng Nhà nước lưu ý, thời gian tới, việc nguồn vốn huy động VND giảm sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của một số TCTD.


Vì thế, cơ quan này cho hay sẽ giám sát chặt chẽ tình hình thanh khoản của thị trường, chủ động phát hiện các TCTD có biểu hiện hay nguy cơ mất khả năng thanh khoản để có biện pháp xử lý kịp thời, không để bất kỳ ngân hàng nào mất khả năng thanh khoản.


Trước tình trạng một số ngân hàng áp dụng các hình thức khuyến mại đối với các khoản tiền gửi cộng mức lãi suất tiền gửi đã vượt trần cho phép, các ngân hàng lớn tại cuộc họp cho rằng, NHNN cần ban hành ngay văn bản quán triệt việc chấp hành nghiêm túc quy định, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Nếu phát hiện ngân hàng nào có biểu hiện về tình trạng trên sẽ xử lý nghiêm. Phát động toàn hệ thống đấu tranh với hành vi cạnh tranh không lành mạnh vượt trần lãi suất huy động dưới mọi hình thức.


Giảm lãi suất, nới cho vay tín dụng


Đối với lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định kiểm soát nghiêm tăng trưởng tín dụng dưới 20% theo hướng không nhất thiết phải sử dụng hết dư địa tăng trưởng tín dụng còn lại, ưu tiên và tập trung vốn với lãi suất hợp lý cho nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu. Đảm bảo cơ cấu lãi suất điều hành của NHNN phù hợp.


Tại cuộc họp, các ngân hàng thương mại cũng đã thống nhất sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để đưa mặt bằng lãi suất cho vay trong biên độ 17-19% đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường.


Các TCTD sẽ thường xuyên theo dõi, điều hoà vốn, đảm bảo thanh khoản trong hệ thống; có phương án cân đối vốn để đáp ứng các nhu cầu thanh toán trong những tháng cuối năm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ về chất lượng tín dụng để kiểm soát nợ xấu.


Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đang cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, rà soát để công bố một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ an sinh xã hội không nằm trong danh mục các ngành phi sản xuất, tạo điều kiện về lãi suất cho vay.


Nếu điều này thành hiện thực thì nhiều nhóm đối tượng sẽ thoát khỏ "vòng kim cô" phi sản xuất để tiếp tục được vay vốn. Những DN và đối tượng trông chờ nhất từ tín hiệu này chính là khu vực bất động sản - vốn đã có nhiều ý kiến về việc phân biệt sản xuất và phi sản xuất. Bộ Xây dựng cũng nhiều lần có ý kiến về vấn đề này để bơm vốn cho một số phân khúc bất động sản cần thiết.

Theo Lê Khắc (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh