Hàng loạt ngân hàng (NH) công bố được tăng hạn mức tín dụng với sự vui mừng. Tuy nhiên, trong chiều ngược lại, điều này đang được theo dõi với nhiều lo ngại từ giới quan sát.
Đầu tiên, TienPhong Bank vừa công bố được tăng trưởng tín dụng tối đa 27%. Ngay sau đó, OceanBank cũng đã được tăng trưởng tín dụng tối đa 27%. Mạnh hơn, VPBank cũng được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 lên 30%, tương đương mức dư nợ tín dụng đến cuối năm là 51.000 tỷ đồng. HDBank cũng đã được chấp thuận việc điều chỉnh dư nợ tín dụng đến ngày 31/12/2012 tối đa là 23.115 tỷ đồng, tương đương tăng 30% so với cuối năm 2011.
Hầu hết các ngân hàng đều cho biết, việc điều chỉnh dựa trên kết quả kinh doanh, các tiêu chí an toàn tài chính và kế hoạch kinh doanhh cuối năm hợp lý. Điều này, không chỉ có lợi cho ngân hàng mà còn tác động tích cực cho DN và nền kinh tế. Thậm chí, các sẽ dành “room” tín dụng này đẩy mạnh cho vay đối với các đối tượng ưu tiên như khách hàng có hoạt động xuất khẩu, các khách hàng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh, công nghiệp phụ trợ… Đi kèm với đó, các NH đều đưa ra những chương trình ưu đãi lãi suất, các nguồn vốn mới giá rẻ cho DN để kích thích vay vốn.
Thông báo từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã cho phép tăng chỉ tiêu đối với 10 TCTD có tính hình tài chính lành mạnh, đã có tăng trưởng tín dụng đạt trên 50% chỉ tiêu thông báo của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm. Trường hợp các tháng cuối năm 2012, các TCTD nào có khả năng vượt chỉ tiêu thì báo cáo Ngân hàng Nhà nước xem xét trên cơ sở diễn biến tiền tệ và tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống.
Theo cơ quan quản lý, nếu các TCTD tăng trưởng theo đúng kế hoạch đã điều chỉnh, thì tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2012 cũng không vượt 15%, vẫn phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đặt ra từ đầu năm và theo đó không gây áp lực tăng lạm phát. Thậm chí, theo dự báo, tín dụng toàn hệ thống năm 2012 cũng không vượt quá mức tăng trưởng 8-10.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh, từ giờ đến cuối năm chỉ còn hơn 5 tháng nên chỉ tiêu NHNN đặt ra từ đầu năm về tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 15-17% gần như không thể thực hiện được. Ngay cả chỉ tiêu tăng tín dụng từ 8-10% mà NHNN rút xuống gần đây cũng vẫn cao. Nếu thực hiện chỉ tiêu tăng từ 8-10% trong thời gian ngắn thì giải ngân tín dụng sẽ ồ ạt, rất dễ dẫn đến thiếu thận trọng trong các hợp đồng tín dụng, làm tăng rủi ro tín dụng và nợ xấu trong tương lai, đi đôi với nguy cơ lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô quay trở lại.
Ông Ánh lưu ý, trong mấy năm gần đây thì tốc độ tăng tín dụng đã lên tới khoảng 30%/năm. Tốc độ tăng tín dụng quá cao trong khi hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chưa cao… là cội nguồn dẫn đến lạm phát. Vì thế, cần thận trọng để việc tăng vốn nhưng mang lại tăng trưởng thực tế và bền vững, để không quay trở lại gây bất ổn kinh tế vĩ mô rồi chính sách tín dụng lại thắt - mở liên tục như thời gian qua.
Ám ảnh lạm phát và nợ xấu
Lo ngại trên đây của ông Ánh là một thực tế lịch sử mà Việt Nam đã phải đối mặt. Trong nhiều năm liền chỉ tiêu tín dụng liên tục bị phá vỡ và gần xấp xỉ 30%. Hậu quả đã thấy rõ là lạm phát tăng liên tiếp và chính sách tiền tệ phải đổi chiều liên tiếp để chống đỡ với lạm phát.
Chính vì thế, dù nói là không đáng lo lạm phát và không làm tăng tổng tín dụng nhưng nếu dòng tiền nóng từ các ngân hàng này không được kiểm soát tốt thì sẽ có những hậu quả khó lường. Nhất là các ngân hàng này đều có một lịch sử tuân thủ các quy đình và chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước không hẳn là đã tốt.
Lãnh đạo một ngân hàng nhà nước cho biết, nếu nói dư vốn thì các ngân hàng quốc doanh đang nhiều hơn các ngân hàng cổ phần nhưng vẫn đang thận trọng với việc tăng tín dụng. Các ngân hàng cổ phần tăng tuy không lớn nhưng không phải vì thế mà không có những lo ngại.
Theo đó, tín dụng tăng cao chưa chắc kinh tế tăng trưởng tương ứng vì hiệu quả sử dụng vốn không cao do tín dụng đưa ra thêm mà chưa điều phối dòng vốn vào khu vực sản xuất, DN hiệu quả... Như vậy rất có thể lạm phát sẽ quay trở lại.
Vì thế, “Ngân hàng nào tăng cần suy xét hết sức thận trọng. Bởi việc tăng trưởng tín dụng cao sẽ dẫn đến nhu cầu “khát” tiền và từ đó, ngân hàng có thể đẩy vốn bằng mọi giá”,, vị lãnh đạo ngân hàng này cảnh báo.
Việc dồn toa tín dụng gây ra lạm phát đã được các chuyên gia từ Ủy ban giám sát tài chính cảnh báo từ trước. Theo đó, nếu tín dụng từ nay đến cuối năm mỗi tháng tăng 1,5% (tương đương 6 tháng là 9%) thì tăng trưởng GDP của cả năm 2012 từ 5,3-5,4%. Với mức này, lạm phát 5 tháng sau đó từ 0,5-1% mỗi tháng. Nếu tín dụng là 2%/tháng thì 6 tháng, cuối năm sẽ là 12%, GDP cả năm 2012 có thể đạt 5,5-5,6%. Tuy nhiên, như vậy nguy cơ lạm phát sẽ quay trở lại 5 tháng sau đó.
Vấn đề đặt ra là, tăng trưởng tín dụng có thể là 17% nhưng nếu chia đều cho 12 tháng thì lạm phát sẽ rất thấp. Ngược lại, nếu tăng trưởng tín dụng chỉ là 12% nhưng lại chỉ trong 6 tháng thì vô cùng nguy hiểm, nền kinh tế không hấp thụ hết lượng tiền mặt dư thừa và như vậy lạm phát sẽ trở lại.
Chuyên gia ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo, ngân hàng phải tính toán kỹ và ước lượng khả năng quản trị rủi ro tín dụng. Vì khi một lượng vốn đổ ra ào ạt nếu không có sự quản lý chặt chẽ dòng tiền thì sẽ rất rủi ro khi mà sức khỏe hệ thống ngân hàng vẫn chưa thực sự tốt. Đây cũng là yếu tố quan trọng vừa nâng cao chất lượng tín dụng đẩy vốn đúng địa chỉ đồng thời kiểm soát rủi ro. Ngành ngân hàng phải nhớ hậu quả nhãn tiền của việc tăng trưởng tín dụng nóng những năm ít nhiều là “thủ phạm” của những món nợ xấu vẫn đang hiện hữu và lực cản cho việc khơi thông dòng vốn”.
Chuyên gia tài chính Lê Thẩm Dương cũng cho rằng, vì mục tiêu thúc đẩy GDP, và tồn tại của DN nên buộc phải tăng tín dụng. Cách tăng, một là hạ lãi suất xuống, hai là giúp DN và ngân hàng thương mại “kết nối” bằng cách gia tăng cơ cấu nợ. Tín dụng phải tăng 6-8% mới hy vọng khôi phục được DN, mới đạt được mục tiêu GDP đề ra. Tăng trưởng tín dụng có tác động tích cực là làm cho GDP tăng. Nhưng cũng có tác động ngược lại, nếu quản trị không khéo thì sẽ dễ xảy ra suy thoái kép.
“Nới hạn mức tín dụng gây tác dụng phụ là lạm phát và suy thoái nên người ta gọi là hiện tượng suy thoái kép. Suy thoái kép có khả năng sẽ xuất hiện vào đầu năm 2013”, ông Dương cảnh báo.