Quy định tỷ lệ sở hữu tối đa (room) của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng đang được nhìn nhận ở mức thấp, nhưng thực tế hiện nay, không ít ngân hàng khóa room ở mức thấp hơn dù cần huy động vốn ngoại.

Dành room cho nhà đầu tư lớn

Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) quyết định giảm giới hạn sở hữu nước ngoài từ mức 30% xuống 21,5% nhằm phục vụ kế hoạch lựa chọn và thỏa thuận hợp tác với đối tác chiến lược.

Trước đó, cổ đông Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã thông qua phương án giảm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Ngân hàng từ 22,77% xuống 15%.

Không ít ngân hàng khác đã chọn phương án khóa room ngoại ở mức thấp hơn mức mà cơ quan quản lý cho phép như Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) là 22,99%, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là 22,5%, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) là 20,5%, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) là 9,99%.

Động thái siết room của các ngân hàng khiến không ít nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán quan ngại.

Khóa room ngoại sẽ giúp các ngân hàng bán được cổ phần cho nhà đầu tư lớn với giá tốt hơn.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước nhận định, khóa room ngoại là điều tốt, có lợi cho các ngân hàng hơn. Khóa room ngoại sẽ giúp các ngân hàng bán được cổ phần cho nhà đầu tư lớn với giá tốt hơn.

Còn nếu không khóa room, nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ mua trên sàn, lấp đầy room, ngân hàng không còn không gian để bán lô lớn. Điều này đặc biệt cần thiết với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, nếu không khóa room sẽ không tăng được vốn và lợi ích của Nhà nước bị ảnh hưởng.

“Khóa hay mở room là quyền hợp pháp của cổ đông - chủ sở hữu ngân hàng”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

Triển vọng nới room

Hiện vẫn có nhiều đề xuất về việc nới room cho các ngân hàng do động thái này sẽ làm tăng tính hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại, giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính.

Trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các tổ chức tín dụng EU được phép nâng mức nắm giữ lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam mà không phải chờ quyết định nới room chung.

Bên cạnh đó, theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết xem xét tạo thuận lợi, cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần mà không phải chờ quyết định nới room chung (cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng mà Nhà nước đang có tỷ lệ sở hữu chi phối là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank).

Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có kế hoạch sửa đổi Nghị định, Thông tư liên quan đến vấn đề này hay chưa? Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện chưa thấy thông tin gì liên quan đến vấn đề này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, EVFTA vẫn còn mới nên cần thời gian để triển khai các hạng mục. Với việc room cho các tổ chức tín dụng châu Âu vượt khỏi mức trần quy định hiện hành, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ sớm có những thay đổi quy định liên quan.

Thủ tục bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại

Ngành ngân hàng Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài và đương nhiên, nhà đầu tư lớn sẽ được ngân hàng lựa chọn thay vì các cổ đông nhỏ lẻ. Nhưng các ngân hàng cũng cần có thời gian để tìm được cổ đông chiến lược phù hợp, có tiềm lực tài chính và chiến lược kinh doanh tương đồng.

Thực tế, có những thương vụ đàm phán kéo dài hàng năm mới đi đến kết quả. Đơn cử, thương vụ bán 15% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho Aozora Bank (Nhật Bản) trong tháng 6/2020 đã phải trải qua quá trình làm việc hơn hai năm.

Trong năm 2019, có 2 ngân hàng huy động vốn ngoại đáng chú ý là Vietcombank huy động 265 triệu USD từ GIC (Singapore) và Mizuho (Nhật Bản), vốn điều lệ tăng thêm 3,1%; BIDV phát hành 15% cổ phần cho Keb Hana Bank (Hàn Quốc) với giá trị 876 triệu USD.

Theo Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại.

Hướng dẫn thực hiện Nghị định 01/2014/NĐ-CP, ngày 8/12/2014, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 38/2014/TT-NHNN quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2015. Theo đó, chương I được bắt đầu với những quy định chung và chương II là những quy định cụ thể.

Bắt đầu chương II, tại mục 1 đề cập đến vấn đề hồ sơ đề nghị chấp thuận việc mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam đã niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu. Mục 2 là hồ sơ đề nghị chấp thuận mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam chưa niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu. Tại mục 3 là hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước xem xét, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng yếu kém.

Điểm đáng chú ý tại mục 3, ngoài các hồ sơ quy định, nhà đầu tư nước ngoài bổ sung các thành phần hồ sơ như văn bản cam kết về việc gắn bó lợi ích lâu dài với tổ chức tín dụng yếu kém, hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành.

Bên cạnh đó, phương án mua cổ phần và cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém phải có nội dung chi tiết và lộ trình thực hiện đối với từng biện pháp hỗ trợ cụ thể, bao gồm cả việc cơ cấu lại tổ chức mạng lưới, nâng cao năng lực tài chính, xử lý nợ xấu, quản trị điều hành, đồng thời áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển sản phẩm, dịch vụ và các biện pháp xử lý các tồn tại của tổ chức tín dụng yếu kém…

Mục cuối cùng của chương II là trình tự, thủ tục chấp thuận việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.

Khi tổ chức thực hiện, chương III quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài; trách nhiệm của tổ chức tín dụng Việt Nam; trách nhiệm của tổ chức tín dụng yếu kém được cơ cấu lại và trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nướcNgân hàng Nhà nước. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ lấy ý kiến Bộ Tài chính trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định

Nội dung Ngân hàng Nhà nước gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính gồm: thứ nhất, thông tin về các vi phạm pháp luật chứng khoán đã bị xử lý theo quy định của Bộ Tài chính về hướng dẫn hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam và quy định pháp luật có liên quan; thứ hai, thông tin về tình hình sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài (nếu có) tại tổ chức tín dụng Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài đề nghị mua cổ phần; thứ ba, thông tin nhận diện nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Bộ Tài chính về hướng dẫn hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam và quy định pháp luật có liên quan.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cảnh báo, việc có quá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư ngắn hạn trên thị trường chứng khoán trở thành cổ đông của ngân hàng có thể gây tác động tiêu cực đến quản trị, thay đổi định hướng phát triển, hoặc gây bất ổn định đến cơ cấu cổ đông, quản trị điều hành của ngân hàng.
  • Nới room tín dụng: Thêm cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp

    Nới room tín dụng: Thêm cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp

    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chấp thuận nới room tín dụng cho một số nhà băng như: HDBank, VPBank, VIB, TPBank, Techcombank, MB… Các ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV, VietinBank, ACB… vẫn giữ nguyên mức room cũ.

Nhuệ Mẫn (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.