Do bất đồng, ban quản trị một tòa chung cư gửi đơn thư đến tận cơ quan nơi cư dân đang làm việc để tố cáo.
Tranh chấp tại chung cư trở thành câu chuyện không mới ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Tuy nhiên, nếu như những tranh chấp trước đây thường xảy ra giữa cư dân với chủ đầu tư thì gần đây tình trạng "nội chiến" xuất hiện ngày một nhiều khi cư dân và ban quản trị chung cư có sự bất đồng.
Đại diện cho 756 hộ cư dân đang sinh sống tại Văn Phú Victoria (Hà Đông) vừa phản ánh với VnExpress về tình trạng bất đồng với ban quản trị trong tòa nhà xảy ra suốt hơn một năm nhưng không thể giải quyết. Ban quản trị tòa nhà được bầu từ cuối năm 2016 sau khi Hội nghị nhà chung cư được tiến hành theo đúng quy định.
Cư dân và ban quản trị tại tòa chung cư Văn Phú Victoria Hà Đông liên tiếp xảy ra những bất đồng kể từ khi thành lập. Ảnh: TN
Tuy nhiên, cư dân cho biết từ khi thành lập và được chủ đầu tư bàn giao hơn 41 tỷ đồng phí bảo trì, ban quản trị không công khai minh bạch việc quản lý, sử dụng số tiền nói trên, cũng như các nguồn thu từ việc khai thác quảng cáo, dịch vụ xung quanh tòa nhà. Bên cạnh đó, theo phản ánh, ban quản trị còn tự ý quyết về việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành mà không lấy ý kiến cư dân.
"Trong khi đó, những vấn đề liên quan đến quyền lợi của cư dân như vệ sinh nước sạch thì rất chậm trễ, không có phương án giải quyết. Cư dân đề nghị mang đi kiểm nghiệm để có cơ sở phản ánh với công ty nước sạch thì ban quản trị không triển khai. Thậm chí họ lại đề xuất trang bị thiết bị lọc nước với giá trị hàng chục tỷ đồng; mỗi năm riêng tiền bảo dưỡng cũng vào khoảng một tỷ", một cư dân cho hay.
Khi một số người trong tòa nhà bày tỏ sự bất đồng với cách thức làm việc của ban quản trị còn bị gửi đơn tới tận cơ quan nơi cư dân đang làm việc để tố cáo, đề nghị "xem xét tư cách" vì cho rằng đã có những phát ngôn "ngông cuồng, vô lễ"...
Do không thống nhất được quan điểm với ban quản trị, hơn 700 cư dân gần đây đã cùng nhau ký vào đơn đề nghị tổ chức Hội nghị nhà chung cư bất thường để bầu lại ban quản trị. Tuy nhiên, trưởng ban quản trị không chấp thuận đề nghị này khi cho rằng nhiều chữ ký trong đơn là mạo danh. Kể cả khi cư dân có kiến nghị với UBND phường và cơ quan này phản hồi bằng việc yêu cầu tổ chức hội nghị nói trên, ban quan trị cũng không đồng ý.
Tình trạng cư dân tranh chấp với ban quản trị cũng xảy ra tại một số dự án trước đó ở Hà Nội. Cư dân chung cư Sông Hồng Park View, Thái Hà, Đống Đa từng tố ban quản trị những nội dung tương tự. Dù đã hết hợp đồng nhưng cư dân cho rằng ban quản trị vẫn tự ý ký hợp đồng với đơn vị quản lý và khai thác tòa nhà cũ mà không đấu thầu công khai, cũng như xin ý kiến trong cộng đồng.
Cư dân cũng tố các thành viên này "thông đồng" với đơn vị quản lý cắt bớt diện tích sinh hoạt cộng đồng, xây dựng bể bơi trái phép, nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo; bảo vệ tòa nhà đe dọa cư dân, không cho vào hầm gửi xe… Tình trạng xô xát giữa cư dân, ban quản trị và đơn vị quản lý cũng từng xảy ra ở tòa chung cư này.
Việc thành lập ban quản trị theo các cư dân cũng có có nhiều điểm mập mờ bởi nhiều người không được mời họp hội nghị bầu ban quản trị và có 3 trong số 5 người không phải chủ hộ sống trong tòa nhà.
Hàng trăm hộ cư dân cho rằng việc sử dụng quỹ bảo trì của ban quản trị còn nhiều khuất tất. Có thời điểm, trưởng ban quản trị - người đứng tên tài khoản quỹ bảo trì trị giá 20 tỷ đồng đã không có mặt tại nhà trong nhiều ngày và điện thoại không liên lạc được nên cư dân đã gửi đơn trình báo đến cơ quan công an.
Tình trạng tương tự trước đó cũng xảy ra ở một số khu chung cư tại Hà Nội, và một trong những bất đồng phổ biến là sự bất minh trong sử dụng quỹ bảo trì, dùng sai mục đích. Trên nhóm cộng đồng cư dân trên mạng xã hội vì thế cũng thường xuyên nổ ra những tranh cãi, thậm chí xúc phạm lẫn nhau...
Nguyễn Hà (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.