Những dự án treo, chậm tiến độ, tăng vốn không chỉ “tức mắt” người dân, mà còn đang tác động tiêu cực đến ngân sách, đến khả năng can thiệp của chính sách tài khóa.
16h30 chiều, Hoài Dương vội vã xếp lại chồng tài liệu, nhanh chóng rời văn phòng làm việc trên đường Kim Mã (Hà Nội) để đến lớp học văn bằng 2 quản trị kinh doanh trên đường Hồ Tùng Mậu. Quãng đường chỉ chừng 6km, tuy thế Dương đi mất gần một tiếng. Giờ đó, đường Xuân Thủy bắt đầu vào đỉnh điểm tắc nghẽn. Sinh viên chạy vào trong phố đi dạy thêm, làm ca tối kiếm thêm thu nhập. Công chức tan ca, đi chợ vội vàng. Người đón con chạy xe máy len lỏi. Kẻ xe GrabBike vội đón khách... Đường luôn ùn ứ và Dương lại đến học muộn.
Xuân Thủy có lẽ là con đường đông nhất Hà Nội vào giờ cao điểm. Tuyến đường huyết mạch giao thông quan trọng này không đủ rộng cho nhu cầu đi lại. Tuy thế, vài năm trở lại đây, đoạn đường này còn được rào lại một phần để thi công đường sắt trên cao Ga Hà Nội - Nhổn. Hàng ngày, những người dân qua đây vẫn âm thầm chịu đựng sự bức bối về đường sá chật, đông và tắc nghẽn, với hy vọng tuyến đường sắt trên cao qua đây chóng hình thành, giải tỏa nhanh một phần lưu lượng giao thông trên tuyến. Nhưng, sự nhẫn nại dường như đã bị thử thách quá lâu.
Ảnh minh họa
Cho đến thời điểm này, gần như toàn bộ phần dự án trên đường Xuân Thủy đã cơ bản dựng xong cột trụ. Tuy nhiên rất ít đoạn hoàn thành lắp ghép dầm ngang. Lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2010, rồi lùi tiến độ đến 2015, 2017, 2019 và đến tận 2021, tuy nhiên đến thời điểm này ngay phần dự án nổi trên mặt đất vẫn còn rất ngổn ngang. Riêng phần ngầm 4km hiện chưa thấy động tĩnh nhiều. Kỳ hạn 2021 để đưa dự án vào hoạt động đang đứng trước thách thức rất lớn.
Sự chậm trễ đưa dự án vào hoạt động không chỉ ảnh hưởng đến những người dân có nhu cầu qua lại trên phố Xuân Thủy như Dương, mà nó còn khiến cho chi phí đầu tư dự án nhích lên. Sau vài lần điều chỉnh, đến thời điểm này giá trị đầu tư cho tuyến đường được xác định khoảng 36 nghìn tỷ đồng. Và nếu dự án tiếp tục trễ hẹn, con số trên có thể còn tiếp tục tăng lên.
Nhưng, tuyến đường sắt trên cao chỉ là một điểm dễ nhìn trong bức tranh chung về dự án chậm tiến độ, tăng vốn. Ở bình diện cả nước, Kiểm toán Nhà nước từng có báo cáo về vấn đề này, với hàng chục dự án được điểm danh. Trong đó, nổi bật là các dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long...
Có rất nhiều hệ lụy khác nữa từ việc dự án chậm tiến độ, tăng vốn được các chuyên gia kinh tế đề cập, như bài toán hiệu quả kinh tế, hỗ trợ phát triển và an sinh xã hội được hoạch định ban đầu có thể thay đổi. Bởi khi suất đầu tư cao lên, lãi và vốn phải trả cũng tăng theo. Để dự án có thể dẫn tới thua lỗ, không hiệu quả.
Mặt khác, việc dự án tăng vốn cũng ảnh hưởng đến dư địa chính sách tài khóa, vốn đang khá hạn hẹp. Nợ công đã gần chạm trần cho phép. Trong khi bội chi ngân sách vẫn thường xuyên gây sức ép lên nợ công. Việc tăng thu thuế khó khăn do Việt Nam đang phải thực thi các cam kết quốc tế về tự do hóa thương mại. Điều hành chính sách kinh tế của Chính phủ đang đi theo hướng hỗ trợ DN, nên cũng không thể dễ dàng tăng thuế…
Bối cảnh như vậy khiến những dự án treo, chậm tiến độ, tăng vốn không chỉ “tức mắt” người dân, mà còn đang tác động tiêu cực đến ngân sách, đến khả năng can thiệp của chính sách tài khóa. Hàng nghìn tỷ, trăm tỷ đồng đang “chôn” ở những dự án không tạo ra dòng tiền quay lại để trả nợ, đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Cũng có thể hiểu là những dự án đó đang làm mất đi nhiều cơ hội thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam, làm mất đi cơ hội tiếp cận vốn của các dự án khác khả thi hơn. Và hơn hết, khi dư địa chính sách tài khóa dần hạn hẹp hơn, “gánh nặng” trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng tiếp tục dồn lên vai chính sách tiền tệ…
Thế nên, mỗi tuần 4 ngày, Hoài Dương tiếp tục giữ khuôn mặt cau có, hoặc cam chịu khi chen lên từng khúc đường, và tiếp tục đến học muộn. Sự khó chịu và buồn bực đó, hóa ra, mới chỉ là bề ngoài. Còn ở đâu đó nơi những dự án chậm tiến độ, đội vốn có thể còn là những đồng thuế thu nhập Dương đóng góp vào ngân sách đang bị tiêu xài hoang phí.
Anh Quân (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.