Ông có nhận định gì về tình trạng nợ xấu ngày càng phình to?
Bệnh nợ xấu, tồn kho, nhất là bất động sản là rất đáng báo động. 70.000 căn hộ tồn kho tương đương 70.000 tỷ đồng chôn ở đó. Cảm nhận của tôi không thấy bộ Tài chính, KH-ĐT, Công Thương… không thấy có biện pháp đột phát gì cả như tái cơ cấu, đưa vốn đến doanh nghiệp không thấy có chuyển biến. Do đó không cứu vãn được.
Ông Trương Trọng Nghĩa
Vậy theo ông, cách giải quyết nợ xấu của Chính phủ trong thời gian vừa qua đã hiệu quả?
Từ đầu năm đến nay, khi nền kinh tế suy giảm, Chính phủ muốn giảm sâu lãi suất, ngược lại các ngân hàng thương mại còn đua nhau cạnh tranh lãi suất, tất cả cũng chỉ vì cục nợ xấu. Cho nên chúng ta phải chấp nhận tập trung toàn bộ trí tuệ, tài lực để dồn sức cho việc giải quyết bài toán nợ xấu này. Giải quyết nợ xấu giống như cắt được khối u trong cơ thể, thông điểm nghẽn trong thực hiện chính sách. Chỉ khi tháo được điểm này mới lưu thông tiền tệ, hàng hóa, mới triển khai được các ý đồ chính sách của Chính phủ.
Thưa ông, nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện chiếm 8,82% có phải là lớn không?
Nợ xấu của các ngân hàng, doanh nghiệp được công bố không nhất quán, tôi cũng sẽ chất vấn chính xác nợ xấu là bao nhiêu và cách giải quyết cụ thể như thế nào?
So với thời điểm 30/6, thì nợ xấu tăng 23,53% so với cuối 2011 thì năng lực điều hành của ngành ngân hàng như thế nào?
Có người ví nợ xấu như cục máu đông, cứ để thì nó càng tăng, không có biện pháp giải quyết hiệu quả thì nợ xấu tăng.
Ông nhận định gì về 5 chỉ tiêu không đạt mà Chính phủ vừa công bố tại phiên khai mạc?
Năm 2012, trong 5 tiêu chí không hoàn thành, có một tiêu chí rất quan trọng đó là đầu tư xã hội, cần phải tập trung phân tích điều này. Đó là sự đầu tư vốn liếng của toàn xã hội vào làm ăn, kéo theo GDP, việc làm đều không đạt. Vì sao đầu tư xã hội không đạt? Đó là do nền kinh tế khó khăn. Năng lực "hấp thụ" của nền kinh tế kém đi. Nợ xấu, tồn kho gia tăng - đây là 2 căn bệnh lớn nhất. Chúng tôi thấy bộ máy quản lý ít biến trong khi tình hình đòi hỏi thay đổi. Chúng tôi chưa thấy bộ ngành có quyết sách đột phá đưa kinh tế vượt lên.
Theo quan điểm của tôi, từ kỳ họp trước đến kỳ họp này, chưa thấy các bộ ngành có giải pháp gì sáng tạo để chuyển biến tình hình, nợ xấu; vốn vay cho doanh nghiệp vẫn khó; tái cơ cấu chưa thấy đâu. Vì thế, cần phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đó là lực lượng vô cùng quan trọng cho nền kinh tế. Đầu tư mạnh cho nông nghiệp, nông dân, vì đó là chỗ tựa vững chắc của nền kinh tế. Đầu tư cho nông nghiệp sẽ thúc đẩy được xuất khẩu.
Vậy theo ông đâu là giải pháp xử lý nợ xấu và khôi phục nền kinh tế?
Tôi không nghĩ công ty giải quyết được nợ xấu. Khắc phục lợi ích nhóm thì nên có một ủy ban và ý kiến của các chuyên gia độc lập. Ngoài ý kiến của NHNN ra, cần có ý kiến của các cơ quan, đặc biệt các chuyên gia độc lập không nằm trong bộ máy Nhà nước cộng với cơ chế làm việc để quyết định khách quan, vô tư. Cử tri, các nhà khoa học đã cống hiến các ý tưởng nhau, ta huy động thì sẽ giải quyết được nợ xấu.
Theo tôi, phải làm một số việc như: Tổ chức, quản lý điều hành nền kinh tế, đặc biệt làm sao để các doanh nghiệp lấy lại sức sống, vươn lên được. Thứ hai là cuộc chỉnh đốn Đảng chưa đạt yêu cầu - điều này được thể hiện trong báo cáo Quốc hội và báo cáo phòng chống tham nhũng.
Xin cảm ơn ông!