28/12/2016 1:25 PM
Năm 2016 sắp khép lại, bên cạnh một số ngân hàng sớm hé lộ sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận thì còn không ít nhà băng nơm nớp mối lo nợ xấu tiếp tục ăn mòn kết quả kinh doanh.
Nếu tuân thủ đúng quy định về trích lập dự phòng, hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu sẽ bào mòn lợi nhuận của các nhà băng. Ảnh: Lê Toàn
Những nhà băng sớm cán đích lợi nhuận
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, kết thúc 11 tháng, tổng tài sản của OCB đạt 61.216 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 427 tỷ đồng, tăng 160% so với năm 2015.
Các chỉ tiêu kinh doanh khác của OCB cũng tăng trưởng đáng kể sau 11 tháng. Cụ thể, dư nợ cho vay tăng 30% so với đầu năm 2016; tổng huy động thị trường tăng 42,5% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu được đưa về mức 1,77%.
Theo ông Tùng, ước tính trong năm nay, OCB sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế 450 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại ACB, Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn tiết lộ, Ngân hàng sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận 1.503 tỷ đồng. ACB đang kiên quyết thu hồi khoản nợ liên quan đến 6 công ty của bầu Kiên, với kế hoạch xử lý thu hồi khoảng 2.500 tỷ đồng trong năm nay, Ngân hàng sẽ giảm dự phòng rủi ro nợ xấu.
Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2016 của ACB công bố cho thấy, 9 tháng đầu năm, Ngân hàng đạt 1.244 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 14% so với cùng kỳ 2015, đạt trên 83% kế hoạch cả năm. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 31% với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,32% xuống còn 1,12%. Tỷ lệ nợ nhóm 2 - 5 cũng giảm 0,3% từ 3,1% xuống còn 2,8%. ACB kỳ vọng, trong quý IV/2016, nợ xấu và chi phí dự phòng sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ.
Về chỉ tiêu kinh doanh năm 2017, theo ông Toàn, Hội đồng quản trị ACB dự kiến mức tăng trưởng thấp nhất từ 10 - 15% so với năm 2016. Theo đó, mức cổ tức sẽ cao hơn so với năm 2016 (Năm nay, ACB dự định chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu).
Trong nhóm ngân hàng có khả năng vượt kế hoạch lợi nhuận, còn có VPBank. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng đạt hơn 3.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trên kế hoạch cả năm ở mức 3.200 tỷ đồng.
Cách mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm trên 3.500 tỷ đồng khá xa, nhưng kết quả kinh doanh 9 tháng của Techcombank có sự cải thiện đáng kể, khi đạt 2.864 tỷ đồng trước thuế. Đáng chú ý, trong quý III, chất lượng tín dụng của Techcombank được kiểm soát chặt, chi phí hoạt động tiết giảm và dự phòng rủi ro thấp hơn nên lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng tăng tới 145,8% so với cùng kỳ, đạt 1.276 tỷ đồng.
Nợ xấu vẫn đe dọa lợi nhuận nhiều nhà băng
Tuy gần cán đích kế hoạch cả năm, song lãnh đạo nhiều nhà băng thừa nhận vẫn phải đối mặt với việc biên lợi nhuận trong hoạt động tín dụng đang dần thu hẹp, do chi phí huy động vốn vẫn tăng, trong khi lãi suất đầu ra khó điều chỉnh theo và dự phòng rủi ro khó giảm. Kỳ vọng lợi nhuận vượt xa chỉ tiêu đưa ra cho 2016 theo đó là rất khó, đặc biệt là ở những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ.
Chẳng hạn, ở Kienlongbank, trong khi thu nhập lãi thuần quý III/2016 giảm gần 12% thì các chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro đều tăng, ảnh hưởng lớn đến kết quả lợi nhuận.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Kienlongbank chỉ ghi nhận 19,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng tăng từ 1,12% tại thời điểm đầu năm lên 1,46%; trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 54%, lên 187 tỷ đồng.
Việc thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng cả năm nay, lãnh đạo cấp cao nhà băng này cho biết, sẽ có nhiều áp lực và khả năng khó hoàn thành. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Kienlongbank, việc điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trong kinh doanh ngân hàng những năm gần đây là chuyện rất bình thường, khi nợ xấu và dự phòng rủi ro khó giảm.
Trước tình hình kinh doanh khó khăn, Eximbank đã sớm điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Đến cuối quý II/2016, nợ xấu của nhà băng này đã tăng đột biến lên 5,3%, cho dù tín dụng âm 4,62%, khiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay chưa nổi 80 tỷ đồng trước thuế.
Hội đồng quản trị Eximbank đã quyết định điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm xuống còn 400 tỷ đồng, giảm 44% kế hoạch ban đầu. Sau 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Eximbank chỉ đạt 202 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 43 tỷ đồng. Nợ xấu của Eximbank đến cuối tháng 9 chiếm 3,35% tổng dư nợ cho vay…
Theo tính toán của TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, trích lập dự phòng năm 2016 được dự báo tăng mạnh lên khoảng 91.374 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với con số 74.828 tỷ đồng năm 2015 và 59.287 tỷ đồng năm 2014.
Trong đó, dự phòng nợ xấu trong năm 2016 là 53.098 tỷ đồng, trái phiếu VAMC khoảng 38.276 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận của các nhà băng khó tránh ảnh hưởng và cổ đông không còn cổ tức. Bởi nếu tuân thủ đúng quy định trích lập dự phòng rủi ro, hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu sẽ “bào mòn” lợi nhuận của các ngân hàng năm 2016.
Quả thực, dự phòng rủi ro đang dần “ăn” hết lợi nhuận của các nhà băng, kể cả ngân hàng quy mô lớn. Sau 3 quý đầu năm 2016, hai ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước là VietinBank và BIDV chỉ hoàn thành lần lượt 82,1% và 72,87% kế hoạch năm 2016.
Cụ thể, VietinBank ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 6.484 tỷ đồng, tăng 13,2%, sau thuế, còn 5.193 tỷ đồng, tăng 16,4%. Trong đó, lợi nhuận thuần của cổ đông Ngân hàng là 5.182 tỷ đồng.
Còn tại BIDV, gánh nặng về chi phí dự phòng đã ăn mòn kết quả lợi nhuận. Sau 9 tháng, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.757 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Bởi chi phí trích lập dự phòng rủi ro 9 tháng đầu năm 2016 của BIDV lên tới gần 7.000 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ.
Vân Linh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.