Ảnh minh họa.
Báo cáo nhận định, số lượng doanh nghiệp mới thành lập giảm đi cho thấy cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước tiếp tục giảm đi. Số lượng doanh nghiệp thua lỗ tăng, trong khi tỷ lệ lợi nhuận có xu hướng giảm dẫn đến hệ quả là các doanh nghiệp không trả nợ được đúng hạn gây ra nợ xấu rất lớn trong hệ thống tín dụng và nợ dắt dây trong nền kinh tế.
Trích dẫn báo cáo kết quả giám sát từ xa của cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước, báo cáo cho biết, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 10/2012 chiếm khoảng 8,8% đến 10% tổng dư nợ tín dụng15. Tuy nhiên các chuyên gia và các tổ chức quốc tế đều tin rằng, nợ xấu thực tế cao hơn con số chính thức. Tình hình còn căng thẳng hơn do tính liên thông hiện hữu giữa thị trường bất động sản và thị trường tín dụng.
Các chủ đầu tư và kinh doanh bất động sản trong giai đoạn phát triển nóng dựa quá nhiều vào nguồn vốn vay tín dụng và thường thế chấp bằng chính bất động sản nên khi thị trường đóng băng, giá trị tài sản suy giảm nhanh chóng, chất lượng tài sản ở các tổ chức tín dụng xấu đi nghiêm trọng và nợ xấu gia tăng.
Dư nợ tín dụng bất động sản, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/10/2012 là 207.595 tỷ đồng (tăng 3,6% so với cuối năm 2011), nợ xấu khoảng 13,5% tổng dư nợ bát động sản và đang có xu hướng gia tăng cùng với sự đóng băng của thị trường. Số liệu này còn chưa tính đến các khoản vay tiêu dùng khác, thực chất là được đầu tư vào bất động sản, cũng như dư nợ có tài sản đảm bảo bằng bất động sản.
Một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu trầm trọng thêm là do nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 12/2012, nợ đọng xây dựng cơ bản ước khoảng gần 90.000 tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 30% tổng số nợ xấu của các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, việc giải quyết số nợ đọng này không đơn giản, khi nguồn thun ngân sách TW cũng như địa phương đang giảm sút mạnh do suy thoái kinh tế. Nợ xấu cao nhưngchưa có sự trợ giúp từ ngân hàng thông qua công ty mua bán nợ, các ngân hàng đã phải trích dự phòng rủi ro cao hơn, chuẩn cho vay cũng trở nên ngặt nghèo hơn để tránh rủi ro, lãi suất cho vay cũng khó có thể giảm sâu, và cung vốn ra nền kinh tế bị hạn chế.