Thị trường BĐS đóng băng khiến nhiều doanh nghiệp thà chậm nộp thuế còn hơn đi vay lãi ngân hàng Ảnh: Ngọc Mai.
Hàng loạt các tên tuổi lớn trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản (BĐS) từ tư nhân đến các Tổng Cty Nhà nước vừa bị Tổng cục Thuế công bố có nợ thuế, đều có điểm chung là gặp khó khăn tài chính. Cty cổ phần Nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), chủ đầu tư hai dự án BĐS lớn tại Hà Nội: Khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco (Hà Đông), KĐT thành phố Giao lưu (Cổ Nhuế - Từ Liêm). Con số nợ thuế vừa được công bố của doanh nghiệp này tới 220 tỷ đồng. Đại diện công ty xác nhận, chỉ còn nợ 100 tỷ đồng tiền thuế vì vừa thanh toán 120 tỷ đồng cho Cục thuế Hà Nội. “Cứ công bố ông này, ông kia nợ thuế, chứ không ai công bố doanh nghiệp nợ ngân hàng bao nhiêu. Tôi biết có doanh nghiệp nợ ngân hàng hàng nghìn tỷ mà không thấy ai nói gì. Nợ thuế cũng nên hiểu là chuyện bình thường, chỉ trốn thuế mới nặng, mới vi phạm pháp luật”, ông Vũ Văn Hậu, Phó Tổng Giám đốc Cty Geleximco, nói.
Ông Hậu cũng cho biết, vào thời điểm này, nếu tính bài
toán kinh tế, việc nợ thuế vẫn có lợi hơn là đi vay ngân hàng. Với 100
tỷ đồng thì tiền chịu phạt sau 30 ngày thông báo của Cục Thuế, sẽ tính
mức phạt 0,05%/ngày, tức 18%/năm, thì một tháng DN chỉ bị phạt 1,5 tỷ
đồng. Còn với lãi suất vay ngân hàng 23- 24%/năm thì 100 tỷ phải trả
khoảng 2 tỷ đồng tiền lãi mỗi tháng, chưa nói nếu chậm nộp tiền lãi, còn
bị phạt rất cao, cao nhất tới 150%/năm. Chưa kể, hiện các doanh nghiệp
BĐS rất khó vay ngân hàng, có vay được thì thủ tục cũng rất phức tạp.
“Kế hoạch của chúng tôi là trong năm nay kiểu gì cũng thanh toán hết nợ
thuế bởi việc nợ thuế cũng có thời hạn và DN cũng không muốn điều này
xảy ra”, ông Hậu cho hay.
73 tỷ đồng là tiền nợ thuế mà dự án Golden Land (275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) do Cty Cổ phần Hưng Việt (Tập đoàn Hoàng Huy) làm chủ đầu tư. Ông Đỗ Hữu Hậu, Tổng Giám đốc Cty Hưng Việt, cho biết, tiền nợ mà Cục Thuế thông báo thuộc giai đoạn 2 của dự án làm trung tâm thương mại, nhưng hiện Cty chưa chính thức triển khai giai đoạn 2, do công tác GPMB gặp nhiều khó khăn trong năm 2011.
Lãnh đạo Cty Hưng Việt cho rằng, với số tiền nợ thuế DN có thể trả ngay nhưng vào thời điểm này việc trả thuế không phải là bài toán kinh tế khôn ngoan. “Chúng tôi phải tính toán khéo, đong đếm từng chi phí và có thể chịu phạt tiền thuế để lấy tiền triển khai tiếp dự án. Nếu tính toán chi li thì nợ thuế, kể cả bị phạt vẫn lợi hơn vay lãi ngân hàng. Chưa kể, bây giờ có muốn vay ngân hàng cũng không dễ”, lãnh đạo Cty Hưng Việt phân tích.
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Theo lãnh đạo Cty Geleximco, do tình hình kinh tế khó khăn nên chấp nhận nợ thuế để có thể cân đối vốn cho những lĩnh vực kinh doanh khác của công ty, chứ doanh nghiệp không trốn thuế hay cố tình chây ì nợ thuế. “Chúng tôi đầu tư vào công nghiệp sản xuất xi măng để bù vào BĐS. Một ngày, nếu dừng đốt lò thiệt hại 3 tỷ đồng. Chưa kể, nếu dừng sản xuất thì hàng nghìn công nhân của chúng tôi biết sống bằng gì. Còn tiền nợ thuế của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu ở dự án thành phố giao lưu. Hiện dự án vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Nên trong giai đoạn này, theo tôi Nhà nước cần phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Nhà nước có thể giãn hay lùi thời điểm, thậm chí giảm tiền phạt cho doanh nghiệp, vì nhiều doanh nghiệp hiện nay thực sự rất khó khăn”, ông Hậu đề xuất.'
Lãnh đạo Cty Hưng Việt thừa nhận, khi làm dự án BĐS gặp
lúc thị trường BĐS gặp khó khăn, nên hiện dự án của Cty đang được hỗ
trợ lớn từ công ty mẹ là Tập đoàn Hoàng Huy, chuyên buôn bán, lắp ráp xe
máy, ô tô...
Một đại gia nằm trong danh sách nợ thuế cũng lên tiếng,
thời điểm này nếu Nhà nước giãn tiền thuế cho doanh nghiệp BĐS thì bớt
khó khăn hơn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chia sẻ khó
khăn với doanh nghiệp trong thời điểm này là rất cần thiết. “Thị trường
BĐS ảm đạm kéo dài, các doanh nghiệp thực hiện dự án khó khăn, đành phải
nợ thuế, nên Nhà nước cũng nên thông cảm và chia sẻ. Vì nếu để doanh
nghiệp phá sản, thì Nhà nước cũng chẳng được gì, mà còn mất nguồn thu”,
một chuyên gia nói.
Chưa tới mức điều chỉnh mức phạt Mức phạt chậm nộp thuế hiện nay được tính 0,05%/ngày, tương đương 1,5%/tháng hay 18%/năm. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng lĩnh vực BĐS phổ biến trên 20%/năm, lãi suất quá hạn cao nhất tới 150%, nên so sánh thì nợ thuế có lợi hơn nợ ngân hàng. Do mức phạt chậm nộp thuế thấp, không bảo đảm tính răn đe nên dẫn đến tình trạng trây lỳ nộp thuế để quay vòng vốn. Theo một quan chức Tổng cục Thuế, đúng là tiền phạt chậm nộp thuế hiện nay thấp hơn lãi suất vay ngân hàng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đang quyết liệt giảm lãi suất. Vì thế, không nên đặt vấn đề nâng cao mức phạt chậm nộp thuế thời điểm này. |